Đà Lạt đang đánh mất bản sắc kiến trúc

Đà Lạt được biết đến là thành phố du lịch với kiến trúc biệt thự đặc trưng nước Pháp 'vườn trong phố, rừng trong phố', cùng với cảnh quan thiên nhiên của đồi Cù, thác, hồ tạo nên vẻ đẹp quyến rũ.

Thế nhưng, di sản kiến trúc - cảnh quan độc đáo ấy đang dần mất đi, đặc biệt việc xây dựng công trình kiên cố giữa đồi Cù đang gây bức xúc dư luận.

Kiến trúc - cảnh quan xuống cấp nghiêm trọng

Theo giới kiến trúc, Việt Nam có 2 đô thị di sản là Huế và Đà Lạt. Nếu Huế với tính chất đô thị cung đình đặc trưng của các triều đại phong kiến đã thành cố đô, thì với Đà Lạt, di sản biệt thự vẫn đang hiện hữu với đời sống, mà giới chuyên môn gọi là “Phát triển tiếp nối”. Đây chính là lợi thế vô cùng to lớn nếu biết gìn giữ, phát huy giá trị của các công trình kiến trúc trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là du lịch.

Công trình kiến trúc nói chung và biệt thự Đà Lạt nói riêng được hình thành trong 3 thập niên 20, 30 và 40 của thế kỷ 20, như khu biệt thự Lê Lai, Trần Hưng Đạo, Hùng Vương, Quang Trung, Lê Hồng Phong, Nguyễn Viết Xuân, Huyền Trân Công Chúa, Huỳnh Thúc Kháng, Hoàng Diệu. Đà Lạt có nhiều công trình kiến trúc đặc sắc như nhà ga Đà Lạt (di tích được xếp hạng quốc gia), Nha Địa dư (cũ), trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt…

Một căn biệt thự trên đường Trần Hưng Đạo (trước dinh Toàn quyền cũ) giờ chỉ còn thấy nóc do đường bị nâng liên tục.

Một căn biệt thự trên đường Trần Hưng Đạo (trước dinh Toàn quyền cũ) giờ chỉ còn thấy nóc do đường bị nâng liên tục.

Một căn biệt thự trong khu Biệt thự Hỏa xa, đường Quang Trung bị cơi nới, xây dựng vá víu.

Một dự án đang được xây dựng trên đồi Cù.

Tuy nhiên, do sử dụng không đúng công năng trong thời gian dài, hàng trăm biệt thự có giá trị đã bị xuống cấp, biến dạng. Nhiều biệt thự là nhà ở tập thể cho cán bộ, viên chức hay trụ sở cơ quan nhà nước, bị cơi nới, cắt xén đất… Trước tình trạng này, tỉnh Lâm Đồng đã có đề án khôi phục, với kết quả khu biệt thự cổ Lê Lai, Trần Hưng Đạo được nâng cấp, nhiều biệt thự dùng làm nhà ở được lấy lại, bán đấu giá.

Tuy nhiên, những cố gắng đó vẫn không cứu vãn được tình trạng tàn tạ của các biệt thự cổ. Cụ thể, khu biệt thự cổ Trần Hưng Đạo từ chỗ là biệt thự hạng 1 với diện tích hơn 2.000m2, có sân trước, vườn sau chạy dài xuống tận thung lũng ở dưới, đã bị xà xẻo phía sau để hình thành nên khu phố mới có tên Lê Văn Tám. Nhiều biệt thự gần 100 tuổi trên đường Hoàng Diệu vẫn còn được dùng nhà tập thể, cơi nới vô tội vạ.

Đặc biệt, trải qua nhiều lần nâng cấp, nhiều con đường lớn ở trục chính của kiến trúc Pháp xưa như Hùng Vương, Trần Hưng Đạo, 3 Tháng 4, Lê Hồng Phong, Nguyễn Đình Chiểu, Huyền Trân Công Chúa… đã cao thêm khoảng 2m, khiến các biệt thự bị “lún” xuống chỉ còn thấy nóc. Nhiều chuyên gia kiến trúc đã lên tiếng nhưng rồi mọi việc lại đâu vào đấy và diễn biến theo hướng tệ hơn.

Bên cạnh đó, Đà Lạt còn phải chứng kiến lối chỉnh trang đô thị kiểu “mì ăn liền”, mà giới kiến trúc gọi là “điền vào chỗ trống”, trong chỉnh trang đô thị. Vì thế, khu biệt thự cổ Trần Hưng Đạo đang bị công trình nhà hình khối, đường nét kiến trúc đơn điệu che lấp. Kế bên là công trình khách sạn cao hơn 10 tầng, quá cao so với quy định về chiều cao công trình ở một con đường tập trung nhiều biệt thự như đường Hùng Vương.

Hãy trả đồi Cù Đà Lạt về đúng chức năng

Nhắc đến Đà Lạt là phải nhắc đến hồ Xuân Hương và đồi Cù nằm giữa trung tâm thành phố - được ví như trái tim của đô thị du lịch vườn Đà Lạt, cùng với dòng suối Cam Ly chia Đà Lạt thành 2 nửa kiến trúc Tây và Đông. Trước kia, đồi Cù là sân chơi công cộng. Đến năm 1991, đồi Cù được đem đi liên doanh với nước ngoài (Công ty Liên doanh DRI) để cải tạo thành sân golf 18 lỗ.

Toàn bộ cây thông già cao hàng chục thước, đường kính có cây gần 1m đã bị đốn hạ để trồng mới, đến nay sau hơn 30 năm vẫn thấp lè tè và sẽ không bao giờ tái tạo được cảnh quan như ngày xưa.

Khi đưa vào liên doanh làm sân golf, cũng có ý kiến phản đối vì “Đà Lạt thiếu gì chỗ làm sân golf”. Nhưng vì thời điểm đó là dự án du lịch liên doanh với nước ngoài đầu tiên có quy mô vốn lớn nhất nước (giá trị 25 triệu USD), nên không thể dừng lại. Thời hạn cho thuê đất đồi Cù 20 năm.

Và lúc kết thúc chu kỳ đầu tiên đã có rất nhiều ý kiến tranh luận “tỉnh có nên tiếp tục cho thuê đất đồi Cù để làm sân golf hay trả lại chức năng công cộng cho đồi Cù?”. Nhưng rồi quyết định cuối cùng đã được đưa ra là tiếp tục cho thuê thêm chu kỳ 20 năm nữa.

Gần đây, dư luận lại được phen dậy sóng khi đồi Cù Đà Lạt biến thành đại công trường xây dựng, khi chính quyền đã cấp phép cho nhà đầu tư xây dựng công trình Tòa nhà Golf 7 tầng. Giới kiến trúc đã phản đối kịch liệt nhưng tất cả bị bỏ ngoài tai và dự án vẫn được triển khai.

KTS Trần Công Hòa - người sinh ra, lớn lên ở Đà Lạt và từng làm trong Công ty DRI thấm thía với nỗi mất mát này. Anh cho biết: “Để làm sân golf 18 lỗ theo quy định phải có 60ha đất, với các đô thị là quỹ đất khá lớn. Sau hơn 30 năm hoạt động, công ty chủ quản báo lỗ, số nộp ngân sách quá ít, Đà Lạt cũng đâu nghèo đến nỗi bắt buộc phải duy trì để có nguồn thu? Do đó nên có đánh giá lại nhiều mặt để thu hồi, không cho thuê nữa”.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc xây dựng tòa nhà CLB Golf gồm 7 tầng với 3 tầng nổi chỉ phục vụ mục đích đạt lợi nhuận tối đa của nhà đầu tư, chắc chắn sẽ phá vỡ kiến trúc cảnh quan. Vốn là một công viên công cộng mở giữa lòng thành phố, hơn 30 năm qua đồi Cù Đà Lạt đã bị rào lại và giờ tiếp tục bị rào, là sự phản cảm ghê gớm với một đô thị di sản biệt thự như Đà Lạt?

Nhiều du khách đến Đà Lạt bày tỏ “mong ước trả lại lợi ích công cộng cho đồi Cù Đà Lạt để tổ chức các sinh hoạt công cộng như dạo chơi, công viên chủ đề, để bảo vệ cảnh quan đặc sắc riêng có của thành phố cao nguyên này”.

Văn Phong

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/da-lat-dang-danh-mat-ban-sac-kien-truc-post105026.html