Đã 'khởi xướng' còn yêu cầu người dân đóng tiền để tổ chức lễ đâm trâu

VH- Trong khi nhiều địa phương trên cả nước đã dần loại bỏ hủ tục đâm trâu trong lễ hội thì mới đây UBND xã Hồng Tiến (thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế) không những không vận động người dân mà còn lên kế hoạch tổ chức đâm trâu, thậm chí yêu cầu mỗi hộ dân đóng góp 300.000 đồng để trang trải chi phí.

Xã Hồng Tiến là địa bàn giáp ranh với huyện miền núi A Lưới, nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Pa-hy sinh sống. Mới đây UBND xã này đã tổ chức một cuộc họp về kế hoạch tổ chức lễ cúng và đâm trâu tại địa phương. Sau cuộc họp đó, xã có thông báo đến các hộ dân sẽ thu 300.000 đồng/hộ để trang trải chi phí cho lễ.

Lễ hội truyền thống của cộng đồng dân tộc thiểu số huyện miền núi A Lưới đã không còn cảnh đâm trâu từ năm 2016

“Chúng tôi chỉ… kế thừa”?

Nhiều hộ dân đã tỏ ra bức xúc khi nhận được yêu cầu trên. Bà Lê Thị Mười cho biết, “không đóng góp tiền thì sợ khi mình đi chứng thực giấy tờ thì xã lại trả về. Nghèo như chúng tôi, chỉ biết sống dựa vào nương rẫy thì tiền mô mà đóng. Số tiền 300.000 đồng là bao nhiêu ngày công sức đi rừng mới có”.

Ông Lê Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Hồng Tiến thì nói, trước khi công bố mức tiền đóng 300.000 đồng/hộ, xã đã có cuộc họp với 5 trưởng thôn, 5 Bí thư Chi bộ và 5 già làng uy tín ở các thôn. Buổi họp còn có Phó Bí thư Đảng ủy xã, đại diện các ban ngành đoàn thể như phụ nữ, thanh niên, nông dân… dự. Mọi người đã thống nhất mức đóng góp này để thuê rạp, trang trí, chuẩn bị đồ cúng… và sẽ thực hiện công khai chi phí của lễ hội đến người dân. Tuy nhiên, khi thông báo thì có nhiều hộ đồng tình đóng góp, một số hộ lại không chịu đóng.

“Chúng tôi làm việc này là kế thừa bản sắc văn hóa của cộng đồng địa phương. Năm 2008, các vị lãnh đạo UBND xã thời trước cùng với các già làng, trưởng bản đã tổ chức lễ cúng và đâm trâu. Khi khấn vái, họ “hứa hẹn” 10 năm sau sẽ thực hiện lại nghi lễ này. Bây giờ chúng tôi cũng đang tuyên truyền và vận động cho người dân hiểu đây là việc làm truyền thống của dân tộc Pa-hy”, ông Hòa cho hay. Đại diện của chính quyền địa phương xã Hồng Tiến cũng cho biết, nghi lễ cúng và đâm trâu là để khấn vái cho đất đai ở địa phương này, và cầu cho người dân ăn nên làm ra… Bây giờ không thực hiện như lời hứa của 10 năm trước cũng khó, lỡ người dân làm ăn có chuyện gì thì người ta lại trách xã. Rất nhiều bà con địa phương đã hưởng ứng việc lễ cúng và đâm trâu này, trong đó dân cư thôn 1 và thôn 2 ủng hộ rất đông, số không chịu đóng góp tiền cho lễ hội thì chỉ vài cá nhân thôi.

Theo kế hoạch, lễ đâm trâu sẽ diễn ra ngay tại khuôn viên của trụ sở UBND xã Hồng Tiến vào tháng 11.2018.

Thu tiền các hộ dân để làm lễ hội đâm trâu là việc làm tùy tiện

Trao đổi với Văn Hóa vào cuối giờ chiều ngày 28.8, ông Nguyễn Xuân Ty, Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà (tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết đã chỉ đạo xã Hồng Tiến dừng ngay việc thu tiền 300.000 đồng/ hộ để tổ chức lễ đâm trâu, đồng thời yêu cầu UBND xã phải có báo cáo cụ thể về vụ việc. “UBND thị xã Hương Trà không có chủ trương về việc thu tiền này. Xã Hồng Tiến yêu cầu người dân đóng góp kinh phí để tổ chức lễ hội đâm trâu là việc làm tùy tiện. Chúng tôi sẽ xem xét xử lý trách nhiệm của các cá nhân liên quan”, ông Ty nhấn mạnh.

Nhiều nơi đã bỏ, sao mình vẫn tổ chức?

Toàn xã Hồng Tiến có 347 hộ dân, trong đó có 46 hộ nghèo. Theo ông Hòa, việc các hộ nghèo đóng góp được thì tốt, không thì thôi, địa phương không ép. Còn những hộ khác, đang vận động để đóng góp.

Khi chúng tôi thắc mắc, “nhiều địa phương đã bỏ tục đâm trâu vì nó mang yếu tố bạo lực, dã man, phản cảm” thì ông Hòa cho rằng chẳng có gì là dã man cả bởi nghi lễ này là văn hóa truyền thống của cộng đồng cư dân ở đây. Dự kiến vào tháng 9, xã sẽ chốt số lượng hộ dân đóng góp cho lễ hội và có kế hoạch để mời “lãnh đạo các cấp” về dự. “Tôi tin rằng lãnh đạo cấp trên cũng sẽ đồng ý thôi, vì cái này là bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc”, ông Hòa nói.

Khuôn viên trụ sở UBND xã Hồng Tiến, nơi dự kiến sẽ tổ chức lễ hội đâm trâu vào tháng 11 tới.

Lãnh đạo xã Hồng Tiến cho rằng phải giữ bản sắc văn hóa qua lễ hội đâm trâu nhưng cũng không ít người dân địa phương lại không đồng tình với hành động phản cảm này. Chị Hoàng Thị Duyên, trú tại thôn 1 vừa lắc đầu vừa nói, “nếu xã yêu cầu nộp tiền thì chúng tôi cũng nộp thôi, nhưng nghe đâm trâu thì sợ lắm, không dám đi xem lễ lạt gì nữa”.

Trao đổi với Văn Hóa, ông Cao Chí Hải, Phó Giám đốc Sở VHTT Thừa Thiên Huế cho biết, chưa được nghe địa phương báo cáo gì về việc tổ chức lễ đâm trâu của xã Hồng Tiến. Tuy nhiên, nếu có thì Sở cũng không đồng ý. Hiện nay, lễ hội đâm trâu của các dân tộc Pa-Cô, Tà-Ôi, Cơ-tu ở hai huyện miền núi Nam Đông và A Lưới cũng đã lược bỏ hành động đâm trâu phản cảm này. “Việc tổ chức đâm trâu đi ngược với chủ trương của ngành văn hóa. Nhiều địa phương khác họ đã bỏ tục đâm trâu rồi, tại sao mình lại tổ chức. Còn thông tin xã đứng ra thu tiền để tổ chức lễ hội này thì càng không thể chấp nhận”, ông Hải nói. Hiện Sở VHTT đã giao cho Thanh tra Sở kiểm tra vụ việc này.

Trước đây, tại huyện miền núi A Lưới tổ chức lễ hội ARiêu-Car của cộng đồng các dân tộc thiểu số sinh sống trên dãy Trường Sơn thì có phần nghi lễ đâm trâu. Tuy nhiên, từ năm 2016 hành động đâm trâu đã được lược bỏ, thay vào đó là tăng thêm nhiều hoạt động văn hóa cộng đồng truyền thống đặc sắc, đậm chất dân gian.

Việc tổ chức đâm trâu đi ngược với chủ trương của ngành văn hóa. Nhiều địa phương khác họ đã bỏ tục đâm trâu rồi, tại sao mình lại tổ chức. Còn thông tin xã đứng ra thu tiền để tổ chức lễ hội này thì càng không thể chấp nhận. (Ông Cao Chí Hải, Phó Giám đốc Sở VHTT Thừa Thiên Huế)

Bài, ảnh: SƠN THÙY

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/v%C4%83n-h%C3%B3a/da-khoi-xuong-con-yeu-cau-nguoi-dan-dong-tien-de-to-chuc-le-dam-trau