Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền pháp luật cho bà con dân tộc thiểu số

Công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật những năm qua luôn được Ủy ban Dân tộc quan tâm, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả.

Với đặc thù là cơ quan quản lý về dân tộc trong cả nước, đối tượng tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật được Ủy ban Dân tộc hướng đến là người dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với Bộ Tư pháp trình Thủ tướng ký Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 8-8-2017 ban hành Đề án “Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2021”.

Để thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện của cơ quan, đơn vị, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được lồng ghép với công tác chuyên môn, các chương trình, đề án, dự án khác của Ủy ban dân tộc.

Đồng bào dân tộc thiểu số tìm hiểu kiến thức pháp luật.

Có thể kể đến: Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025”; Quyết định số 59/QĐ-TTg ngày 16-1-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc “cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn”; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững 2016-2020, tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông 2017, phòng chống tội phạm, ma túy, buôn bán người. Từ thực tế triển khai, Ủy ban Dân tộc rút ra những mô hình hiệu quả, cần nhân rộng, đó là:

Thứ nhất, CLB Pháp luật. Theo Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14-4-2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025”, năm 2017, Ủy ban Dân tộc đã xây dựng 4 mô hình CLB Pháp luật điểm tại 4 xã có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao để tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hôn nhân gia đình, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình (4 xã gồm: Tủa Chùa - Điện Biên, Quản Bạ - Hà Giang, Bác Ái – Ninh Thuận; Đăk Đoa – Gia Lai). CLB có sự tham gia của cán bộ, công chức xã, hòa giải viên, trưởng thôn, người có uy tín sinh hoạt định kỳ hàng tháng để kịp thời tư vấn, giải quyết những vấn đề bức xúc của người dân tại nơi cư trú.

Thứ 2, tổ chức Hội thi tìm hiểu pháp luật bằng hình thức sân khấu hóa. Đây là hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật có rất hiệu quả, là hình thức “mềm hóa” pháp luật nên sinh động, dễ hiểu, dễ nhớ, thể hiện được bản sắc văn hóa của các dân tộc nên thu hút được sự tham gia, quan tâm của đông đảo người dân.

Thứ 3, tổ chức hội nghị phổ biến giáo dục pháp luật trực tiếp tại địa phương nhất là tuyên truyền, phổ biến bằng ngôn ngữ dân tộc thiểu số.

Thứ 4, phát hành tờ rơi, tờ gấp bằng tiếng dân tộc về trồng rừng và bảo vệ phát triển rừng, cung cấp các đầu sách pháp luật, chính sách pháp luật cho người dân tộc thiếu số…

Các mô hình tuyên truyền là một kênh chủ động cung cấp thông tin, tạo điều kiện để người dân tiếp cận được với thông tin pháp luật liên quan trực tiếp đến vùng dân tộc thiểu số, vùng miền núi, từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết.

Đỗ Phương

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/da-dang-hoa-cac-hinh-thuc-tuyen-truyen-phap-luat-cho-ba-con-dan-toc-thieu-so-122418.html