Đa dạng hình thức đào tạo, rèn luyện cán bộ cấp xã

Cán bộ chủ chốt cấp xã có vai trò quan trọng đến việc tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Nhờ thường xuyên quan tâm đào tạo, rèn luyện, đội ngũ này đã dần khẳng định được năng lực, tạo sự chuyển biến trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng

Toàn tỉnh Bắc Giang hiện có 1.219 cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn (từ phó chủ tịch UBND trở lên). Xác định công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chủ chốt ở cơ sở là khâu quan trọng trong công tác cán bộ, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn quan tâm đào tạo theo hướng chuẩn hóa về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị.

Lãnh đạo Đảng ủy xã Đông Hưng (Lục Nam) nắm bắt tình hình sản xuất nông nghiệp tại cơ sở.

Từ thực tiễn đội ngũ cán bộ, hằng năm, các địa phương đều rà soát, lựa chọn đối tượng cần đào tạo, tập trung vào lĩnh vực chuyên môn như: Nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng; quản lý tài chính, đất đai; tư pháp, lao động-thương binh và xã hội…

Phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đa dạng về hình thức như “cầm tay chỉ việc”, cử cán bộ các phòng, ban, đoàn thể huyện xuống cơ sở trực tiếp hướng dẫn nghiệp vụ. Một số địa phương chỉ đạo các ban xây dựng Đảng mời các đồng chí bí thư, phó bí thư đảng ủy xã mới tham gia cấp ủy lần đầu lên bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp, nghiệp vụ công tác Đảng.

Đồng chí Đỗ Văn Hoan, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy cho biết: “Sau đại hội đảng bộ cấp cơ sở, nhiệm kỳ 2020-2025, 100% cán bộ chủ chốt phường, xã (92 người) bảo đảm theo đúng yêu cầu về tiêu chuẩn chuyên môn đại học và lý luận chính trị từ trung cấp trở lên. Trong đó, có 25 thạc sĩ, 11 đồng chí tốt nghiệp cao cấp, cử nhân lý luận chính trị.

Nhằm nâng cao năng lực điều hành, đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cơ sở còn tích cực trau dồi phương pháp lãnh đạo, quản lý thông qua việc thường xuyên tăng cường hoạt động giao ban, đối thoại trực tiếp với cán bộ thôn, tổ dân phố để nâng cao năng lực điều hành”.

Dưới sự chỉ đạo của các huyện ủy, thành ủy, hiện 100% đảng ủy cơ sở duy trì phân công các đồng chí thường trực Đảng ủy, HĐND, UBND định kỳ dự sinh hoạt chi bộ. Thông qua đó chủ động nắm bắt địa bàn phụ trách, chỉ đạo giải quyết tốt hơn những vấn đề phát sinh, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng.

Nhờ được thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, trình độ chuyên môn, lý luận chính trị của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã ngày càng được nâng lên. Đơn cử như ở xã Quảng Minh (Việt Yên), hiện tại 6/6 đồng chí cán bộ chủ chốt đều có chuyên môn đại học và trên đại học.

Với trình độ và kinh nghiệm công tác của mình, đội ngũ này đã cùng tập thể đảng ủy xã phát huy tinh thần đoàn kết. Nổi bật là năm vừa qua đã lãnh đạo nhân dân xây dựng xã nông thôn mới nâng cao và về đích trước một năm so với kế hoạch.

Giải quyết tốt vấn đề ở cơ sở

Được đào tạo, trang bị kỹ năng lãnh đạo và rèn luyện từ thực tiễn ở cơ sở, đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã hầu hết đều có năng lực, nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm cao với công việc. Với phương châm gần dân, sát dân, những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn đã tập trung giải quyết tốt nhiều vấn đề còn hạn chế, nổi cộm ở cơ sở.

Toàn tỉnh hiện có 1.219 cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn (từ phó chủ tịch UBND trở lên). Trong đó, có 1.212 người có trình độ từ đại học trở lên; 76 người có trình độ cao cấp, cử nhân lý luận chính trị.

Điển hình như trong năm vừa qua, các xã, phường, thị trấn đăng ký hơn 800 vấn đề cần tập trung cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Kết quả số vụ việc giải quyết đã đạt hơn 94% và tập trung ở nhiều lĩnh vực khác nhau: Bảo vệ môi trường, đền bù giải phóng mặt bằng, xử lý vi phạm đất đai…

Ở xã Quỳnh Sơn (Yên Dũng), khắc phục tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo, nhất là đơn thư vượt cấp kéo dài, các đồng chí Thường trực Đảng ủy xã chủ động tổ chức tiếp xúc đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền với người dân.

Gần hai năm qua, xã Quỳnh Sơn thực hiện hơn 10 cuộc tiếp xúc, đối thoại, qua đó góp phần kiểm soát tình trạng đơn thư vượt cấp; hơn 20 đơn thuộc thẩm quyền được xã giải quyết, trả lời thấu tình, đạt lý, có sự đồng thuận, nhất trí cao của người đứng đơn.

Ngoài ra, để giải quyết hiệu quả các vấn đề ở cơ sở, một trong những biện pháp được các huyện ủy, thành ủy thực hiện là thông qua công tác luân chuyển cán bộ. Trước và sau đại hội đảng bộ xã, phường, thị trấn nhiệm kỳ 2020-2025, hầu hết các địa phương trong tỉnh đều tăng cường thực hiện công tác này.

Một số nơi luân chuyển cán bộ cấp huyện về giữ chức danh chủ chốt ở những xã có mặt hạn chế, yếu kém. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn tỉnh có hơn 70 cán bộ ở các huyện, TP được luân chuyển theo diện này.

Tháng 6/2020, đồng chí Hoàng Minh Thành, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lạng Giang được điều động về xã Nghĩa Hưng (Lạng Giang), đảm nhận chức vụ Chủ tịch UBND xã. Đồng chí Thành chia sẻ: “Nghĩa Hưng là xã thuần nông, sản xuất nông nghiệp vẫn là ưu tiên hàng đầu.

Với kinh nghiệm của mình, tôi quan tâm tới việc cứng hóa kênh mương nội đồng phục vụ tưới tiêu, xây dựng các mô hình sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm. Năm qua, ngoài bảo đảm diện tích gieo cấy lúa, rau màu đạt 100% kế hoạch, hiện địa phương đang thực hiện các mô hình như gieo cấy lúa Nhật năng suất cao, thả cá kết hợp cấy lúa đối với chân ruộng trũng và trồng nho hạ đen trong nhà lưới”.

Có thể thấy, được đào tạo đạt chuẩn và rèn luyện qua thực tiễn nên lực lượng cán bộ chủ chốt lãnh đạo cấp xã từng bước tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng, phương pháp chỉ đạo, quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ ở địa phương. Đây là yếu tố quan trọng góp phần giúp các xã, thị trấn hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.

Bài, ảnh: Tuệ An

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/chinh-tri/xay-dung-dang/385825/da-dang-hinh-thuc-dao-tao-ren-luyen-can-bo-cap-xa.html