Đa diện góc nhìn bảo tồn di sản

Theo tinh thần công ước của UNESCO về trách nhiệm đối với di sản đã được ghi danh thì có 4 điểm cần được lưu ý. Đó là: Thấu hiểu - Bảo tồn - Phát triển - Quảng bá. Đó là 4 công việc cần tiến hành đồng bộ đối với một di sản.

1. Để thấu hiểu một di sản văn hóa là cả một quá rình lâu dài của cả cộng đồng. Sự thấu hiểu này diễn ra mãi mãi cùng sự tồn tại của cộng đồng đó. Không bao giờ là xong việc cả. Trong một thiết chế văn hóa ở cấp độ quốc gia, có các cơ quan nghiên cứu, có các chuyên gia được đào tạo và có cả những người đam mê tìm hiểu tự nguyện. Trên thế giới, các lý thuyết, các trường phái nghiên cứu văn hóa hình thành và mãi mãi đi tìm con đường để thấu hiểu, tiệm cận đến thực tiễn.

 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.

Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.

Chúng tôi đã chứng kiến có nhiều Di sản mà về nguồn gốc, quá trình phát triển, giá trị văn hóa…chưa được hiểu sâu sắc, cặn kẽ. Thậm chí, để “vinh danh”, những người “chạy di sản” có thể đưa ra những thông tin không đúng với sự thực và hiện trạng. Chỉ ra điều này là không khó khăn gì khi tiếp cận hồ sơ nhiều di sản. Nhưng ở Việt Nam, để trôi việc, người ta thường ứng xử kiểu “chín bỏ làm mười”.

Có cái sai vì khó khăn về tư liệu, có cái sai về tư tưởng và mục đích của sự thấu hiểu, có cái sai về cực đoan hóa một phương pháp tiếp cận, có cái sai vì quá trình tổ chức nghiên cứu, có cái sai vì trình độ người nghiên cứu… Vậy con đường là chung lưng đấu cật lại, luôn luôn phản biện và cộng tác để ta tiếp cận di sản tốt hơn. Vì điều này quan hệ vô cùng mật thiết với cả 3 công việc sau:

2. Khi tiếp cận văn hóa, đặc biệt là văn hóa tinh thần, chúng tôi rất e ngại dùng khái niệm “gốc” hoặc “nguyên”. Ngay cả với văn hóa vật chất, khái niệm “mẫu vật gốc” cũng được dùng trong tính tương đối khi so với các bản trưng bày. Với nhiều di sản gắn với âm nhạc truyền thống khác, sự bảo tồn sẽ phải hướng đến: Bài bản cổ, có giá trị, mang bản sắc.

3. Có nhiều phương pháp để bảo tồn ứng với nhiều mục đích. Ghi chép, mô tả, chụp ảnh, quay phim, đào tạo, phục dựng, tái trình diễn… Tất cả đều trải qua quá trình thấu hiểu chín chắn, quá trình thẩm định giá trị và khẳng định bản sắc. Và một điều không thể thiếu là tinh thần thượng tôn pháp luật. Tùy từng di sản, nhưng một kinh nghiệm Bắc bộ là ruộng đất. Đó là một ứng xử phù hợp với điều kiện ngày xưa và không phải là không trao truyền kinh nghiệm đến hôm nay với phương thức khác đi. Mỗi giáo phường được sở hữu một số ruộng đất nào đó (từ nhiều nguồn khác nhau), họ canh tác, thu hoa lợi và có nghĩa vụ tập luyện, duy trì, trình diễn theo thỏa thuận. Khi không duy trì được, họ bán quyền bán quyền sở hữu phần ruộng đất đó cho nhóm khác.

4. Mọi nội hàm của khái niệm văn hóa đều mang tính quá trình của nó. Có nghĩa là nó luôn luôn vận động trong thời gian và không gian, luôn luôn tiếp biến, tích tụ, thay đổi và phát triển. Mỗi thời điểm ta chứng kiến chỉ là một lát cắt mỏng trong sự vận động miên trường của nó. Và tương lai vẫn vậy. Quá trình phát triển văn hóa là bất tận, đặc biệt trong sự phát triển tự phát của Nhân dân. Với thiết chế văn hóa, họ có trách nhiệm hướng đạo về chuyên môn để sớm đi đến những thành quả có giá trị và mang bản sắc. Trong quá trình phát triển đó, những gì tốt đẹp sẽ tồn tại lâu dài và lại trở thành truyền thống cho mai sau. Với một di sản, không e ngại sự phát triển vì đã là di sản thì nó vốn đã có “cơ địa” vững bền trải qua thử thách thời gian rồi. Tính bao dung của một di sản là rất mạnh mẽ, nó có thể “tiêu hóa” nhiều tài nguyên tinh thần khác nhau để làm phong phú cho mình.

5. Quảng bá là để mọi người trên thế giới được hưởng thụ những giá trị văn hóa, đặc sắc văn hóa của nhau. Số người hưởng thụ văn hóa nghệ thuật từ các di sản lớn gấp nhiều lần số người hưởng thụ qua nhà hát chuyên nghiệp. Nhưng với tư cách một cộng đồng chủ thể di sản, sự quảng bá nhằm tôn vinh nhân phẩm, tài năng, giá trị của di sản đó, nhằm đạt đến những biểu tượng cho văn hóa một quốc gia, một địa phương.

Trong các Di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh, hiện nay, chúng tôi thấy di sản hát Quan họ đang là di sản đang tồn tại một cách thuyết phục nhất. Về sự thấu hiểu, đó là hệ thống dân ca được nghiên cứu lâu dài và có kế hoạch nhất. Về sự bảo tồn, với việc thành lập sớm đoàn Quan họ (cuối năm 1968 đầu năm 1969, trước đây gọi là tổ Quan họ) với cách học truyền miệng trực tiếp từ các nghệ nhân đầu thế kỷ XX ở tất cả các làng trong vùng nên bài bản được lưu giữ phong phú. Về sự phát triển, Quan họ được trải qua nhiều thể nghiệm các loại hình khác nhau nhất. q

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/da-dien-goc-nhin-bao-ton-di-san-376366.html