Đà Lạt của ai?

Báo chí trong nước đưa tin không đầy hai ngày sau vụ hỏa hoạn hủy hoại một phần Nhà thờ Đức Bà Paris, quỹ phục dựng nhà thờ này đã vượt mốc 1 tỉ euro. Nhưng tiền không phải là tất cả. Điều gì đã khiến cho người dân, doanh nghiệp khắp nơi và các chính phủ sẵn sàng chung tay góp sức trùng tu ngôi nhà thờ mà nhiều người trong số họ chưa một lần đặt chân đến?

Tin liên quan:

Đừng “rút xương sống” cấu trúc lịch sử của Đà Lạt
Giữ nét duyên xưa cho Đà Lạt
Chớ tư duy kiểu một khoảnh không gian, một nhát thời gian

Sợi dây vô hình gắn kết những người góp quỹ với ngôi nhà thờ 850 năm tuổi cách họ hàng ngàn cây số, thậm chí cả nửa vòng trái đất, chủ yếu liên quan đến mặt tinh thần. Đó có thể là ấn tượng được tạo ra bởi quyển tiểu thuyết bất hủ của văn hào người Pháp Victor Hugo; có thể là những hình ảnh tuyệt đẹp từ những thước phim, sách báo; hay niềm tin từ cộng đồng Thiên Chúa giáo; hoặc là sự hấp dẫn từ những lời giới thiệu trong các cẩm nang du lịch. Với Việt Nam, đó còn là những ngôi nhà thờ Việt mang dáng dấp kiến trúc từ nguyên mẫu ở thủ đô nước Pháp - như Vương cung thánh đường Sài Gòn, chẳng hạn.

Nhà thờ Đức Bà Paris của ai? Có thể nói, công trình kiến trúc này là tài sản tinh thần của người dân Paris và thủ đô nước Pháp. Rộng hơn nữa, đó là tài sản của người dân Pháp và nước Pháp. Nhưng không chỉ có vậy, đó còn là di sản tinh thần chung của tất cả những ai trên trái đất này chia sẻ với nhau sợi dây vô hình như đã nói ở trên. Những người góp quỹ hay ủng hộ trùng tu không hề sở hữu Nhà thờ Đức Bà Paris, nhưng họ mong muốn mọi điều tốt đẹp cho ngôi nhà thờ họ yêu mến. Đó cũng là một phần của điều người ta gọi là văn hóa nhân loại - nó phi biên giới, lan tỏa khắp nơi.

Vì thế, một “comment” (lời bình luận) bày tỏ ngạc nhiên không hiểu vì sao người ta lại quan tâm đến vụ hỏa hoạn ở Nhà thờ Đức Bà Paris đến vậy (nguyên văn: “Nó chỉ là một cái nhà thôi mà, có gì ghê gớm đâu nhỉ…”) đã bị đáp lại đồng loạt bằng những lời chê trách người viết lời bình sao có thể vô cảm đến vậy.

Trở lại Việt Nam với câu chuyện quy hoạch trung tâm thành phố Đà Lạt thuộc tỉnh Lâm Đồng. Bắt đầu từ mấy tuần trước, vấn đề thời sự này nóng dần, đặc biệt sau cuộc họp ngày 5-4 trong đó các cơ quan của tỉnh Lâm Đồng khẳng định họ sẽ giữ nguyên chức năng của các phân khu thuộc quy hoạch mới của trung tâm Đà Lạt dù có nhiều tiếng nói phản đối. Tiếp theo sau cuộc họp nói trên, 77 kiến trúc sư trên toàn quốc đã ký một bản kiến nghị gửi đến các cơ quan chức năng đề nghị xem xét lại quy hoạch trung tâm thành phố Đà Lạt.

Khu trung tâm Đà Lạt được quy hoạch thuộc về ai? Trước hết, nó thuộc về người dân sở tại. Rộng hơn, nó là tài sản tinh thần của người dân Đà Lạt và Lâm Đồng. Nhưng không chỉ vậy, có thể nói khu vực hiện hữu được quy hoạch và thành phố này cũng là tài sản tinh thần của người Việt. Đối với họ, Đà Lạt gắn với những hình ảnh nên thơ và là một địa danh được yêu mến trên quê hương mình.

Chắc rằng chẳng mấy ai trong số 77 vị kiến trúc sư ký tên trong bản kiến nghị sở hữu tấc đất nào trong khu quy hoạch vừa nói. Vì vậy, trung tâm Đà Lạt được quy hoạch ra sao chắc cũng chẳng ảnh hưởng gì đến họ về mặt vật chất. Tuy nhiên, họ vẫn rất quyết liệt đòi một bản quy hoạch khác, mà theo họ, phải tốt hơn, để giữ được phần hồn vốn có của Đà Lạt - phần hồn đã làm họ, những người xa lạ, yêu mến Đà Lạt như những người xa lạ khắp thế giới yêu mến Nhà thờ Đức Bà Paris. Muốn xây dựng một khu địa ốc tương tự như quy hoạch trung tâm Đà Lạt, vô vàn thành phố ở Việt Nam đều làm được. Nhưng thử hỏi có thành phố nào trong số này có thể trở thành Đà Lạt?

Chắc nhiều người vẫn còn nhớ 18 năm trước, cả thế giới đau đớn, bất lực chứng kiến cảnh phiến quân Hồi giáo ở Afghanistan dùng xe tăng, trọng pháo và mìn phá hủy những pho tượng Phật xây từ thế kỷ thứ sáu. Số phận của Nhà thờ Đức Bà Paris dù sao cũng may mắn hơn.

Khác với hai biến cố nói trên, Đà Lạt của chúng ta không phải chịu số phận như vậy. Nước Pháp đã đánh tiếng mời gọi các kiến trúc sư khắp thế giới góp sức trùng tu Nhà thờ Đức Bà Paris. Còn chúng ta, điều gì ngăn chúng ta nghiêm túc lắng nghe góp ý của giới chuyên môn và những người Việt thực tâm yêu mến “thành phố ngàn hoa” trên đất Việt này?

Sơn Tùng

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/287993/da-lat-cua-ai-.html