Dạ cổ hoài lang: Nhạc lòng vấn vương...

“Từ là từ phu tướng/báu kiếm sắc phán lên đàng...”.

Dạ cổ hoài lang (dch nghĩa là nghe tiếng trống khuya nhớ chồng) được c nhc sĩ Cao Văn Lu sáng tác, những tưởng ch là nỗi lòng riêng của đạo nghĩa phu thê. Thế nhưng khi khúc nhc ra đời, được tri li để “si” nhng bước đi dài xuyên thế k, đã tr thành nét son trong một loại hình âm nhạc dân tộc Việt Nam.

Hơn một trăm năm (1919-2023), từ bản Dạ cổ hoài lang (DCHL) chứa chan ân tình, những bậc nghệ sĩ tài hoa đã phát triển thành những bài vọng cổ với sự biến hóa về câu - nhịp. Vọng cổ trở thành món ăn tinh thần - lúc đầu chỉ của người dân Nam Bộ, giờ thì cả người miền Bắc hay người miền Trung đều biết và thích ngân nga vọng cổ. Công lao đó không của riêng ai mà là trí tuệ, là khúc tâm giao của bao trái tim hòa lại cùng vun đắp.

Đường của tơ lòng

DCHL xuyên qua thế kỷ vẫn khẳng định chỗ đứng trong lòng người yêu âm nhạc dân tộc. Chưa được chính thức công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nhưng những gì mà khúc nhạc lòng làm được vẫn đong đầy giá trị!

Lối đi hơn trăm năm của DCHL là hành trình của những điều kỳ diệu! Sự vấn vương của khúc nhạc lòng đâu chỉ là nỗi niềm của cõi tình riêng phu - phụ. Sự thương nhớ, xót xa khôn nguôi truyền tải trong 20 câu DCHL nằm ở phần “hồn” đầy tơ vương thương nhớ. Nhưng kể cả phần “xác”, DCHL cũng có sự kết nối diệu kỳ, cứ như đường của tơ lòng!

Vâng! Đường của tơ lòng là con đường hạnh ngộ của những trái tim nghệ sĩ đa tài, cùng chung tâm trạng, chung tấm lòng vun đắp nền văn hóa dân tộc qua một loại hình âm nhạc. Và con đường ấy cũng gắn cùng thời thế lịch sử của dân tộc. Khởi nguồn từ một nền cổ nhạc Nam Bộ đã được du nhập vào Bạc Liêu khoảng trước thế kỷ XX, rồi nhờ công một vị nhạc sư mà tài đức của ông đáng được tôn vinh là Hậu tổ, đó là Nhạc Khị (1870-1948), người khai sinh ra trường phái cổ nhạc Bạc Liêu, người đầu tiên có công tập hợp, hiệu đính, bổ sung và hệ thống 20 bản tổ làm cơ sở cho nghệ thuật đờn ca tài tử (ĐCTT) và cải lương Nam Bộ.

Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Đợi biểu diễn bài “Dạ cổ hoài lang” trong chương trình nghệ thuật khai mạc ngày hội

Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Đợi biểu diễn bài “Dạ cổ hoài lang” trong chương trình nghệ thuật khai mạc ngày hội

Cuộc đời của vị Hậu tổ này như huyền thoại giữa đời thường. Ông sinh ra trong một gia đình nghèo, bản thân lại mang nhiều dị tật, mù cả 2 mắt, 2 tay teo nhỏ, 1 chân bị liệt… Sống trong cảnh nước mất nhà tan, thân thanh niên trai tráng lại chịu cảnh tật nguyền không thể cầm súng chiến đấu cho quê hương, ông đã chọn con đường lấy âm nhạc để làm vũ khí chiến đấu. 30 tuổi, ông đã đứng ra chủ công thành lập ban nhạc cổ, phục vụ các buổi ma chay, tiệc tùng. Từ những lớp đồ đệ do ông chỉ dạy, đã có hàng loạt bài ca yêu nước thời ấy ra đời…

Trong vô số tác phẩm được các môn đồ sáng tác dựa theo chủ đề chinh phụ vọng chinh phu, cải biên từ bài Nam ai Tô Huệ chức cẩm hồi văn (nghĩa là từ tích nàng Tô Huệ đêm đêm ngồi dệt gấm nghe tiếng trống lại nhớ chồng nơi biên ải xa xôi), đã xuất hiện tuyệt phẩm DCHL của người học trò ưu tú - Cao Văn Lầu. Cái nguyên cớ “tam niên vô tử bất thành thê” của vợ chồng nhạc sĩ Cao Văn Lầu ai cũng rõ, nhưng DCHL còn là tiếng lòng chung của thời cuộc, của nỗi niềm những người vợ xa chồng thời chinh chiến loạn ly…

Cuộc hạnh ngộ của anh tài

Đường của tơ lòng kể từ đó trải dài cùng năm tháng, trải lối để đón nhận những anh tài. Một trăm năm, sự “tung hứng nhịp phách” đã đưa DCHL từ 20 câu nhịp đôi trở thành vọng cổ nhịp 4, nhịp 8, nhịp 16, nhịp 32, nhịp 64… gắn liền với những tên tuổi có công trạng vun bồi hành trình ấy. Đó là những anh tài lưu danh sử sách cổ nhạc của Bạc Liêu như Lư Hòa Nghĩa - người mở đầu kỷ nguyên vọng cổ, Trần Tấn Hưng - người khai sinh 6 câu vọng cổ nhịp 32, Trịnh Thiên Tư - nhà nghiên cứu cổ nhạc lão thành, tác giả sách Ca nhạc cổ điển, Mộng Vân - soạn giả có nhiều kịch bản cải lương nhất… Vọng cổ trở thành "bài ca vua" trên sân khấu cải lương. Rồi vọng cổ được ngân nga qua bao thế hệ. Vọng cổ ngấm vào tâm thức giới mộ điệu, từ tầng lớp thượng lưu, trí thức cho đến anh nông dân cày sâu cuốc bẫm, chữ nghĩa của anh có thể không nhiều mà vọng cổ thì “một bụng”, hát bằng cả niềm đam mê.

Cuộc hạnh ngộ dài tận trăm năm của những bậc anh tài, tự hào thay khi rất nhiều tên tuổi, trong đó là những nhạc sư, nhạc sĩ, nghệ nhân người Bạc Liêu. Các bậc tài hoa ấy đã góp tâm, góp trí, góp tài để cho “âm nhạc vùng đất này vang danh đến cả nước. Tên gọi Bạc Liêu thường gắn liền với bài DCHL. Đất Bạc Liêu là đất của ĐCTT, một truyền thống cả đờn lẫn ca đều có cơ hội phát triển. Từ nhạc lễ đến ca vọng cổ, từ những lễ hội đình chùa, tang ma, đàn chẩn tế đến những buổi ca “ba Nam, sáu Bắc, bốn Oán, bảy Lễ” tại tư gia hay diễn cải lương trên sân khấu, sinh hoạt nơi đây nhập vào dòng chảy của nền âm nhạc dân tộc ở Nam Bộ cũng như cả nước một cách vô cùng nhộn nhịp” (GS.TS Nguyễn Thuyết Phong).

Và sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến một “bước sải” khác của DCHL đó là khi tròn 80 năm tuổi (năm 1999), DHCL tiếp tục được nhạc sĩ người Quảng Nam - Vũ Đức Sao Biển phục hiện qua thanh nhạc Tây phương. Nhạc lòng lại được chắp cánh trên sân khấu âm nhạc cả trong và ngoài nước. Rồi cũng người nhạc sĩ ấy vì luôn trân trọng DCHL như một tài sản quý báu của văn hóa Nam Bộ nên đã âm thầm với công việc “quốc tế hóa” bài DCHL. Ông muốn thế giới tìm hiểu về DCHL nên đã tìm đến các cộng sự đắc lực chuyển nghĩa DCHL thành 3 ngôn ngữ phổ biến trên thế giới là Anh, Pháp, Trung Quốc. Và chính nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển đã công bố “công trình” này trong những ngày tháng bản thân phải chống chọi với tình hình sức khỏe vô cùng nguy kịch!

Chương trình nghệ thuật tôn vinh bản “Dạ cổ hoài lang” tại Ngày hội văn hóa - du lịch Bạc Liêu và lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022

Điều đó có nghĩa là đường của tơ lòng vẫn còn rộng mở, DCHL trăm năm vẫn còn lay động trái tim người. DCHL còn mở ra hướng đi đầy khởi sắc cho mục tiêu phát triển du lịch Bạc Liêu (một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội mà tỉnh đã xác định). Những công ty du lịch lữ hành từng hiến kế, nếu Bạc Liêu xây dựng một kịch bản về DCHL, lấy chất liệu ngôn ngữ, hình ảnh, âm nhạc hòa quyện kể thành câu chuyện thấm đẫm nhân văn về tình nghĩa vợ chồng thì đó sẽ là sản phẩm du lịch độc đáo để mời gọi du khách. Thế là, DCHL, khúc nhạc lòng vương vấn trăm năm lại tiếp tục sứ mệnh “làm” du lịch. Bạc Liêu đã có cả một kho tàng về ĐCTT, đó là khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Thế thì câu chuyện này sẽ là nét điểm xuyết để khu lưu niệm vốn hấp dẫn lại càng có thêm chiều sâu lắng đọng. Và đó cũng chính là nét khác biệt mà nhờ có DCHL, du lịch Bạc Liêu có một sản phẩm độc quyền.

DCHL trăm năm trước là khúc tâm tình độc đáo, trăm năm sau vẫn kết nối bởi những điều diệu kỳ như thế!

Cẩm Thúy

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/140733/da-co-hoai-lang-nhac-long-van-vuong