Đa đoan chìm nổi phận người - Nhà văn

Một sớm heo may tôi nhận được tập trường ca của nhà thơ Thy Nguyên, đọc một mạch với nhiều cung bậc cảm xúc. Thông điệp 'Gửi' trong mỗi dòng thơ đầy trách nhiệm của Nhà văn trước cuộc đời đầy biến động. Trường ca của Thy Nguyên có độ dầy 94 trang gồm 36 khúc ca đã chạm đến miền sâu thẳm nhất trong trái tim người yêu thơ. 'Gửi' đưa người đọc tiếp cận đến một tầng cao hơn của cảm xúc đó là trách nhiệm của người cầm bút trước những trang viết cuộc đời.

Tôi đã đọc 36 khúc ca liền mạch không dứt. Lời đề từ của tập trường ca chứa đựng nội dung xuyên suốt trong toàn bộ các khúc ca. Đó là trách nhiệm của người nghệ sĩ: "Người họa sĩ chọn/ cái chết trên toan/ anh nếu là nhà văn/ hãy một lần viết như chú ngựa già thổ tuyết/ trên sa mạc đời mình...". Ở đây ta gặp Nhà thơ, Anh, Tôi, Chúng ta; nhà thơ không đơn thuần bộc lộ xúc cảm, cái tôi cá nhân như trong thơ mà ta vẫn gặp mà từng con chữ đều khảm khắc vào trái tim người đọc rồi rung ngân nỗi đời. Trái tim người nghệ sĩ đã cháy hết mình để hiến dâng cho cuộc đời này, như con tằm miệt mài nhả tơ rút gan rút ruột rồi bỗng chốc rơi vào bi kịch của con thiêu thân. Anh, Tôi, Chúng ta được thức tỉnh ý thức cá nhân, có trách nhiệm với những gì mình sáng tạo ra. Vo cơn đau vào từng xác chữ để thả xuống dòng trôi mê đắm thượng nguồn.

Lạo xạo quá khứ, tương lai và tin yêu bất động: "Không ai gọi tên sự thật/ không ai ôm sự thật/ chỉ đôi vai mẹ/ rung lệch trời chiều". Lời thơ rát bỏng đầy góc cạnh có lúc như cứa vào dây thần kinh cảm xúc bỗng chốc bay bổng rung ngân. Có lúc sởn tóc gáy, có lúc sục sôi tuôn trào rồi đột nhiên lắng đọng, xót xa đau đớn trước thế cuộc khát khao vuông tròn trong trái tim người nghệ sĩ đa đoan.

Nhà thơ Thy Nguyên và bìa tập thơ trường ca "Gửi".

Xuyên suốt 36 khúc ca điệp khúc "Nhà văn" được khắc họa đầy ấn tượng với cách thể hiện mới mẻ. Những thông điệp nhức nhối trong xã hội được tái hiện và phản ánh chân thực. Một bức tranh đa màu của cuộc sống hiện lên sống động. Thy Nguyên không né tránh những vấn đề nổi cộm, những vấn đề nhạy cảm. Cuộc sống được hiện lên trong từng con chữ lấp lánh tin yêu. Không tô màu hay bôi đen hiện thực mà tác giả chỉ tái hiện những gam màu vốn có bằng một cảm xúc chân thực thấm đẫm chất nhân văn, nhân hậu nữ tính mà không kém phần mạnh mẽ. "Những dòng sông cá tôm đã chết/ biển bạc đầu suy tư mệt mỏi".

Con người trở nên hèn nhát và bất lực trước hư danh rỗng giả bạc tiền. Lòng tham và sự vô cảm giương mắt, mở mày. Trong cơn nhớ mùa đông tôi thèm sự ấm áp chở che, tôi tìm về nơi bình yên, nơi ấy là mẹ và bậc thềm thân quen ngóng đợi. Tác giả đã trải lòng mình trong hồn chữ xuyên thấu tâm can người đọc: "Nhà văn/ con ngõ tối, sáng đèn góc chợ/ người lái buôn gặm chiến mã sắt/ ghệch đầu cuốn chiếu/ đôi mắt trẻ mồ côi thiếu mẹ/ ngủ phục bên hè/ ước mơ chúng bay nhảy/ về cánh đồng cỏ ngọt anh có biết không?". Sứ mệnh cao cả nhà văn không chỉ là tái hiện mà cao hơn thế là đánh thức lương tri, là sự cứu rỗi khơi gợi và vun đắp niềm tin tình yêu và hi vọng vào nhưng điều tốt đẹp. Tác giả cho ta thấy bi kịch mà nhà văn chân chính là sự đơn độc, một câu hỏi xoáy sâu vào lòng người đọc: "Nhà văn/ anh đơn độc/ hay sự đơn độc cô lập anh?".

Trong mỗi khúc ca đều được biểu đạt bằng ngôn ngữ giàu tính tạo hình: "Nhà văn/ nếu anh viết bằng hốc mắt/ lời mật ngôn cong góc đình làng". Không chỉ còn là những tiếng rên siết, quằn quại bi thương của những phận người yếu thế dưới đáy của xã hội. Sự tụt dốc băng hoại đạo đức, tàn phá lương tri và phẩm hạnh. Có lúc ta tưởng như đi vào bế tăc nhưng rồi lại vụt sáng bằng ngon lửa của trái tim Đankô: "Nhà văn/ hãy viết bằng ngọn lửa/ trải cô độc mình bằng ngọn lửa/ hãy biến lời anh thành ngọn lửa/ thiêu cháy những hỗn mang". Lúc này Nhà văn; Tôi; Chúng ta hòa làm một để trở về thuở nguyên sơ, tìm về giá trị đích thực, chân lý giản dị của cuộc sống này đó là trở về cánh đồng bình yên. Nơi mẹ biển khơi cho ta gột rửa. Mọi sân si, hận thù, ganh ghét rồi sẽ hư vô: "Chúng ta/ như mặt hồ/ đựng nỗi sầu nhân thế/ im lặng mãn khai". Hãy khóc đi đừng giấu che giọt lệ. Để cuộc đời vơi bớt sầu bi. Chúng ta được trở về với bản ngã của chính mình: "Hãy kêu tiếng kêu của ngọn đuốc/cháy một đời rừng/ chảy một đời sông/ cho tôi …được khóc…".

Khép lại 36 khúc ca vẫn là dư vang của sự khát khao hòa quyện Nhà văn, Tôi và Chúng ta đầy ám ảnh. Mạch cảm xúc luôn trào dâng đánh thức lương tri con người. Đặc biệt với người cầm bút càng cần đó là trung thực với chính lương tri của mình để mở toang cả bầu trời đúng sai, thật giả. Trường ca "Gửi" chính là tiếng nói cất lên từ sâu thẳm con tim vang động sâu thẳm tâm tư, cho ta thấy những mảng màu sáng tối của cuộc sống này, ở đây những phận người được soi rọi để đánh thức và gột rửa. Tác giả luôn làm chủ được ngòi bút nên không sa đà vào dài dòng diễn ngôn.

"Gửi" của Thy Nguyên cho ta thấy một tâm hồn của người phụ nữ đã đằm chín đầy mê đắm. Đó như sự quyến rũ và dịu dàng của mùa thu cho ta lắng lại để trân quý những điều bình dị bên mình. Tập trường ca "Gửi" đến người đọc thông điệp Nhà văn là người có vai trò khơi và đốt lên ngọn lửa soi đường, là mảnh đất gieo lên những mầm yêu thương và vẻ đẹp con người bất diệt.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/da-doan-chim-noi-phan-nguoi-nha-van-i629278/