Đã hòa giải thành 611.817 vụ, việc tranh chấp, mâu thuẫn

Trong 5 năm (từ 2014 đến 2018), các tổ hòa giải cơ sở trên cả nước đã tiến hành hòa giải 759.118 vụ, việc. Trong đó hòa giải thành 611.817 vụ, việc (đạt tỷ lệ 80,6%). Đây là kết quả tích cực sau 5 năm triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở vừa được Bộ Tư pháp tổng kết.

Người dân tin tưởng lựa chọn hòa giải giải quyết tranh chấp

Theo Bộ Tư pháp, để đưa Luật Hòa giải ở cơ sở đi vào cuộc sống và nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở, khuyến khích người dân sử dụng nhiều hơn phương thức hòa giải ở cơ sở để giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, công tác tuyên truyền phổ biến Luật đã được chú trọng triển khai.

Bên cạnh đó việc rà soát, củng cố, kiện toàn, phát triển tổ hòa giải và hòa giải viên ở cơ sở cũng đã được cơ quan tư pháp các cấp phối hợp với Mặt trận Tổ quốc cùng cấp thực hiện. Tính đến ngày 31-12-2018, cả nước có 107.074 tổ hòa giải được thành lập tại các thôn, tổ dân phố với 650.366 hòa giải viên. Trong số này có 22.746 hòa giải viên có trình độ chuyên môn Luật, chiếm tỷ lệ 3,5%. Hòa giải viên là những người có uy tín, phẩm chất đạo đức tốt, sống gương mẫu, có khả năng vận động, thuyết phục nhân dân chấp hành pháp luật, có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình tham gia công tác hòa giải ở cơ sở, được bầu, chọn công khai, dân chủ trong cộng đồng và có quyết định công nhận của UBND cấp xã.

Để nâng cao năng lực hoạt động của đội ngũ hòa giải viên, các địa phương đã có nhiều cách làm sáng tạo như tổ chức thi tìm hiểu pháp luật cho hòa giải viên (TP Hà Nội), ban hành Quy định tiếp nhận, xử lý thông tin qua đường dây nóng về hoạt động hòa giải ở cơ sở (Tây Ninh); duy trì nền nếp mỗi tháng từng tổ hòa giải họp một lần và định kỳ 3 tháng, cán bộ theo dõi công tác hòa giải của xã họp giao ban cùng các tổ hòa giải trong xã để trao đổi nghiệp vụ và nắm bắt các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước mới ban hành (Bắc Giang)…

Để thúc đẩy công tác hòa giải ở cơ sở ngày càng phát triển, hoạt động hiệu quả, đáp ứng tình hình mới của đất nước, một số địa phương cũng đã tổ chức làm điểm các mô hình tổ hòa giải ở cơ sở, từ đó nhân rộng trong phạm vi tỉnh, TP mình như mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” ở Hà Nội, mô hình “Tổ hòa giải điển hình tiên tiến” ở Lạng Sơn, mô hình Chủ tịch UBND cấp xã phải chứng kiến hoặc ký cam kết việc thỏa thuận hòa giải thành là đúng pháp luật ở tỉnh Quảng Bình…

Với sự quan tâm nêu trên, hoạt động hòa giải ở cơ sở đã đi vào nền nếp, thống nhất, hiệu quả và tiếp tục khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Theo Bộ Tư pháp, thông qua công tác hòa giải, những tranh chấp, bất đồng mới phát sinh tại cơ sở đã được giải quyết kịp thời, dứt điểm, không để tranh chấp kéo dài, khó xử lý, hạn chế đáng kể tình trạng khiếu kiện ra cơ quan Nhà nước, khiếu kiện vượt cấp. Góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đoàn kết cộng đồng bền vững, xây dựng khu dân cư văn hóa sống hòa thuận, hạnh phúc, giúp đỡ nhau cùng phát triển.

Hoạt động hòa giải cũng đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư và tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế. Khi quan hệ cộng đồng làng xã ổn định, bền chặt, các thôn, bản, tổ dân phố giữ được an ninh, trật tự, khiến mỗi cá nhân và gia đình yên tâm lao động, sản xuất, làm ăn hiệu quả hơn, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói nghèo, xây dựng địa phương ngày càng giàu mạnh, văn minh.

Người dân ngày càng tin tưởng và lựa chọn sử dụng biện pháp hòa giải ở cơ sở trong giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn thuộc phạm vi hòa giải. Trung bình mỗi năm, các tổ hòa giải ở cơ sở trên phạm vi cả nước đã tiếp nhận trên 120.0000 vụ, việc và hòa giải thành trên 100.000 vụ, việc. Số lượng các vụ, việc không phải đưa ra giải quyết tại cơ quan Nhà nước đã tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền của cho nhân dân, giảm tải công việc cho các cơ quan tư pháp và giảm bớt gánh nặng chi tiêu cho ngân sách Nhà nước.

Thi hòa giải viên giỏi – cách làm hay của TP Hà Nội để nâng cao năng lực hoạt động của đội ngũ hòa giải viên. Ảnh: T.Hải

Dành nhiều quan tâm hơn đến công tác hòa giải

Bên cạnh kết quả đạt được, Bộ Tư pháp nhận định, công tác hòa giải vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Hoạt động hòa giải đôi khi còn mang tính hình thức, chiếu lệ, thụ động, thậm chí hành chính hóa (hòa giải viên yêu cầu các bên phải có đơn đề nghị mới tiếp nhận và tiến hành hòa giải). Một số hòa giải viên còn thiếu kinh nghiệm sống, kỹ năng hòa giải ở cơ sở… Chưa huy động được đông đảo luật sư, luật gia, những người có trình độ học vấn, chuyên môn cao trên các lĩnh vực tham gia hoạt động hòa giải ở cơ sở, chưa gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động hòa giải ở cơ sở với các hoạt động trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật và các hoạt động bổ trợ tư pháp khác….

Trên cơ sở nhận diện nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, Bộ Tư pháp đã đưa ra nhiều đề xuất kiến nghị để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở. Trong đó có việc đề xuất sửa đổi phạm vi điều chỉnh của Luật Hòa giải ở cơ sở, sửa đổi quy định về bầu, công nhận hòa giải viên ở cơ sở theo hướng đơn giản hơn, thuận lợi, phù hợp với thực tế tại địa phương để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tổ chức thực hiện.

Bộ Tư pháp cũng đề xuất sửa đổi quy định về “ngân sách Trung ương chi bổ sung cho địa phương chưa tự cân đối được ngân sách để hỗ trợ chi phí cho công tác hòa giải ở sở sở” tại khoản 1 Điều 6 Luật Hòa giải ở sở sở để thống nhất với quy định tại khoản 4, Điều 9 Luật Ngân sách Nhà nước 2015 “nhiệm vụ chi thuộc ngân sách cấp nào do ngân sách cấp đó bảo đảm”.

Bên cạnh đó, Bộ cũng kiến nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, thường xuyên củng cố kiện toàn đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho hòa giải viên, tăng cường đầu tư kinh phí cho hoạt động của Tổ hòa giải và chi trả thù lao theo vụ việc theo quy định của pháp luật.

Thanh Hải

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/da-hoa-giai-thanh-611817-vu-viec-tranh-chap-mau-thuan-166100.html