Đa dạng hóa hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS

Với nhiều nỗ lực trong các hoạt động can thiệp giảm tác hại, điều trị và dự phòng, cuộc chiến phòng, chống HIV/AIDS thời gian qua trên địa bàn Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh HIV/AIDS vẫn diễn biến phức tạp, đòi hỏi hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt là công tác truyền thông cần phải đa dạng và nâng cao hơn nữa.

Nhân viên y tế quản lý, giám sát điều trị cho người nhiễm HIV tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Vĩnh Phúc. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Nhân viên y tế quản lý, giám sát điều trị cho người nhiễm HIV tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Vĩnh Phúc. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, số người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn thành phố tính đến giữa năm 2018 là gần 20.000 người, đứng thứ 2 toàn quốc và chiếm khoảng 10% tổng số người nhiễm HIV/AIDS của cả nước. Hiện tại, 100% số quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố có người nhiễm HIV và đa số người nhiễm HIV được phát hiện trong độ tuổi từ 25 đến 49 tuổi (chiếm 70%). Đối tượng nhiễm HIV/AIDS vẫn tập trung chủ yếu ở nhóm đối tượng nguy cơ cao như: Tiêm chích ma túy, mại dâm, quan hệ tình dục đồng giới…

Trước tình hình đó, các hoạt động thông tin, giáo dục và truyền thông thay đổi hành vi, nâng cao nhận thức về căn bệnh HIV đã được triển khai dưới nhiều hình thức như: Đào tạo, tập huấn cho các nhóm giáo dục đồng đẳng tham gia tuyên truyền ý thức phòng tránh, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho những người bị nhiễm HIV và người có nguy cơ cao; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về HIV/AIDS; tổ chức các buổi tọa đàm, triển lãm ảnh và các câu chuyện về HIV/AIDS… Thông qua hoạt động truyền thông, kiến thức về dịch bệnh HIV/AIDS, về các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV/AIDS và các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS đã được truyền tải đến cộng đồng. Nhờ đó nhiều người đã hiểu rõ hơn về căn bệnh HIV/AIDS, đồng cảm, chia sẻ với người không may bị nhiễm HIV/AIDS.

PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, hoạt động truyền thông đã góp phần rất quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng và nhóm đối tượng có nguy cơ cao, giúp họ thay đổi hành vi, thực hiện hành vi an toàn phòng lây nhiễm HIV cho bản thân và người xung quanh, góp phần hạn chế sự lây nhiễm HIV/AIDS tại địa phương. Trong giai đoạn tới, viện trợ quốc tế cho công tác phòng, chống HIV/AIDS bị cắt giảm, nguồn lực trong nước còn hạn chế, khiến các hoạt động truyền thông phòng, chống HIV/AIDS gặp nhiều khó khăn. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội thể hiện sự năng động, sáng tạo của các địa phương đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS nói chung và truyền thông phòng, chống HIV/ AIDS nói riêng.

Để đạt hiệu quả, theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, công tác truyền thông cần đa dạng, đổi mới và có trọng tâm, trong đó cần ưu tiên truyền thông với "nhóm đối tượng đích", tác động mạnh tới tình hình dịch như: Nhóm tiêm chích ma túy, mại dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới và vợ hoặc bạn tình của họ. Các thông điệp truyền thông ngoài kiến thức cơ bản về HIV/AIDS cần nhấn mạnh vào lợi ích của các dịch vụ can thiệp, dự phòng, điều trị và chăm sóc HIV/AIDS để mọi người nhận thức đúng về dịch và người nhiễm HIV, người dễ bị lây nhiễm biết được lợi ích, quyền lợi, trách nhiệm để tiếp cận sớm với các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. Bên cạnh đó, đa dạng các kênh truyền thông, lấy truyền thông trực tiếp là chủ yếu để tạo sự thay đổi hành vi và duy trì hành vi bền vững. Lồng ghép triệt để truyền thông phòng, chống HIV/AIDS vào các hoạt động chung của ngành Y tế, các ban, ngành, đoàn thể và vận động người dân tham gia, nhằm giảm tác động của HIV/AIDS, hướng tới mục tiêu “90-90-90” (90% số người nhiễm HIV được xét nghiệm và biết tình trạng bệnh; 90% số người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV); 90% số người đang được điều trị ARV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế) của Liên hợp quốc vào năm 2020.

Xuân Lộc

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Suc-khoe/916287/-da-dang-hoa-hoat-dong-truyen-thong-phong-chong-hivaids