Đã có 240 phòng khám bác sỹ gia đình tại 7 tỉnh, thành phố

Thực hiện Đề án Xây dựng và Phát triển mô hình phòng khám theo nguyên lý y học gia đình ở khu vực đô thị, trạm y tế xã, đến nay đã có 240 phòng khám bác sỹ gia đình tại 7 tỉnh, thành phố.

Phòng khám bác sỹ gia đình được coi là mô hình có thể giúp sàng lọc, giải quyết được phần lớn các bệnh lý thông thường, không cần chuyển tuyến; góp phần giảm tải tại các bệnh viện, giảm bớt gánh nặng thời gian và công việc cho các bác sĩ chuyên khoa liên quan và tiết kiệm được kinh phí nằm viện cho bệnh nhân, chi phí bảo hiểm y tế.

Theo mô hình này, bác sỹ gia đình đảm đương ba vai trò chính là khám lâm sàng, y tế dự phòng và bác sĩ tâm lý cho bệnh nhân. Thống kê của Cục Y tế Dự phòng cho thấy, đến nay trên địa bàn 7 tỉnh, thành phố có tổng số 240 phòng khám theo nguyên lý y học gia đình.

Cùng với việc thực hiện quản lý, chăm sóc sức khỏe cho người dân theo mô hình phòng khám bác sỹ gia đình thì việc quản lý bệnh mạn tính, không lây nhiễm tại y tế cơ sở bước đầu có kết quả tích cực. Việc quản lý tốt sức khỏe người dân thông qua hệ thống y tế cơ sở cũng là những điều kiện thuận lợi để triển khai nâng cao chất lượng theo nguyên lý y học gia đình.

Thống kê của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho thấy, đến nay hệ thống y tế đã quản lý được 13,6% người bệnh tăng huyết áp; 28,9% người bệnh đái tháo đường. Chất lượng chuyên môn giữa các tuyến không chênh lệch nhiều do điều trị bệnh không lây nhiễm mạn tính đã có hướng dẫn chuyên môn, quy trình kỹ thuật, phác đồ điều trị được chuẩn hóa, phổ biến rộng rãi.

Mô hình bác sỹ gia đình đã thực hiện tốt việc quản lý, chăm sóc sức khỏe người dân

Đồng thời, đã ban hành mẫu hồ sơ sức khỏe, một số địa phương như Hà Nội, Hà Tĩnh… đã thí điểm và đạt khoảng 80% dân số được lập hồ sơ quản lý sức khỏe. Cùng đó, có gần 80% người có thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại y tế cơ sở (huyện: 47%, xã: 33%); khoảng 70% số lượt khám chữa bệnh BHYT tại y tế cơ sở (huyện: 50%, xã: 20%).

Tuy nhiên, đó chỉ là kết quả ban đầu vì còn tới 86,4% người bệnh tăng huyết áp chưa được điều trị; 71,1% người bệnh đái tháo đường chưa được điều trị. Người bệnh khám, điều trị ở các bệnh viện tuyến trung ương, tuyến cuối được sử dụng nhiều các dịch vụ cận lâm sàng gây gia tăng chi phí, bội chi quỹ BHYT.

Kinh phí chi trả chênh lệch nhiều trên một bệnh giữa các tuyến làm mất công bằng đối với người bệnh khi khám, chữa bệnh không lây nhiễm. Hậu quả là bệnh nhân xin chuyển tuyến, vượt tuyến về bệnh viện tuyến cuối gây tình trạng quá tải bệnh viện; người bệnh đi khám, chữa bệnh tuyến trên mất thời gian đi lại, chờ đợi lâu, tốn tiền đi lại, ăn ở.

Bên cạnh đó, người bệnh không được quản lý, theo dõi, tư vấn, điều trị liên tục theo nguyên lý y học gia đình mà chỉ nhận được các đơn thuốc khác nhau rất nhiều giữa bệnh viện các tuyến, giữa các bác sỹ trong cùng một bệnh viện… Quản lý, khám chữa bệnh không lây nhiễm chủ yếu thực hiện ở tuyến y tế cơ sở, chỉ chuyển đến bệnh viện người bệnh nặng, biến chứng.

Trước thực tế đó, Bộ Y tế đã hướng đến mục tiêu khám, chữa bệnh, quản lý người bệnh theo nguyên lý y học gia đình thông qua thực hiện Mô hình điểm trạm y tế tại 26 xã điểm. Các trạm y tế sẽ triển khai nhiều công việc để chăm sóc sức khỏe người dân, trong đó có triển khai dịch vụ dự phòng, quản lý điều trị một số bệnh không lây nhiễm, được BHYT thanh toán; ưu tiên cho quản lý tăng huyết áp và đái tháo đường tại trạm y tế xã.

Vân Hà

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/da-co-240-phong-kham-bac-sy-gia-dinh-tai-7-tinh-thanh-pho-122561.html