Đã đến lúc Mỹ buông bỏ 'Sợi gân gà' Syria?

Một chuyên gia Mỹ cho rằng, Mỹ không thể thay đổi được cục diện ở Syria, trong khi bao vây, cô lập cũng chẳng phát huy được tác dụng gì.

Trên Tạp chí Mỹ “Lợi ích Dân tộc” (National Interest - NI), chuyên gia Paul R. Pillar - một trong những thành viên ban đầu của Nhóm Phân tích thuộc Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ - cho biết, các quốc gia Ả Rập đang dần khôi phục hoặc mở rộng quan hệ với chính quyền Syria của Tổng thống Bashar al-Assad và một số nhà bình luận ở Mỹ rất không hài lòng về điều đó.

Theo vị cựu sĩ quan tình báo Mỹ, một chuyên mục của tác giả Josh Rogin trên tờ Washington Post và một bài báo của nghiên cứu viên Charles Lister thuộc Viện Trung Đông, xuất hiện cách nhau một ngày, có cách tiếp cận gần như giống hệt nhau về chủ đề này.

Mỹ nên rạch ròi giữa kinh tế và chính trị

Theo chuyên gia Pillar, hai nhà phân tích trên đều đánh giá và nhấn mạnh hồ sơ của chính quyền Assad về sự tàn bạo là “điều không có gì có thể bàn cãi” và chỉ trích chính quyền của Tổng thống Joe Biden vì đã âm thầm thỏa hiệp trong lĩnh vực kinh doanh mà các quốc gia trong khu vực đã và đang làm với Syria, bất chấp việc Washington không có động thái nào hướng tới việc khôi phục quan hệ với Damascus.

Những lời chỉ trích này dường như dựa trên quan điểm sai lầm nhưng đã quá quen thuộc rằng, việc Hoa Kỳ nói chuyện hoặc thương lượng với một chính phủ khác là điều có lợi cho chính phủ đó. Minh chứng điển hình cho điều đó là từ “phần thưởng” xuất hiện rõ ràng trong bài viết của Rogin.

Thế nhưng trên thực tế, các trao đổi ngoại giao hoặc thương mại về bản chất không phải là phần thưởng mà một bên ban tặng cho bên kia, mà chúng là những con đường hai chiều liên quan đến việc mỗi bên sử dụng các công cụ thông thường để theo đuổi lợi ích và mục tiêu riêng của mình.

Còn Lister than thở rằng, bất kỳ mối quan hệ nào với chính quyền Syria của Assad sẽ “bình thường hóa những hành động tàn bạo mà chế độ của ông ta đã gây ra”, trong khi các mối quan hệ ngoại giao hay thương mại thông thường chẳng có gì liên quan đến vấn đề như vậy.

Một diễn biến gần đây liên quan đến quan hệ với Syria, được xem như là động lực thúc đẩy Rogin và Lister ngay lập tức viết những bài báo của họ, là một thỏa thuận 4 bên, trong đó, khí đốt tự nhiên từ Ai Cập sẽ được vận chuyển qua Jordan và Syria tới Lebanon.

Một số quốc gia Trung Đông bắt đầu giao thương với chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad

Một số quốc gia Trung Đông bắt đầu giao thương với chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad

Xét về mặt kinh tế, thỏa thuận này sẽ giảm bớt tình trạng thiếu nhiên liệu đã gây ra tình trạng mất điện kéo dài, là một trong những nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng đã xảy ra với Lebanon trong năm qua, làm đất nước này thêm nghèo túng.

Khi đề cập đến thỏa thuận khí đốt Ai Cập, cả Rogin và Lister đều không lưu ý đến mục đích của nó là phục vụ cho ai và chẳng hề quan tâm đến lợi ích của những người được phục vụ nhiều nhất, đặc biệt là dân chúng Lebanon đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Các tác giả này cũng không đề cập đến những bất lợi khi để cuộc khủng hoảng Lebanon bùng phát, bao gồm cả việc để Hezbollah thao túng người Lebanon bằng cách vận chuyển nhiên liệu diesel của Iran từ Syria.

‘Bình thường hóa từng bước’ sẽ thay thế “cô lập, trừng phạt’?

Cả hai nhà bình luận đều đủ công bằng để ghi nhận những quan điểm khác với quan điểm của họ, nhưng họ không bao giờ thực sự bác bỏ những quan điểm đó.

Vì vậy, Rogin viết: “Những người ủng hộ bình thường hóa cho rằng, 10 năm cô lập và gây áp lực lên chính quyền Assad đã không tạo ra bất kỳ tiến bộ nào đối với một giải pháp chính trị, trong khi các lệnh trừng phạt đã làm trầm trọng thêm nỗi đau khổ của người Syria. Họ cũng cho rằng sự can dự của Ả Rập có thể làm giảm bớt sức mạnh của Iran ở Syria”.

Rogin tiếp tục chỉ trích những đau khổ mà chế độ Assad đã gây ra với các nhóm địa phương ở Syria, liên quan đến việc tuân thủ kém các thỏa thuận, nhưng điều này không mâu thuẫn với sự kém hiệu quả của một thập kỷ cô lập và áp lực, hoặc mức độ mà các lệnh trừng phạt nước ngoài đã tăng thêm sự đau khổ của người dân Syria.

Nó cũng không giải quyết được các tác động của việc tiếp tục cô lập chế độ Syria, với việc duy trì ảnh hưởng của Iran và Nga ở Syria.

Lister lưu ý các bước tiến của nhà vua Jordan Abdullah trong chuyến thăm Washington vào tháng 7 với ý tưởng rằng “để thấy sự thay đổi hành vi từ chính quyền Damascus, chúng ta phải xác định điều đó có nghĩa là gì và bắt đầu quá trình kiểm tra và có biện pháp xây dựng lòng tin 'từng bước' với Assad để chắc chắn rằng họ sẵn sàng hành động mang tính xây dựng”.

Sau đó, Lister dường như nói rằng, chính quyền Biden nên có, nhưng đã không, đáp lại Abdullah bằng một “lời từ chối rõ ràng” về một “mối quan hệ tái thiết theo từng giai đoạn với Damascus”. Nhưng Lister không bao giờ nói những gì được cho là sai với dòng suy nghĩ của Abdullah.

Chiến lược của Jordan, rõ ràng phản ánh nhiều suy nghĩ cẩn thận ở Amman, là “sự phản ánh thực tế các thực tế trên thực địa ở Syria”. Cách tiếp cận gia tăng từng bước và có điều kiện của nó chắc chắn có cơ hội tốt hơn để ảnh hưởng đến hành vi của Syria, nhiều hơn so với phương pháp không áp lực vốn đã cho thấy sự kém hiệu quả của nó.

Vị thế của chính quyền Syria ngày càng vững chắc với sự hậu thuẫn của Nga

Việc Jordan đóng góp nhiều vào việc cải thiện các tác động của cuộc chiến Syria khiến ý kiến của Amman đáng được lắng nghe. Ngoài việc tiếp nhận 1,3 triệu người tị nạn Syria, Jordan đã chịu một tác động kinh tế đáng kể, bao gồm cả cán cân thương mại với Syria.

Đối với Hoa Kỳ, sự ổn định và phúc lợi kinh tế của các quốc gia như Jordan và Lebanon ít nhất cũng quan trọng như việc làm thỏa mãn các mục tiêu của những nhóm đối lập Syria.

Khó lật ngược tình thế, Hoa Kỳ nên “buông bỏ” Syria?

Hai sự kiện cơ bản lớn, rõ ràng không được Rogin hoặc Lister đề cập đến. Một là gia tộc Assads đã nắm quyền ở Syria hơn nửa thế kỷ. Người cha, Hafez lên nắm quyền trong một cuộc đảo chính vào năm 1970, và người con trai Bashar kế vị cha mình vào năm 2000.

Trong phần lớn nửa thế kỷ đó, Syria đã có quan hệ ngoại giao và thương mại bình thường với hầu hết các phần của thế giới. Những tuyên bố hàm hồ nói rằng, các mối quan hệ bình thường giữa Syria và các quốc gia trong khu vực bây giờ sẽ là “thảm họa” (Rogin) hoặc “phá vỡ các chuẩn mực quốc tế” (Lister) đều là không thuyết phục.

Một thực tế cơ bản khác là chế độ của Assad, với sự trợ giúp của các đồng minh Iran và đặc biệt là sự hiện diện quân sự của Nga, đã phục hồi từ những thất bại trước đó trong cuộc nội chiến và đã đảm bảo quyền kiểm soát phần lớn Syria, theo cách có vẻ rất khó bị đảo ngược.

Rõ ràng là mặc dù không giữ được quyền kiểm soát đối với một số biên giới và không phận của Syria, chính quyền Damascus hiện vẫn đang quản lý hơn 2/3 lãnh thổ của Syria, một tỷ lệ tương tự dân số và tất cả các thành phố lớn của nó. Rất khó để Mỹ có thể thực hiện thành công khẩu hiệu “Asssad must go”.

Không rõ Rogin hoặc Lister hy vọng sẽ đạt được điều gì với chính sách không ngừng gây áp lực và cô lập. Họ muốn Hoa Kỳ tích cực về mặt ngoại giao trong một tiến trình chính trị quốc tế về Syria trong khuôn khổ Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, và thực tế là như vậy.

Tuy nhiên, việc ngăn cản các quốc gia khu vực như Ai Cập, Jordan, Lebanon và các chế độ quân chủ vùng Vịnh Ba Tư thực hiện bất kỳ hoạt động kinh doanh nào với chính phủ Syria, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình đó như thế nào vẫn là điều không rõ ràng; trong khi bản thân Nghị quyết 2254 kêu gọi quá trình này có sự tham gia của chính phủ Syria.

Một chính sách không ngừng cô lập sẽ trở thành một ví dụ sai lầm khác về việc áp đặt những hạn chế, trừng phạt đối với một chế độ mà “Hoa Kỳ không ưa” - chính sách đã không mang lại bất kỳ tiến bộ thực tế nào.

Chính quyền Biden không cần phải vội vàng bình thường hóa quan hệ của mình với Damascus và rõ ràng là Nhà Trắng không cần phải làm như vậy, nhưng không có lý do chính đáng nào để Washington gây áp lực buộc các quốc gia láng giềng của Syria không làm như vậy.

Ở Trung Đông cũng như các khu vực khác, các mối quan hệ bình thường và hợp tác giữa các nước láng giềng nói chung là vì lợi ích của Hoa Kỳ hơn là đối đầu.

Các mối quan hệ như vậy cải thiện khả năng tiến triển trong các vấn đề xuyên biên giới như người tị nạn và viện trợ nhân đạo; giảm nguy cơ xung đột cục bộ vượt ngoài tầm kiểm soát; giảm sự phụ thuộc của các chính quyền khu vực này vào các cường quốc bên ngoài và giảm cơ hội cho những nhóm cực đoan hồi giáo khai thác xung đột.

Thiên Nam

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/da-den-luc-my-buong-bo-soi-gan-ga-syria-3440460/