Đà Nẵng cần liên kết vùng để phát triển bền vững

Thành phố Đà Nẵng cần liên kết với các địa phương lân cận, đặc biệt là Huế, Quảng Nam và Quảng Ngãi trong các lĩnh vực cảng biển, hàng không và du lịch để tạo ra vùng đô thị miền Trung, tạo ra phát triển bền vững cho Đà Nẵng đến năm 2030.

Tại hội thảo, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn kiến nghị Đà Nẵng cần phát triển vùng đô thị sân bay để vừa phát triển kinh tế địa phương vừa có thể liên kết vùng. Ảnh: Nhân Tâm

Thông tin này được ghi nhận tại Hội thảo Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 33 – NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước diễn ra sáng nay (10-8).

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội, cho biết các tỉnh miền Trung có lợi thế rất lớn về biển và cảng biển, nên có cơ hội rất nhiều để liên kết cùng phát triển. Ông Kiên đưa ra ví dụ cụ thể Cảng Chân Mây nằm trong Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, thuộc địa bàn huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Bến cảng này đủ khả năng tiếp nhận tàu hàng tổng hợp lên đến 50.000 DWT và tàu du lịch quốc tế cỡ lớn có chiều dài đến 362 m.

Trong khi đó, Cảng Đà Nẵng sở hữu gần 1.700 mét cầu bến có khả năng tiếp nhận tàu hàng tổng hợp trọng tải đến 70.000 DWT với năng lực tiếp nhận hàng hóa qua Cảng Tiên Sa lên đến 12 triệu tấn/năm. “Đây cũng là hai cảng đón tiếp các tàu du lịch quốc tế lớn nhất miền Trung. Vì vậy, đây là một tiềm năng lớn để kết nối cùng phát triển kinh tế và quảng bá du lịch”.

Khách du lịch tại Hải Vân Quan – điểm kết nối Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế. Ảnh: Nhân Tâm

Về vấn đề liên kết phát triển du lịch, ông Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ và Trưởng nhóm Tư vấn hợp tác phát triển Vùng duyên hải miền Trung, cho biết Đà Nẵng hiện nay là cửa ngõ du lịch của khu vực miền Trung, vì vậy liên kết để thúc đẩy du lịch là điều cần thiết.

Nhà ga hành khách quốc tế Đà Nẵng đã có 27 đường bay trực tiếp, chủ yếu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... đến Đà Nẵng với 1,6 triệu lượt khách quốc tế trong 6 tháng đầu năm 2018. Phần nhiều lượng khách quốc tế này đến Đà Nẵng xong sẽ đi đến các địa phương lân cận như Huế hay Quảng Nam – những địa phương chưa đón các đường bay quốc tế. Việc mở rộng sân bay quốc tế Đà Nẵng và kết nối với sân bay Chu Lai ở Quảng Nam đang được đầu tư mở rộng sẽ tạo điều kiện không chỉ để phát triển du lịch mà còn cả kinh tế của vùng, ông Lịch cho biết.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cũng có ý kiến tương đồng trong việc kết nối 2 sân bay này để phát triển kinh tế. “Thậm chí, Đà Nẵng có thể nghĩ đến phương án hợp tác, phát triển vùng đô thị sân bay, với các ngành kinh tế vệ tinh xung quanh”, ông Sơn cho biết.

Ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, chia sẻ hiện nay Đà Nẵng đủ các điều kiện về cơ sở hạ tầng để có thể thực hiện liên kết vùng, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế bền vững.

“Cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi sẽ hoàn thành trong tháng 9 này. Đường Hầm Hải Vân 2 nối với Huế sẽ hoàn thành trong năm 2020. Cảng Tiên Sa sẽ thành cảng du lịch sau khi việc đầu tư cảng Liên Chiểu hoàn tất”, ông đưa ra dẫn chứng.

Đà Nẵng cần mở rộng sân bay sớm

Nhân Tâm

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/276894/da-nang-can-lien-ket-vung-de-phat-trien-ben-vung.html