Đà Lạt nhìn từ cửa sổ Hôtel du Parc

Từ Hôtel du Parc nhìn qua bên kia đường là dãy cửa hiệu của khu phố Pháp định hình căn cốt trung tâm Đà Lạt giai đoạn hưng thịnh thời thuộc địa (thập niên 1930-1950); nhìn sang cánh trái và phải là hai cao điểm: về tôn giáo - nhà thờ Nicholas Bari - trước đó là dưỡng viện giáo đồ, và, về dịch vụ nghỉ dưỡng xa xỉ là Langbian Palace.

Vì đứng cạnh nhà thờ Chánh tòa, nên Hôtel du Parc khoác lên vẻ sang trọng mà trầm tĩnh của một chốn lưu trú, và cũng vì đứng cạnh Langbian Palace mà du Parc có vẻ khiêm cung chấp nhận một vai trò thứ yếu. Trong một cẩm nang du lịch vào năm 1930, Hôtel du Parc được xếp thứ hai, là “sân sau” của Langbian Palace. Thứ tự những khách sạn hạng sang thời kỳ ấy có thể liệt kê: Langbian Palace (30 phòng), Hôtel du Parc (70 phòng), Hôtel Desanti là những khu nhà nhỏ như những bungalow quanh hồ và Hôtel Annam (25 phòng).

Du Parc được xem là nơi giới thượng lưu và các yếu nhân thường xuyên lưu trú.

Cũng như những công trình điểm nhấn được xây dựng trên đường rẽ quạt Đông-Tây của đồ án quy hoạch Ernest Hébrard (1923), Hôtel du Parc từ đầu đã mang một hình thái kiến trúc hoàn chỉnh, dự phần vào đời sống trung tâm, gửi gắm một phong cách sang trọng bề thế kiểu Pháp. Từ cửa chính mở ra một trục đường lớn có ngã ba giao điểm các hướng giao thông tạo không khí sầm uất. Nhưng cũng từ trục trung tâm ấy, nếu theo một lối tắt thì có thể lần qua một sườn đồi thông tĩnh lặng đi xuống bờ hồ (ở đây, ta buộc phải tin rằng những lối đi nhỏ nối liền các thể dạng cảnh quan là thứ làm nên những liên kết của bản sắc thành phố!).

Và nếu đôi mắt du khách có thể vén bức màn sương mù của cánh cửa sổ Hôtel du Parc vào một sớm đầu đông, thì có thể nhìn thấy một toàn cảnh nhiều cung bậc của đồi, hồ nước, dinh thự được tạo hình bởi bên này là hậu cảnh Núi Bà Lâm Viên nhấp nhô, bên kia là tháp Lyceé Yersin trầm mặc và bên kia nữa, là khu phố Việt như một “lãnh địa” văn hóa khác biệt tiếp giáp đồi Dinh và sân Cù.

Nhờ tầm nhìn từ một cao điểm có thể thâu tóm phổ quát cảnh vực thành phố, nhờ thoát khỏi tính hào nhoáng của một biểu tượng lộng lẫy, mà Hôtel du Parc lại là chốn lưu trú dễ chịu, đủ tạo nên những dấu mốc khó phai mờ trong lịch sử Đà Lạt. Nhiều yếu nhân chính trị và văn nhân, khoa học gia đã từng ghé chân và thả vào đêm xưa những giấc mộng riêng. Nhiều ấn tượng đã được chắt chiu và nhiều câu chuyện đã được dệt nên từ đây. Tất cả, là một cuộc hạnh ngộ kỳ diệu từ phía sau đôi vòm cửa phụ duyên dáng của mặt chính diện có dáng dấu kiến trúc art-décor, từ tầng hầm có một nhà bếp kiểu Pháp và từ những tầng lầu đủ sức hút để vừa có thể đặt đài phát thanh lại vừa có thể sáng đèn một hộp đêm hào nhoáng...

Một ngày cuối thu của thời hiện tại, trở lại đây, tôi ngỡ ngàng và không khỏi lúng túng ngay từ sau khi bước qua vòm cửa phụ vẫn còn giữ dòng chữ HÔTEL DU PARC với lối thiết kế thanh tao mà khỏe khoắn theo khung vòng cung. Trước mặt bây giờ là một đại sảnh cũ và ấm. Mùi gỗ và da thuộc, nỉ và thảm nhung tạo nên một hỗn hợp mùi khô lạnh dù ngoài trời đang mưa dầm dai dẳng như muốn nhấn chìm tôi vào một bầu không khí u uẩn.

Và đây mới là một sự lúng túng của kẻ hoài cổ chất chứa trong đầu quá nhiều ký ức nhưng là thứ ký ức của tưởng tượng thoát lên từ sách vở, tài liệu cùng những mảnh chuyện trôi nổi: một cửa thang máy dạng “lồng sắt” mà ta chỉ còn có thể thấy trong những bộ phim Pháp hồi thập niên 1960-1970 (của Bernardo Bertolucci chẳng hạn?!) nơi gã khách trung niên bước vào nhưng không biết bằng cách nào điều khiển cho nó di chuyển.

Các nút bấm bên trong của kiểu thang máy hiện đại đã trở nên lạc lõng và đáng ngờ vực trong một bộ khung nội thất giả cổ (và dĩ nhiên, tâm trí ta lại mắc kẹt giữa nhu cầu tiện ích hiện đại và cái đẹp vintage gây bối rối).

Đà Lạt một sáng tháng 10.2022 nhìn từ cửa sổ Hôtel du Parc. Ảnh: NVN

Trong chiếc lồng kính có cửa sổ và những tay sắt hoa văn khá nhỏ hẹp, gã khách công dân thời đại thang máy lạ lẫm nhìn khối sắt nặng nề bên ngoài theo dây cáp ròng rọc trượt xuống bên dưới để chiếc hộp thang rồi đây sẽ nhấc mình lên cao. Ôi, cái khối nặng nề trên ròng rọc gợi cảm giác cơ khí và bài toán cơ học vật lý đó như sức nặng thời gian đủ để nhúng ta xuống một dung môi ký ức và cũng kéo ta bay lên trong thế giới bâng khuâng của hoài niệm.

Gã khách trung niên phải gọi nhân viên trong bộ trang phục phong cách cảnh vệ đến hỗ trợ. Và chỉ bằng một thủ thuật đơn giản như không, cánh cửa bên ngoài được chốt chặt, nền thang máy dâng lên trong một chuyển động chậm chạp và có chút lắc lư chòng chành, đủ để khuấy lên các cảm nhận về sự cũ kỹ mộc mạc như cách ta nghe từ bộ loa âm thanh nổi những tiếng xao xác của kim đọc trượt trên các rãnh ghi âm đĩa than đang phát một giai điệu cũ xưa được thu bằng kỹ thuật phôi analog.

Những sảnh khách sạn sáng đèn bên ngoài khung lồng sắt, những cảnh vật lướt qua, mở và đóng theo chiều dọc như trò chơi xếp hình ánh sáng khiến tôi hình dung đến những cảnh phim nhựa ký ức quay tua trên bánh răng của chiếc máy chiếu bóng cũ kỹ vận hành theo mô thức thủ công.

Trong mỗi lớp chuyển cảnh của bộ phim ký ức đó, khách sạn được khai sinh từ đầu thập niên 1930 này làm phông nền tái hiện từng cuộc dừng chân định mệnh từ giới du hành đến chính khách, văn nhân. Những cuộc viếng thăm của các yếu nhân lịch sử nữa, dĩ nhiên là thế. Du Parc không để lại dấu ấn xa hoa như Langbian Palace, nhưng lạ thay, từ trong các bưu ảnh và ghi chép của những lữ khách lẫy lừng, Hôtel du Parc lại nổi bật lên với một hình ảnh thanh tao nhỏ nhẹ và dễ chạm tới. Cứ như cái khối nhà này chỉ là một phông nền, rồi sẽ biến mất trong đám sương mù chóng vánh, cùng con người danh tiếng và quyền lực, các sự kiện rộn ràng và nghiêm trọng thoắt đến, thoắt đi.

Hôtel du Parc tháng 11.2015. Ảnh: NVN

Trong tôi, những cảnh phim ký ức liên quan đến ngày hôm qua của Đà Lạt được thoáng hiện với hình ảnh du Parc phía sau các cuộc du hành. Tôi nhìn thấy khuôn mặt âu lo về một Đông Dương đầy xung đột của một ký giả mang trái tim bác ái và cũng là chính trị gia có xu hướng ôn hòa - ngài Alexandre Varenne, Toàn quyền Đông Dương giai đoạn 1925-1928.

Ở đây, tôi cũng gặp nhà cầm điểu học Jean Theodore Delacour với cuộc hành trình vạn dặm sang Đông Dương để ghi chép về các loài chim nhỏ, gà lôi lam mào trắng và chim công xanh xứ nhiệt đới. Ông đã làm gì ở Hôtel du Parc? Những bức ảnh chụp và ghi chép nào về tự nhiên học của ông đã được hình thành ở trên bàn viết của một căn phòng nào đó tại Hôtel du Parc, không ai có thể truy cứu được nữa. Chúng ta có thể ngược về quá khứ để nhận ra thành phố thấp thoáng đâu đó trong các nhân vật dị chủng, mắc kẹt giữa hai nền văn hóa trong tác phẩm của bà Marguerite Duras...

Rồi một ánh chớp được tạo nên từ sảnh đường lát thảm đỏ của một tầng mà chiếc hộp gỗ giả cổ nặng nề đưa tôi đi qua làm hiện lên khung cảnh một đêm mùa hạ của năm 1946, ông Võ Nguyên Giáp nóng nảy vì những thỏa thuận chưa đạt được ở Hội nghị Trù bị Đà Lạt sau những cuộc nghị sự tranh cãi ở hội trường Lyceé Yersin và trong nhà ăn du Parc bất thành. Trái lại, cũng trong cái đêm kỳ lạ đó, ông Hoàng Xuân Hãn - một học giả cốt cách lịch lãm Tây phương thì đứng nhìn thành phố chuyển mình vào đêm bên ngoài khung cửa Hôtel du Parc rồi không cầm lòng được, mà ký họa một bức tranh, đề hai câu thơ ngợi ca cảnh sắc hữu tình về Đà Lạt (dù trước đó ông chưa từng là họa sĩ ký họa).

Còn kia, ông Nguyễn Tường Tam thì quên mất vai trò trưởng phái đoàn Việt Nam trong cuộc thương lượng chính trị cân não, mà làm bài thơ lục bát tặng cho ông Max André - người đồng cấp trong phái đoàn Pháp. Bài thơ có lẽ được Nguyễn Tường Tam viết bên cửa sổ Hôtel du Parc - nơi phái đoàn Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến lưu trú, có những câu chẳng liên quan gì đến không khí chính trị cả: Ơi Mạc quân, hỡi Mạc quân/ Tóc tơ ngắn ngủi có ngần ấy thôi/ Anh đường anh, tôi đường tôi/ Biết bao giờ lại nối lời nước non. Bài thơ được chính ông Tam dịch qua tiếng Pháp (và dĩ nhiên, được ông trưởng phái đoàn này trao cho ông trưởng phái đoàn kia như hai người bạn, giữa họ chẳng có chiến tuyến nào!).

Đà Lạt đã khiến chính trị trở thành cuộc giao hữu thơ ca như thế!

Hôtel du Parc chứng kiến khoảnh khắc kỳ ngộ đó.

Nhưng cũng từ cửa sổ du Parc, nơi Nguyễn Tường Tam có thể từng đề thơ tặng “Mạc quân”, cũng lại là nơi có thể nhìn sang căn gác bên trên cửa hiệu Poinsard & Veyret mà cha con nhà văn Nhất Linh trú ngụ cuối thập niên 1950, khi giấc mộng chính trị trong ông đã gãy cánh. Trong một hồi ức của Nguyễn Tường Thiết, người con út được theo Nhất Linh trong thời gian ông ở ẩn tại Đà Lạt, có đoạn viết về cái tết của gia đình Nhất Linh năm 1958. Tết năm đó, vì thương người em sụp đổ giấc mộng chính trị, ông anh cả trong gia đình Nguyễn Tường là Nguyễn Tường Thụy đã thuê một căn phòng tầng ba, cánh trái Hôtel du Parc, để buổi sáng mở cửa sổ có thể nhìn thấy ban công căn gác trọ của cha con Nhất Linh - Nguyễn Tường Tam. Anh em ông Thụy và ông Tam đã chào nhau từ hai ban công đẹp nhất thành phố trong buổi sáng đầu năm đầy sương khói và bừng sáng sắc hồng của hoa đào Đà Lạt.

Hôtel du Parc trong bưu ảnh Đà Lạt năm 1954. Ảnh NVN sưu tập

Vào thập niên 1960, thật lạ kỳ, cán cân giá trị thành phố đã lệch về một phía: một thành phố chức năng giáo dục, văn hóa đã được định hình rõ rệt hơn du lịch nghỉ dưỡng. Cũng dễ dàng giải thích rằng đây là thành quả của những chính sách phát triển có phần ưu tiên cho Đà Lạt trong thời Đệ nhất Cộng hòa và lại cũng có thể giải thích rằng, nhiều hoạt động kinh tế du lịch bị ảnh hưởng bởi tình hình chiến cuộc, cho dù Đà Lạt là một nơi tạm gọi là đô thị đứng ngoài các cuộc giao tranh khốc liệt. Đường bay quốc tế từ Liên Khương sang Phnôm Pênh, Bangkok đã được Air Vietnam mở ra nhưng nhanh chóng khai tử vì doanh số quá thấp.

Các báo cáo kêu cứu của quản lý khách sạn Dalat Palace (Langbian Palace trước đây), và dĩ nhiên, cả Hôtel du Parc nữa, được gửi về Sài Gòn cho thấy, du lịch hạng sang đã thực sự lâm nguy, đặc biệt là vào các tháng mưa bão não nề. Có những trang báo cáo cho thấy ngay cả Dalat Palace cũng có nhiều nơi bị ẩm mốc, hư hỏng, chất lượng dịch vụ xuống cấp mà không có chi phí bảo dưỡng. Có thể hình dung đến Hôtel du Parc, “người em chuyên đóng vai phụ” của nó cũng vậy.

Nhưng lại có một chi tiết khác đáng chú ý, có thể dẫn đến một lối hình dung khác: vào thời kỳ nền nghỉ dưỡng ế ẩm mốc meo này, chính du Parc lại có bề may mắn hơn nhờ một sự kiện đặc biệt. Đây là nơi có ảnh hưởng về mặt văn hóa đối với cả thành phố: Đài Phát thanh quân đội Đà Lạt được đặt tại tầng 3 của khách sạn này từ 1949. Có thể nói, đây là một danh phận khác cho Hôtel du Parc.

Từ chỗ là tiếng nói của Radio Dalat, rồi tiếp đó là Đài phát thanh Quân đội, Hôtel du Parc được khoác lên vẻ thanh lịch và hào nhoáng, cứu vãn cái tiêu điều của một thứ chức năng của chốn dừng chân đơn thuần. Phạm Duy cùng Lữ Liên đã đến đây, Nhật Tiến đã đến đây trong vai trò kịch tác gia vào thời giữa thập niên 1950, sau cuộc di cư lớn.

Những năm 1960, dưới thời cả thành phố chờ nghe radio do quân nhân Nguyễn Xuân Thiệp làm quản đốc, nơi đã từng phát đi những bản tình ca đầu tiên của Lê Uyên-Phương, Từ Công Phụng và cũng là nơi làn sóng vô tuyến đã phát giọng thơ Hoàng Anh Tuấn, giọng ca Tuấn Ngọc, Lê Uyên...

Ông Nguyễn Xuân Thiệp về sau này, trong những hồi ức kể giai đoạn này thường ca ngợi vẻ đẹp của những cánh chim én bay dưới mái Hôtel du Parc, nơi ông đã có những tình bạn đẹp, những cuộc hạnh ngộ trong thời gian làm ở đài phát thanh.

Toàn cảnh Hôtel du Parc thập niên 1920. Ảnh tư liệu

Còn những sinh viên thanh niên phản kháng trong thành phố trưởng thành trong khoảng thời gian này sẽ mãi khó quên những mồi lửa mà họ ném vào cửa sổ du Parc trong những cuộc biểu tình vào năm 1966 khiến những cuộn khói bốc lên, báo hiệu một thực tế: Đà Lạt không thể vô nhiễm trước chiến cuộc.

Khu phố Pháp của một thời, vào đầu thập niên 1960 là nơi lui tới của nhóm bạn văn nghệ tuổi đôi mươi về sau thành những tên tuổi lớn của văn hóa miền Nam: Đinh Cường, Trịnh Công Sơn... (bởi bên dưới du Parc là một night club, nơi vào nghề của ca sĩ Khánh Ly). Thời đó, có lẽ đây là trung tâm đầy lãng mạn mô phỏng vẻ đẹp một Paris rất xa vời trong tâm tưởng lớp trí thức nghệ sĩ Tây học ít nhiều mang tinh thần “dĩ Âu vi trung”.

Khi tôi kéo bức màn vào buổi hừng đông, tháp bưu điện bên kia đường như nổi lên trên nền trời tịch mịch của buổi sáng sau cơn bão khơi gợi một Eiffel thu nhỏ. Eiffel ư? Khác chi một trò đùa! Nhìn đường phố vắng lặng qua những tháp tùng bách vút lên giữa mờ mịt khói sương, và lắng nghe từng tiếng chuông lễ ban sớm từ tháp chuông nhà thờ Chánh tòa, tôi tự hỏi mình đang ở đâu trong những biến thiên của thành phố, khi mà đến một vuông trời mở ra trên cửa sổ cũng đủ khiến tâm trí mình bị lệch trục vào hố đen ký ức và có nguy cơ không còn tìm thấy lối trở về cái thực tại đã đi quá xa trong cuộc đổi thay.

Tùy bút Nguyễn Vĩnh Nguyên

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/da-lat-nhin-tu-cua-so-hotel-du-parc-38068.html