Đã có hơn 58,3 triệu dữ liệu hộ tịch điện tử các loại

Thông tin trên được đưa ra tại buổi họp báo quý IV.2022 của Bộ Tư pháp chiều nay, 26.12. Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn chủ trì họp báo.

Thông tin từ họp báo cho thấy, năm 2022, công tác tư pháp đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, các cơ quan tư pháp, pháp chế và hệ thống thi hành án dân sự đã kịp thời ban hành, tập trung triển khai các chương trình, kế hoạch công tác; tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành. Thực hiện phương châm “Hướng về cơ sở”, Bộ và các cơ quan tư pháp ở địa phương đã tổ chức nhiều chuyến công tác trực tiếp, nhiều cuộc làm việc trực tuyến thúc đẩy công việc, nắm bắt khó khăn, vướng mắc, kịp thời giải quyết các phản ánh, đề xuất, kiến nghị của cơ sở, của người dân, doanh nghiệp.

Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, cải cách hành chính (CCHC) trong chỉ đạo, điều hành được đặc biệt chú trọng. Chỉ số CCHC của Bộ Tư pháp xếp thứ nhất trong số các bộ, ngành được đánh giá đã khẳng định những nỗ lực của Bộ trong chỉ đạo cải cách, cũng như trong tham mưu Chính phủ thực hiện cải cách thể chế, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Toàn cảnh buổi họp báo

Toàn cảnh buổi họp báo

Công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đạt nhiều kết quả nổi bật; Hệ thống Thi hành án dân sự đã hoàn thành vượt chỉ tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ giao; công tác thi hành án hành chính có nhiều khởi sắc. Kết quả thi hành án dân sự xong về tiền đạt trên 75.000 tỷ đồng, tăng trên 64% so với năm 2021, trong đó, kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đạt khoảng 16.000 tỷ đồng, tăng gần 12.000 tỷ đồng so với năm 2021; số tiền thi hành án đối với các khoản nợ của các tổ chức tín dụng cũng tăng gần 24% so với năm 2021.

Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử đến nay đã có hơn 58,3 triệu dữ liệu hộ tịch các loại; duy trì kết nối, chia sẻ thông suốt với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và đã có hơn 8,1 triệu trường hợp trẻ em được đăng ký khai sinh, cấp số định danh cá nhân thông qua việc kết nối, chia sẻ giữa 2 Cơ sở dữ liệu.

Công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp, đăng ký giao dịch bảo đảm, bồi thường nhà nước, quản lý xử lý vi phạm hành chính. Công tác bổ trợ tư pháp đã đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, với gần 8,9 triệu hợp đồng, giao dịch được công chứng, trên 24.000 cuộc bán đấu giá thành và các luật sư đã thực hiện hơn 115.000 vụ việc (tăng 65,6% so với năm 2021), qua đó giúp bảo đảm an toàn pháp lý, trật tự an toàn xã hội, thu hút đầu tư và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước...

Trong năm 2023, ngành Tư pháp sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 2.6.2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; tiếp tục thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6.1.2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030; phát huy vị trí, vai trò Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc để chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra và thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; nâng cao chất lượng hỗ trợ pháp lý để người dân, doanh nghiệp dễ tiếp cận pháp luật; thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số gắn với bảo đảm an toàn thông tin mạng trong ngành Tư pháp.

Tin và ảnh: Hải Thanh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tin-tuc1/da-co-hon-58-3-trieu-du-lieu-ho-tich-dien-tu-cac-loai-i312615/