Đa dạng sinh học ở Vườn quốc gia Hoàng Liên

Vườn quốc gia (VQG) Hoàng Liên thuộc địa phận tỉnh Lào Cai và 2 xã Mường Khoa, Thân Thuộc, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu. Đây là điểm du lịch sinh thái lý tưởng và phù hợp với nghiên cứu khoa học. VQG Hoàng Liên từng được Quỹ môi trường toàn cầu được xếp vào loại A, cao cấp nhất về giá trị đa dạng sinh học của Việt Nam.

Khám phá Vườn quốc gia Hoàng Liên.

Khám phá Vườn quốc gia Hoàng Liên.

1.Từ thị trấn Sa Pa (Lào Cai), du khách đi qua một đoạn dốc quanh co khoảng 20 km, du khách sẽ đến với đèo Ô Quy Hồ - đèo Hoàng Liên, nơi đây thuộc địa phận Vườn quốc gia. Tiếp tục men theo con đường mòn uốn lượn quanh triền núi ở độ cao trên 1.000m so với mặt nước biển, du khách sẽ bao quát hết được phong cảnh núi rừng nơi đây - một khu rừng với bạt ngàn cây xanh được phủ bởi những dải nắng vàng óng ánh đan xen vào nhau... thấp thoáng trong đó là từng vạt hoa rừng như đang cùng nhau khoe sắc; phía xa xa, những bản làng người dân tộc lấp ló qua từng làn sương mỏng...

Trước khi được công nhận là vườn quốc gia, khu vực này là một khu bảo tồn thiên nhiên mang tên Khu Bảo tồn Thiên nhiên Hoàng Liên-Sa Pa từ năm 1996.

Được thành lập năm 2002, VQG Hoàng Liên - một trong những khu rừng đặc dụng quan trọng của Việt Nam có tổng diện tích vùng lõi 29.845 ha, bao gồm một hệ thống núi cao thuộc dãy Hoàng Liên Sơn, trong đó có đỉnh Fansipan cao 3.143 m và diện tích vùng đệm là 38.724 ha, bao gồm thị trấn Sa Pa, một số xã thuộc huyện Sa Pa, một phần huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai và 2 xã thuộc huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu.

Với những nét đặc thù về khí hậu, thời tiết, địa hình của Hoàng Liên, đã hình thành tại đây hệ động - thực vật vô cùng phong phú. Theo đánh giá của các nhà khoa học, VQG Hoàng Liên là một trong những trung tâm đa dạng sinh vật vào bậc nhất của Việt Nam, đặt biệt là hệ thực vật rừng.

Theo thống kê VQG Hoàng Liên có 2.847 loài thực vật bậc cao có mạch, thuộc 1.064 chi của 229 họ, trong 6 ngành thực vật, nhiều loài có tên trong Sách đỏ. Vườn sở hữu 3 loài cây đặc biệt quý hiếm là loài bách xanh, thông đỏ, vân sam Hoàng Liên (sam lạnh). 3 loại cây này đã được Quỹ Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) và Chương trình Đông Dương khuyến cáo cần có biện pháp bảo tồn, nhân giống vì đứng trước nguy cơ tuyệt chủng cao.

Các nhà khoa học đã phát hiện ở VQG Hoàng Liên nhiều loài phong lan quý hiếm như lan sứa Sa Pa, lan môi dày Sa Pa. Nhiều loài đặc hữu của Việt Nam phân bố ở Sa Pa như hoàng thảo ngọc vạn, thanh đạm tuyết ngọc, lan môi ẩn vàng rủ…

Đặc biệt, nhắc đến VQG Hoàng Liên không thể không nhắc tới các loài đỗ quyên với nhiều sắc màu lộng lẫy, từ màu đỏ rực cho đến màu hồng thẫm, phớt hồng, phớt tím, hay đỗ quyên hoa trắng, đỗ quyên ly, đỗ quyên lưu huỳnh... Ước tính có hơn 30 loài đỗ quyên nở hoa quanh năm, phân bổ tại nhiều nơi trong VQG Hoàng Liên… Ngoài ra, ở VQG Hoàng Liên, các loài cây dược liệu cũng rất phong phú, với gần 800 loài đã được phát hiện.

Hoa đỗ quyên trong rừng Hoàng Liên Sơn.

2. Bên cạnh hệ thực vật đa dạng, phong phú, tại VQG Hoàng Liên các nhà khoa học đã thống kê được 555 loài động vật có xương sống trên cạn, trong đó 96 loài thú; 346 loài chim; 63 loài bò sát và 50 loài lưỡng thê, đặc biệt có loài ếch gai rất hiếm mới được phát hiện.

Đáng chú ý là các loài bướm. VQG Hoàng Liên có rất nhiều loài bướm đẹp không những có giá trị bảo tồn, thương mại mà còn có giá trị tham quan du lịch và thẩm mỹ. Nơi đây đã ghi nhận được 304 loài, thuộc 138 giống, 10 họ. Đây là nơi duy nhất của Việt Nam có nhiều loài bướm chưa được tìm thấy ở các vùng miền khác của đất nước.

Trong số 555 loài động vật có xương sống đã được ghi nhận ở Hoàng Liên, có 60 loài động vật quý, hiếm ghi trong Sách đỏ Việt Nam (1992), 33 loài trong Danh lục đỏ IUCN/2004, 5 loài chim đặc hữu cho Việt Nam và 55 loài chim khác đặc hữu cho vùng núi cao của Hoàng Liên Sơn; Yếu tố đặc hữu còn cao hơn nữa đối với khu hệ lưỡng thê (6 loài) và có thể nói VQG Hoàng Liên đang bảo tồn nguồn gen của một nửa loài ếch nhái có ở Việt Nam và có thể được xem như điểm nóng về đa dạng của nhóm động vật này.

Tuy có tính đa dạng cao, nhưng do tình trạng nguồn lợi động vật nên nhiều loài đang bị đe dọa, trong đó có nhiều loài gần như đã rơi vào tình trạng bị tiêu diệt ở Hoàng Liên như: vượn đen, hồng hoàng, cheo cheo, voọc bạc má. Những loài bò sát, lưỡng cư có giá trị thương mại hoặc dược liệu như: Các loài rùa, kỳ đà và các loài rắn hiện trở nên rất hiếm và cũng trong tình trạng bị đe dọa cao.

Với sự độc đáo và đa dạng hiếm có, năm 2006, VQG Hoàng Liên được công nhận là Vườn di sản ASEAN. VQG Hoàng Liên cũng được các nhà khoa học Việt Nam đặc biệt quan tâm. Trong những năm gần đây, có tới 6 quần thể cây được công nhận là cây di sản Việt Nam gồm vân sam, thiết sam, đỗ quyên cành thô, đỗ quyên hoa đỏ, trâm ổi và hồng quang. Nơi đây, vần tiềm ẩn nhiều giá trị về đa dạng sinh học cần giới chuyên gia nghiên cứu, tìm hiểu và công bố.

Xuân Hiếu

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dan-toc/da-dang-sinh-hoc-o-vuon-quoc-gia-hoang-lien-tintuc418298