Đa dạng hóa hình thức dạy và học trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp

Sáng 25-3, Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức hội nghị trực tuyến tại 64 điểm cầu, nhằm tiếp tục quán triệt công tác phòng chống dịch Covid-19 trong trường học; triển khai việc dạy và học qua internet, truyền hình trong thời gian học sinh nghỉ học, đặc biệt là việc tinh giản chương trình.

Hơn 10 tỉnh, thành tổ chức dạy học trên truyền hình

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã cùng địa phương nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh với gần 30 văn bản chỉ đạo; địa phương cũng tích cực xây dựng các văn bản chỉ đạo phòng chống dịch. Đến nay, công việc phòng chống dịch bệnh Covid-19 của ngành Giáo dục đã bắt đầu đi vào ổn định.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ, Ủy viên Ban chỉ đạo Quốc gia, Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống Covid của Bộ GD-ĐT chủ trì hội nghị.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao để tạo điều kiện để học sinh được học tập và quản lý việc học của các em trong thời gian nghỉ dài ngày như hiện nay. Cùng với đó là tiếp tục triển khai giải pháp phòng chống dịch bệnh ở các đơn vị cơ sở, quyết tâm không để dịch bệnh xâm nhập vào học đường.

Thay mặt Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của ngành Giáo dục, ông Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ GD-ĐT cho biết: Trong thời gian cho học sinh tạm nghỉ học để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, 100% các cơ sở giáo dục đã tiến hành tập huấn quy trình phòng, chống dịch bệnh cho cán bộ, giáo viên, thực hiện vệ sinh, tẩy trùng trường, lớp và chuẩn bị các điều kiện phòng, chống dịch bệnh để hướng dẫn học sinh, xây dựng kế hoạch dạy bù để sẵn sàng đón học sinh đi học trở lại khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát bảo đảm an toàn.

Do tình hình dịch diễn biến phức tạp, đến nay chỉ có 24 tỉnh, thành phố tiếp tục cho học sinh phổ thông (có địa phương chỉ cho học sinh lớp 12) đi học.

Không để việc học của học sinh bị gián đoạn, ngành giáo dục đã triển khai các hình thức dạy học qua internet, trên truyền hình; tổ chức ôn tập, kiểm tra công nhận kết quả học tập qua internet, trên truyền hình khi học sinh đi học trở lại. Đến nay có hơn 10 tỉnh, thành phố thực hiện dạy học trên truyển hình theo các khung giờ phù hợp để thuận lợi cho quá trình học tập của học sinh cũng như sự theo dõi và tham gia cùng phụ huynh.

Cùng với đó, nhiều địa phương, nhà trường đã dạy qua internet hoặc sử dụng các phần mềm dạy và học trực tuyến để giảng dạy, củng cố kiến thức cho học sinh trong thời gian nghỉ phòng, chống dịch Covid-19.

Tinh giản nội dung dạy học

Trước tình hình nghỉ học có thể kéo dài, khiến tâm lý học sinh bị phân tán, Bộ GD-ĐT cũng tính tới việc giảm nhẹ nội dung chương trình học để phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT cho biết, thực hiện chỉ đạo về tinh giản chương trình, hiện Bộ GD-ĐT đã thành lập các tiểu ban để rà soát, tinh giản chương trình, hiện các tiểu ban đang gấp rút tiến hành việc rà soát, giảm nhẹ nội dung kiến thức.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học phát biểu tại hội nghị.

“Tinh thần là phải chấp nhận hạ thấp yêu cầu đối với học sinh ở mức cao, tức là phải tinh giản những kiến thức nâng cao, chủ yếu để học sinh nắm những kiến thức cốt lõi”, ông Nguyễn Xuân Thành nói.

Theo đó, nội dung dạy học thuộc chương trình học kỳ 2 sẽ được rút ngắn thời gian học khi học sinh trở lại trường trên tinh thần đảm bảo cung cấp đầy đủ kiến thức nền tảng, cốt lõi của chương trình cho học sinh, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình.

Những tiểu ban rà soát chương trình bao gồm các chuyên gia giáo dục, tác giả sách giáo khoa (SGK), giáo viên phổ thông của từng môn học/cấp học. Việc rà soát sẽ dựa vào chương trình đối chiếu SGK để giảm bớt các nội dung nâng cao, sao cho đảm bảo yêu cầu tối thiểu, nhưng có thể thực hiện trong bối cảnh hiện tại.

Các tiểu ban cũng hướng đến việc tích hợp các bài học trong SGK theo chủ đề. Việc tích hợp vẫn nằm trong chương/mục SGK nhưng sẽ giúp tiết kiệm thời gian, thuận lợi cho thiết kế các bài học qua Internet và truyền hình như đang triển khai hiện nay. Ngoài ra, những phần kiến thức hiện đang trùng lặp giữa các môn học sẽ được lược bớt.

Ông Nguyễn Xuân Thành cho hay, hiện học sinh đã nghỉ 8 tuần, thậm chí có thể kéo dài nghỉ đến 10 tuần, hoặc hơn. Trong khi đó, việc giãn thời gian lần 2 mới được 6 tuần nên việc tinh giản chương trình để bảo đảm các em được học trên Internet và truyền hình nắm được kiến thức cơ bản, khi các em quay lại trường thì được hệ thống thêm.

Ông Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh, sau khi thống nhất các nội dung tinh giản, Bộ GD-ĐT sẽ xây dựng các bài giảng để thống nhất dạy cho học sinh trên toàn quốc.

Sẽ kiểm tra kiến thức học trực tuyến

Hiện Bộ GD-ĐT đã gửi các sở GD-ĐT dự thảo công văn giảng dạy trên truyền hình và trên internet. Theo đó, đảm bảo 3 yêu cầu: Học sinh phải được học tập để hoàn thành chương trình; nâng cao năng lực cho các thầy cô cũng như tăng cường mối quan hệ của gia đình, nhà trường.

Học sinh từ lớp 4 ở Hà Nội bắt đầu học qua truyền hình từ ngày 19-3.

Về việc tổ chức hoạt động dạy học và xây dựng học liệu trực tuyến, thầy cô và các tổ chuyên môn phải xây dựng các bài giảng và học liệu phù hợp theo hướng dẫn của Bộ. Cần giao nhiệm vụ cụ thể cho học sinh, cũng như có hình thức kiểm tra đánh giá sau mỗi bài học, tránh tình trạng sóng cứ phát nhưng học sinh không thu được kiến thức.

Bộ GD-ĐT đang phối hợp Bộ Thông tin- Truyền thông và các địa phương để bố trí khung giờ phát sóng phù hợp với lứa tuổi học sinh. Ví dụ, học sinh trung học sẽ học vào ban ngày, học sinh tiểu học sẽ học buổi tối, khi có cha mẹ ở bên hướng dẫn.

Về vấn đề kiểm tra, đánh giá, Bộ GD-ĐT cho rằng, việc đánh giá học sinh định kỳ và cuối kỳ sẽ thực hiện ngay trong giai đoạn học qua Internet và truyền hình hay chờ khi học sinh trở lại trường. Khi các em quay lại trường, dành 2 tuần để hệ thống kiến thức và có thể kiểm tra 2 bài: Bài kiểm tra định kỳ (1 tiết) và cuối kỳ (bài kiểm tra học kỳ).

Với học sinh mầm non, Bộ GD-ĐT chỉ đạo các sở GD-ĐT hướng dẫn các bậc phụ huynh trong thời gian cho con nghỉ học ở nhà thì bảo đảm chế độ dinh dưỡng và tổ chức hoạt động vui chơi cho các con.

Bài, ảnh: KHÁNH HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/da-dang-hoa-hinh-thuc-day-va-hoc-trong-thoi-diem-dich-covid-19-dien-bien-phuc-tap-613282