Đã đến lúc cần 'dân chủ hóa' dữ liệu

Khung pháp lý, thể chế cho các hoạt động ngân hàng mở, về giao diện lập trình ứng dụng mở (Open-API) và việc định danh khách hàng điện tử (e-KYC), vẫn còn là một rào cản cho sự giao thoa, hợp tác giữa ngân hàng và các doanh nghiệp FinTech, cũng như cho xu hướng hội nhập tiến về kỷ nguyên ngân hàng số của các ngân hàng Việt Nam.

Theo Basel (2018), FinTech (Financial Technology) là các sáng tạo trong tài chính dựa trên nền tảng công nghệ nhằm tạo ra các mô hình kinh doanh, ứng dụng, quy trình, hay sản phẩm mới có tác động cụ thể đến các thị trường và định chế tài chính, cũng như trong việc cung cấp các dịch vụ tài chính.

Các chuyên gia dự báo làn sóng FinTech có thể sẽ quật ngã các ngân hàng hoạt động theo kiểu truyền thống, thậm chí cảnh báo rằng ngân hàng nên xem FinTech là đối thủ cạnh tranh.

Thực vậy, FinTech đã dần dần phá vỡ các mô hình kết nối truyền thống khách hàng - ngân hàng, tạo cho khách hàng nhiều lựa chọn hơn cho hoạt động huy động vốn, thanh toán, ký thác, mua bán tiền tệ, sử dụng dịch vụ với chi phí ít tốn kém nhất.

FinTech cũng xâm nhập sâu rộng vào các lĩnh vực tài trợ, thanh toán, quản lý tài sản và đầu tư, thu thập dữ liệu, đánh giá và xếp hạng tín dụng, cho vay, tiền điện tử, quản lý vốn lưu động...

Thế nhưng, có vẻ phần lớn chúng ta chú ý nhiều hơn đến FinTech ở khía cạnh khai thác các tiềm năng của công nghệ để thay đổi hay bổ sung các cách thức kinh doanh ngân hàng. Trong khi đó, ít thấy ai nói về FinTech ở góc độ làm thế nào để đạt được mục tiêu đó, đặc biệt dưới góc độ thể chế.

Cách thức và mức độ xâm nhập của các FinTech vào lĩnh vực ngân hàng liên quan đến một rào cản thể chế quan trọng: Đó là khái niệm “Dân chủ hóa dữ liệu” (Data Democratisation).

Dữ liệu với nghề ngân hàng truyền thống

Việc tiếp cận dữ liệu ngân hàng bị trở ngại, hạn chế như thế chủ yếu do những quy định rối rắm, nhất là dựa vào “lá bùa” bảo vệ dữ liệu cá nhân, hay bảo vệ bí mật ngân hàng.

Như chúng ta đã biết, mọi giao dịch kinh doanh, trong đó có các giao dịch tài chính - ngân hàng, đều sản xuất ra dữ liệu (data). Nghề ngân hàng là nghề sản xuất ra dữ liệu. Hệ thống ngân hàng toàn cầu hàng ngày, hàng tuần có thể sản xuất ra những khối lượng dữ liệu khổng lồ. Thế nhưng, trên thực tế, chỉ một số rất ít các ngân hàng thực sự sử dụng một cách hữu hiệu những tài nguyên dữ liệu đó.

Ngay cả những cá nhân, tổ chức tưởng như có quyền tiếp cận những dữ liệu ngân hàng theo luật định, nhưng vẫn thường dễ dàng bị ngân hàng qua mặt, làm khó. Việc tiếp cận dữ liệu ngân hàng bị trở ngại, hạn chế như thế chủ yếu do những quy định rối rắm, nhất là dựa vào “lá bùa” bảo vệ dữ liệu cá nhân, hay bảo vệ bí mật ngân hàng, như thường thấy trong trường hợp các ngân hàng Thụy Sỹ cho đến nay vẫn còn được các giáo khoa kinh điển ca tụng.

Nghề ngân hàng truyền thống do đó mang tính chất “kín cổng cao tường”. Nhìn lại cho kỹ thì thấy rõ hơn, chính ngân hàng, chứ không phải khách hàng của họ, mới là chủ sở hữu của dữ liệu và thông tin khách hàng. Theo cung cách đó, nghề ngân hàng qua năm tháng dễ trở nên trì trệ hơn, thiếu thấu hiểu hành vi khách hàng của mình hơn, và do đó, dễ bằng lòng hơn với những sản phẩm truyền thống, khó có thể cung ứng cho khách hàng những sản phẩm với giá phí rẻ hơn, tiện lợi hơn, mang tính cạnh tranh cao hơn.

Vả lại, một đặc tính quan trọng của sản phẩm dịch vụ ngân hàng vô tình tạo ra sự trì trệ, đó là sản phẩm dịch vụ ngân hàng không có bản quyền nên rất dễ bị bắt chước. Hôm nay anh có sản phẩm đó thì nay mai tôi cũng có nó thôi. Đó chính là kiểu “Me-too product” trong chiến lược phát triển sản phẩm.

Trong khi đó, khách hàng khó mà hưởng dụng được những giá trị gia tăng có thể khai thác từ dữ liệu. Rào cản hạn chế khả năng tiếp cận và chấp nhận từ phía khách hàng đối với sản phẩm dịch vụ ngân hàng sẽ càng khó hơn bởi đặc tính vô hình của dịch vụ ngân hàng không được bù đắp bởi những yếu tố hữu hình, đặc biệt là những hành vi, nhu cầu của khách hàng đáng lẽ ra có thể được chiết xuất, sàng lọc và phân tích từ các kho dữ liệu.

Dân chủ hóa dữ liệu, FinTech và ngân hàng mở

Thế nhưng, thế giới đang thay đổi một cách nhanh chóng và ngoạn mục. Trong một chừng mực nào đó, có thể nói, sự phát triển của công nghệ, trong trường hợp này là công nghệ tài chính (FinTech), đã phá vỡ hàng loạt những rào cản, đặc biệt là những rào cản thể chế liên quan đến dữ liệu khách hàng. Những phát kiến mới về thể chế, đến lượt nó, lại có những tác động tích cực, thúc đẩy công nghệ tài chính phát triển mạnh mẽ hơn.

Dân chủ hóa dữ liệu (Data Democratisation) là ý tưởng biến các dữ liệu kinh doanh nói chung trở nên có thể dễ tiếp cận hơn, và khả dụng hơn cho tất cả mọi người.

Nói đến dân chủ hóa dữ liệu chúng ta không thể không nhắc đến khái niệm “Ngân hàng mở” (Open Banking), và một khi nói đến “Ngân hàng mở” chúng ta cũng không thể không nhắc đến hai văn kiện quan trọng trong khuôn khổ các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU). Đó là chỉ thị dịch vụ thanh toán 2 (Payment Services Directive 2 - PSD2) và Quy tắc tổng quát về bảo vệ dữ liệu (General Data Protection Regulation - GDPR) và cả hai văn kiện này đều đã có hiệu lực từ năm 2018.

Điểm chung của hai văn kiện này khuyến khích sự chia sẻ, thúc đẩy những dòng chảy tự do, hợp pháp của dữ liệu cá nhân cùng với những tiêu chuẩn an toàn, bảo mật; bên cạnh những tiêu chuẩn công nghệ cho việc chia sẻ, truy xuất dữ liệu cá nhân liên quan đến một bên cung ứng dịch vụ thứ ba (Third Party Service Provider - TPP).

Nếu như tiền tệ phải được, và có xu hướng, chảy đến những nơi an toàn và có khả năng sinh lợi tốt hơn, thì cũng theo ngữ nghĩa đó, dữ liệu phải được tự do chảy đến những nơi cần nó, để được khai thác một cách hiệu quả và an toàn dưới sự bảo hộ của luật pháp. Riêng PSD2, liên quan trực tiếp đến dịch vụ thanh toán, yêu cầu ngân hàng phải cung cấp thông tin khách hàng cho TPP một cách tự động, đương nhiên là với sự đồng ý rõ ràng của khách hàng ngân hàng. Đây chính là ý tưởng cốt lõi của “Ngân hàng mở” vừa được đề cập phía trên, lĩnh vực khai phá tiên phong cho khái niệm dân chủ hóa dữ liệu.

Như vậy, phải nói Open Banking đã khơi một luồng gió mới mẻ trong việc “mở” nguồn tài nguyên - dữ liệu khổng lồ và vô giá trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, cho các doanh nghiệp FinTech.

Dân chủ hóa dữ liệu, với hình thái ban đầu của ngân hàng mở thực sự là cuộc cách mạng trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Ngân hàng mở là bước đột phá đầu tiên để nghề ngân hàng truyền thống chuyển sang ngân hàng số (Digital Banking). Ngân hàng sẽ không còn là nơi duy nhất nắm giữ dữ liệu khách hàng. Họ cũng không còn quyền để độc quyền giữ, dù với lý do bảo vệ bí mật dữ liệu khách hàng như thế nào đi nữa. Họ phải chia sẻ, phải “mở” dữ liệu khách hàng cho bên thứ ba, thậm chí trong một chừng mực nào đó, cho cả đối thủ của chính mình và ngược lại, theo những khuôn khổ, ràng buộc về công nghệ và pháp lý nhất định.

Rõ ràng, theo cách này, thì an toàn luôn luôn là một thách thức lớn cho ngân hàng và các ngân hàng buộc phải đầu tư đáng kể vào việc thay đổi cơ sở hạ tầng công nghệ tương thích với yêu cầu của PSD2. Hai rào cản quan trọng nhất mà ngân hàng phải vượt qua trong tiến trình ngân hàng mở là giao diện lập trình ứng dụng mở (Open-API) và việc định danh khách hàng điện tử (e-KYC).

Nhìn nhanh về Việt Nam

Nếu như ngân hàng mở hiện đang được xem như là một trào lưu mạnh mẽ hướng tới tạo lập một sân chơi bình đẳng cho ngân hàng và các doanh nghiệp khác, thì những cải cách thể chế lại là một động lực khác thúc đẩy sự phát triển của nó. Theo McKinsey (2018), hiện đã có 22 quốc gia, chiếm 60% thu nhập ngân hàng toàn cầu, đã thể chế hóa ngân hàng mở, dù với những lộ trình khác nhau.

Hành lang pháp lý cho hoạt động FinTech ở Việt Nam chỉ mới được áp dụng cho hoạt động trung gian thanh toán, với 26 công ty FinTech trong lĩnh vực thanh toán điện tử (chủ yếu là ví điện tử và thanh toán di động) đã được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép tính đến tháng 11-2018. Các ngân hàng trong nước đã có ít nhiều những định hướng về ngân hàng số.

Thế nhưng, phải nói, khung pháp lý, thể chế cho các hoạt động ngân hàng mở, về giao diện lập trình ứng dụng mở và việc định danh khách hàng điện tử, vẫn còn là một rào cản cho sự giao thoa, hợp tác giữa ngân hàng và các doanh nghiệp FinTech, cũng như cho xu hướng hội nhập tiến về kỷ nguyên ngân hàng số của các ngân hàng Việt Nam.

(*) Đại học Kinh tế TPHCM

Trương Quang Thông (*)

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/286459/da-den-luc-can-dan-chu-hoa-du-lieu-.html