Đã có công cụ để quản lý nội dung xấu độc trên mạng xã hội

Để những Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền… với những clip dung tục phổ biến trên mạng xã hội chứng tỏ công tác quản lý nội dung, công tác tuyên truyền, giáo dục trên mạng Internet chưa thật tốt.

Ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trò chuyện với phóng viên Báo điện tử VietnamPlus. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)

Ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trò chuyện với phóng viên Báo điện tử VietnamPlus. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)

Theo Đại biểu Quốc hội Phạm Tất Thắng (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội), vụ việc của Khá Bảnh biểu hiện cho hiện tượng “phản văn hóa,” lệch chuẩn so với quan niệm chung của xã hội.

Bên cạnh đó, để những Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền… với những clip dung tục phổ biến trên mạng xã hội chứng tỏ công tác quản lý nội dung, công tác tuyên truyền, giáo dục trên mạng Internet của chúng ta chưa thật tốt.

Phóng viên Báo điện tử VietnamPlus đã có trao đổi với tiến sỹ Phạm Tất Thắng về vấn đề này.

Tác động tới nhận thức, hành vi của người theo dõi

- Thưa Đại biểu Phạm Tất Thắng, dư luận đang rất quan tâm về vụ việc Khá Bảnh, một nhân vật đang “tạo sóng” với nhiều clip nội dung tục tĩu, giang hồ trên YouTube nhưng có lượng theo dõi đông đảo tới hơn 2 triệu người. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Tiến sỹ Phạm Tất Thắng: Trước hết phải nói rằng đây là một ví dụ cụ thể với một hiện tượng xã hội khi một bộ phận không nhỏ giới trẻ theo dõi kênh YouTube của Khá Bảnh-một thanh niên ít học, càn quấy, vi phạm pháp luật, có đưa những hành vi phản cảm lên mạng xã hội qua các video clip.

Rõ ràng, Khá Bảnh là hiện tượng “phản văn hóa,” lệch với những chuẩn mực của xã hội và những người đăng ký thường xuyên theo dõi kênh YouTube này cũng đã biểu hiện lệch chuẩn.

Nếu xét về góc độ nghiên cứu thực chứng thì chưa đủ cơ sở để kết luận được những đối tượng theo dõi thường xuyên kênh Khá Bảnh là những đối tượng nào, mục đích gì? Nhưng có lẽ chắc chúng ta thấy phần lớn sẽ rơi vào đối tượng thanh niên, giới trẻ.

Ở đây có câu chuyện là những hiện tượng kiểu Khá Bảnh và một số video clip khác có nội dung tiêu cực được xã hội biết đến, lan truyền với tốc độ nhanh đều trên nền tảng các phương tiện kỹ thuật số, trang mạng xã hội.

Rõ ràng đối tượng sử dụng nhiều loại hình thông tin này chủ yếu là giới trẻ. Giới trẻ có đặc điểm là năng động, muốn tìm hiểu, có nhu cầu tìm hiểu cái mới, có khả năng sử dụng, vận dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại và đặc biệt là trào lưu mới được họ đón nhận và theo sớm so với các nhóm đối tượng khác. Thế nhưng, giới trẻ cũng có hạn chế về mặt lứa tuổi là suy nghĩ, nhận thức chưa chín chắn nên có thể theo, ủng hộ một hiện tượng dù đó chưa phải là hành vi chuẩn mực. Trong khi đó, những hành vi chuẩn như học tập làm theo các điển hình tiên tiến, phong trào thi đua thì ít quan tâm…

- Có nhiều ý kiến cho rằng, vai trò của gia đình và nhà trường trong vấn đề hình thành nhận thức của giới trẻ là rất quan trọng, thưa ông?

Tiến sỹ Phạm Tất Thắng: Trong giáo dục có 3 chủ thể: Gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, nhà trường, gia đình là một “tập con” trong xã hội nên xã hội có hiện tượng gì sẽ phản ánh vào gia đình, nhà trường hiện tượng đó. Vấn đề ở đây là gia đình, nhà trường phải là bộ lọc tốt, đồng thời định hướng tốt giúp giới trẻ lựa chọn được thông tin chuẩn để hình thành nhận thức và hành vi phù hợp.

Chúng ta sẽ không quá ngạc nhiên với hiện tượng Khá Bảnh khi mẹ của anh ta cho rằng con mình giỏi giang, nổi tiếng nên nhiều người ghen ghét, chơi xấu, làm hại… Khi mà gia đình Khá coi là hành vi phá phách, càn quấy, lệch chuẩn là nổi tiếng thì sẽ đưa lại hệ quả tất yếu như chúng ta đã thấy. Hơn nữa, nếu trong suy nghĩ của người lớn như vậy thì quá trình giáo dục trước đây với Khá Bảnh cũng theo nếp đó.

Từ trường hợp cụ thể này cho thấy, phải chú trọng đúng mức việc giáo dục trong gia đình. Rõ ràng, người lớn cần có trách nhiệm với chính con em mình, từ việc trẻ đọc gì, xem gì, suy nghĩ thế nào, làm gì… và gia đình phải là nơi phải định hướng trước tiên.

Thực tế cho thấy, hiện nay ở nhiều gia đình, khi bố mẹ bận rộn hoặc để cho con cái đỡ quấy, mè nheo thì đưa ngay vào tay con tablet, smartphone và không quản lý xem con làm gì. Trong khi đó, trẻ em rất nhanh về công nghệ và hành vi của cha mẹ đã tạo điều kiện cho con thoải mái trong việc truy cập, tìm hiểu mà không được định hướng. Nếu việc này diễn ra trong thời gian dài, trẻ tiếp xúc với cái xấu thường xuyên sẽ hình thành suy nghĩ và dẫn đến hành động tương tự. Do đó, đây là vấn đề xã hội mà gia đình, nhà trường và xã hội phải quan tâm, không thể coi nhẹ.

Đã có ‘gậy’ để quản lý

- Thời gian qua, có nhiều hiện tượng lệch chuẩn như ‘thánh chửi’, Khá Bảnh hay có nhiều các nội dung độc hại, nói xấu chế độ… tràn lan trên YouTube, Facebook. Phải chăng chúng đang có ‘vấn đề’ trong quản lý?

Tiến sỹ Phạm Tất Thắng: Đây là một việc khó nhưng đúng là dường như công tác quản lý chưa thật tốt nên mới có chuyện các video clip mang tính lệch lạc, thậm chí đồi trụy, phản động… đáng lý ra phải gỡ bỏ sớm nhưng nhiều khi chưa làm được. Hoặc, có những nội dung chưa đến mức như vậy, như trường hợp Khá Bảnh, lệch chuẩn so với quan niệm chung của xã hội nhưng cũng tồn tại trong thời gian dài mà chưa có giải pháp ngăn chặn hữu hiệu…

- Vậy chúng ta phải làm thế nảo để quản lý, làm trong sạch môi trường Internet?

Tiến sỹ Phạm Tất Thắng: Chúng ta đang bàn đến một việc khá khó khăn. Thực tế, quản lý vấn đề thuộc hiện tượng xã hội thực tế đã khó, quản lý trên mạng Internet còn khó hơn. Bởi vấn đề này có những yếu tố không phụ thuộc vào cơ quan quản lý của chúng ta khi Google, Facebook là doanh nghiệp nước ngoài, máy chủ đặt nước ngoài, doanh nghiệp của họ hoạt động trên cơ sở nhận thức và văn hóa quốc gia có thể khác chúng ta…

Nhưng, khó không có nghĩa là không có giải pháp hoặc không tích cực để làm.

Vừa rồi, Quốc hội đã thông qua Luật An ninh mạng, trong đó có nêu những hành vi bị cấm trên không gian mạng, đề cập câu chuyện phối hợp với doanh nghiệp nước ngoài để quản lý mạng xã hội hoạt động ở Việt Nam…

Theo đó, chúng ta đã có giải pháp về mặt kỹ thuật để phát hiện, cảnh báo sớm, phối hợp cơ quan, doanh nghiệp quản lý các trang mạng xã hội để có giải pháp cùng tháo gỡ, có giải pháp về mặt quản lý như đề ra các quy định pháp luật.

Khá Bảnh xuất hiện trong một clip trên YouTube với dao, kiếm (Ảnh: Chụp màn hình)

Để thực hiện Luật, sắp tới cơ quan quản lý sẽ ban hành văn bản hướng dẫn, trong đó phải lưu ý hướng dẫn cụ thể các trường hợp cần lưu ý quản lý, ngăn chặn. Bên cạnh đó, cần phải quy định rõ chức năng của các bộ, ngành, địa phương và sự phối hợp trong công tác quản lý.

Cùng với đó, chúng ta phải tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng những tấm gương điển hình, tích cực để ngăn chặn những điều sai trái, hành vi lệch chuẩn. Nếu làm tốt vấn đề này sẽ có tác dụng tích cực.

- Về phía mình, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội sẽ làm gì để hạn chế những lệch chuẩn đang diễn ra, thưa ông?

Tiến sỹ Phạm Tất Thắng: 2/3 chức năng của Quốc hội là làm luật và giám sát. Ở chức năng thứ nhất, Quốc hội đã thông qua Luật An ninh mạng và sắp tới trong Luật Thanh niên cũng sẽ có nội dung liên quan tới định hướng tư tưởng cho thế hệ trẻ.

Về mặt giám sát, Quốc hội sẽ giám sát ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện luật theo hướng cụ thể, khả thi để thực hiện được trong thực tiễn hay chưa, có đúng tinh thần luật không, có được giao hướng dẫn không…?

Bên cạnh đó, với những hiện tượng nổi cộm trong xã hội mà dư luận xã hội, cử tri quan tâm, Quốc hội cũng có thể giám sát việc xem xét, xử lý…

- Xin cảm ơn ông!

Hiếu Hiền (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/da-co-cong-cu-de-quan-ly-noi-dung-xau-doc-tren-mang-xa-hoi/561577.vnp