Đã ly hôn hay chung sống như vợ chồng có phải là đối tượng bạo lực gia đình?

Các đại biểu đề nghị không nên bỏ sót các trường hợp bạo lực gia đình, đặc biệt là đối với con riêng của vợ chồng hoặc những người đang chung sống với nhau như vợ chồng.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, chiều 14/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu giải trình tại phiên thảo luận. Vấn đề nhiều đại biểu quan tâm đó là trường hợp bạo lực gia đình, đặc biệt là đối với con riêng của vợ chồng hoặc những người đang chung sống với nhau như vợ chồng.

Đề nghị bổ sung hành vi cưỡng ép sinh đẻ nhiều, ngăn cản tránh thai

Góp ý vào dự án Luật này, đại biểu Hà Thị Nga (đoàn Đồng Tháp) đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để đảm bảo tính bao quát của các hành vi bạo lực gia đình theo các dạng bạo lực về thể chất, về tinh thần, về tình dục, về kinh tế và bổ sung thêm các hành vi như là cưỡng ép hoặc ngăn cản việc sử dụng các biện pháp tránh thai trái ý muốn hay cưỡng ép sinh đẻ nhiều, cưỡng ép mang thai hộ trái luật hoặc là các hành vi gián tiếp như bao che, dung túng, cổ vũ hành vi bạo lực gia đình. Đồng thời, đại biểu Hà Thị Nga cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát và xác định rõ hơn nhằm đảm bảo sự tương xứng giữa hành vi bạo lực gia đình với các biện pháp xử lý được quy định trong luật.

Đại biểu Hà Thị Nga phát biểu tại hội trường.

Đại biểu Hà Thị Nga đề nghị không nên bỏ sót các trường hợp bạo lực gia đình, đặc biệt là đối với con riêng của vợ chồng hoặc những người đang chung sống với nhau như vợ chồng. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu để đưa người gây bạo lực cũng là đối tượng của tư vấn, hỗ trợ tâm lý trong phòng, chống bạo lực gia đình và nếu luật chỉ quy định về xử phạt vi phạm cấm tiếp xúc mà chưa coi trọng, chưa coi người gây ra hành vi bạo lực gia đình là đối tượng cần được trợ giúp tư vấn thì khó có thể giải quyết được gốc rễ vấn đề, như vậy hành vi bạo lực gia đình sẽ có nguy cơ tái diễn trong thực tế.

Đã ly hôn hay chung sống với nhau như vợ chồng, tại sao lại thừa nhận?

Đại biểu Vương Thị Hương (đoàn Hà Giang) cho rằng, việc mở rộng đối tượng bạo lực gia đình theo Khoản 2, Điều 4 dự thảo Luật quy định: “Hành vi bạo lực quy định tại khoản 1 Điều này cũng được áp dụng đối với người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng, người đã từng có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng” là rất phù hợp, đáp ứng kịp thời với tình hình thực tế. Bên cạnh đó, đại biểu Vương Thị Hương đề nghị nghiên cứu bổ sung giải thích từ ngữ “thành viên gia đình” để áp dụng trong phạm vi luật này, khái niệm cần làm rõ các thành viên trong gia đình có bao gồm các thành viên của người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng, người có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng.

Đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu tranh luận.

Tuy nhiên, không đồng ý với quan điểm trên, đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, điều này hoàn toàn mâu thuẫn và trái ngược với khoản 2, khoản 16, Điều 3 Luật Hôn nhân gia đình quy định về gia đình và thành viên của gia đình là những người có mối quan hệ hôn nhân và huyết thống 3 đời.

“Nếu chúng ta thừa nhận hành vi này là hành vi bạo lực gia đình, thì vô hình dung chúng ta thừa nhận những mối quan hệ hôn nhân không hợp pháp và mối quan hệ này cũng là những nguyên nhân gây ra những vụ bạo lực với trẻ em khi phải sống chung với người tình của mẹ hoặc người tình của bố. Trong thời gian vừa qua thì những hành vi đó là xảy ra đã được xử lý, điều chỉnh bằng các luật tương ứng khác mà không phải điều chỉnh bằng luật này” – đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu đánh giá.

Vì vậy, đại biểu Phan Thị Nguyệt Thu đề nghị bỏ khoản 2, Điều 4 của dự thảo luật đối với những trường hợp người đã ly hôn (tức là quan hệ hôn nhân đã được chấm dứt bằng một quyết định, bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật).

Cũng cho rằng nên cân nhắc việc mở rộng phạm vi áp dụng các hành vi bạo lực gia đình tại Khoản 1, Điều 4 với đối tượng là người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ chồng, đại biểu Trần Thị Kim Nhung (đoàn Quảng Ninh) cho rằng đây là những đối tượng không tồn tại trong quan hệ gia đình như quy định của Luật hôn nhân gia đình.

Bổ sung các giải pháp hỗ trợ cho đối tượng đặc thù là trẻ em

Vấn đề hỗ trợ đối tượng bị bạo lực là trẻ em cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Cụ thể, đại biểu Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh) đề nghị bổ sung các giải pháp hỗ trợ cơ sở trợ giúp cho đối tượng đặc thù là trẻ em bị bạo lực gia đình và bị ảnh hưởng bởi bạo lực gia đình. Theo đại biểu Nguyễn Thị Hà, dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) hiện đang tập trung vào các giải pháp hỗ trợ người bị bạo lực là người lớn với các giải pháp truyền thống hòa giải, biện pháp truyền thông hòa giải, chấm dứt bạo lực mà chưa cân nhắc đến đối tượng đặc thù là trẻ em trực tiếp bị bạo lực gia đình hoặc bị ảnh hưởng khi chứng kiến các hành vi bạo lực gia đình xảy ra giữa các thành viên trong gia đình.

Do vậy, đại biểu Nguyễn Thị Hà đề xuất trong dự thảo Luật cần có các quy định cho đối tượng đặc thù là trẻ em, trong đó cần thể hiện tính nhạy cảm về giới, độ tuổi, sự phát triển của trẻ em, lợi ích tốt nhất của trẻ.

Đại biểu Nguyễn Thị Hà phát biểu.

Ngoài việc hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu về y tế, tâm lý, trợ giúp pháp lý, các đại biểu cho rằng, cần quan tâm tới các biện pháp hỗ trợ liên quan đến việc học tập của trẻ em khi bị bạo lực gia đình, bảo đảm việc học tập không bị gián đoạn trong thời gian trẻ đang điều trị các tổn thương về thể chất và tâm lý.

Đại biểu Nguyễn Trần Phượng Trân (đoàn TP Hồ Chí Minh) thì đề nghị cần thống nhất quy định liên quan đến trẻ em và bổ sung hành vi bạo lực trên không gian mạng. Hiện nay nhiều câu chuyện bôi xấu nhau trên mạng khi không vừa lòng nhau, đây cũng là bạo lực và nhiều ý kiến cho rằng, hình thức bạo lực này còn khủng khiếp hơn nội hàm bên trong nội bộ gia đình.

Không đóng góp tài chính, cưỡng ép đóng góp tài chính quá khả năng có phải là bạo lực?

Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Lý Anh Thư (đoàn Kiên Giang) chỉ ra rằng tại điểm q Khoản 1 Điều 4 có quy định hành vi “có khả năng và phải thực hiện nghĩa vụ đóng góp tài chính mà không đóng góp; cưỡng ép thành viên gia đình đóng góp tài chính quá khả năng của họ” là một trong những hành vi bạo lực gia đình. Đại biểu Lý Anh Thư phân tích, trong thực tiễn hiện nay chưa có văn bản nào của pháp luật quy định cụ thể về nghĩa vụ đóng góp tài chính trong gia đình, ai là người đóng góp chính trong gia đình, phải đóng góp như thế nào, đóng góp bao nhiêu cho gia đình, gia đình nào phải thực hiện nghĩa vụ đóng góp tài chính, những thành viên trong gia đình phải đóng góp là những ai?

Do đó, khó có căn cứ để xác định việc không đóng góp tài chính là một hành vi bạo lực gia đình. Đại biểu Lý Anh Thư đề nghị nếu quy định về điều khoản này thì cần phải có một cơ chế, các quy định pháp luật bổ sung một cách cụ thể, rõ ràng thì mới có thể thi hành trên thực tiễn.

Lời nói đay nghiến, đe dọa, chì chiết của cha mẹ là bạo lực trẻ em?

Đề cập về hành vi bạo lực gia đình được đề cập trong dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Kim Nhung (đoàn Quảng Ninh) cho biết, trên thực tế có loại hành vi khá phổ biến nhưng rất khó để nhận biết chính là bạo lực tinh thần dưới dạng mắng chửi, đe dọa, chì chiết đối với trẻ em hay còn gọi là bạo lực ngôn ngữ, loại hành vi này dễ bị hiểu nhầm là một cách dạy dỗ con. Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy hậu quả khôn lường của việc cha mẹ quát mắng con cái, trong đó đã chỉ ra khi cha mẹ mắng chửi, chì chiết thì mức độ tổn thương về ngôn ngữ, tinh thần và thể xác của trẻ em là hoàn toàn như nhau, có thể dẫn đến thay đổi tiêu cực về cấu trúc của não bộ, ảnh hưởng đến trí nhớ của trẻ.

Đại biểu Trần Thị Kim Nhung phát biểu.

“Những lời nói đay nghiến, đe dọa, chì chiết của cha mẹ khiến cho trẻ em cảm thấy tội lỗi, tự ti, dằn vặt bản thân và cho rằng mình luôn là người kém cỏi, vô dụng. Hậu quả này có thể kéo dài cả đời và đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em- những đối tượng còn non nớt chưa đủ khả năng để tự bảo vệ mình” – đại biểu cho biết và chia sẻ thông tin về một nhà nghiên cứu từng nói kẻ giết người, hủy hoại cuộc đời của một đứa trẻ không phải là trò chơi mà chính là bạo lực ngôn ngữ của cha mẹ.

Theo số liệu gần đây của UNICEF, xét trong số các vụ bạo lực trẻ em thì có khoảng 11% các trường hợp sử dụng đòn roi, đánh đấm; 15,7% dưới hình thức đẩy ngã, ném đồ vật vào người con cái, còn khoảng 56,6 % bạo hành tinh thần dưới dạng đe dọa, mắng chửi, chì chiết. Vì vậy, đại biểu Trần Thị Kim Nhung đề nghị cần quy định cụ thể để dễ nhận diện được những hành vi, những loại hành vi bạo lực tinh thần như nêu trên.

Phương Thủy

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/da-ly-hon-hay-chung-song-nhu-vo-chong-co-phai-la-doi-tuong-bao-luc-gia-dinh--i657055/