Đà Nẵng: Chưa chín muồi thì đừng làm kẻo sau này phải ân hận!

Nhiều chuyên gia cho rằng tình hình chưa chín muồi mà vẫn cứ xây các công trình để xử lý cục bộ giao thông ở nút phía Tây cầu Rồng và phía Tây cầu Trần Thị Lý thì không khéo 5 – 10 năm nữa, Đà Nẵng sẽ phải ân hận vì những việc mình làm hôm nay!

Như tin đã đưa, ngày 17/7, Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng đã tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với “Phương án thiết kế tổ chức giao thông nút phía Tây cầu Rồng và cụm nút phía Tây cầu Trần Thị Lý”. Tại đây, PV Infonet đã ghi nhận nhiều ý kiến của các chuyên gia về việc Đà Nẵng có nên áp dụng ngay các giải pháp công trình gần ngàn tỉ cho hai nút giao thông này không?

Kỹ sư đô thị Nguyễn Văn Chung phát biểu ý kiến phản biện tại hội nghị (Ảnh: HC)

KTS Âu Ngọc Sơn (Giáo viên thỉnh giảng của các trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, Duy Tân, Bách khoa Đà Nẵng):

Tôi sinh ra ở Đà Nẵng, từ năm 1959 đến nay bao giờ đường Bạch Đằng dọc bờ Tây sông Hàn cũng là trục đường “bộ mặt”, trục đường ngoại giao, du lịch của TP. Phải suy nghĩ đây là trục đường mà khách du lịch, đoàn ngoại giao đều phải đi qua, chứ không phải chỉ giải quyết vấn đề giao thông từ đường Trần Phú đi đường 2/9. Bài toán ở đây không đơn giản như vậy.

Giả sử Đà Nẵng lại được đăng cai những sự kiện quốc tế lớn như APEC, các nguyên thủ quốc gia muốn đến trung tâm hành chính chào lãnh đạo TP hay tham dự các sự kiện, nhưng với cách thức thiết kế tổ chức giao thông ở phía Tây cầu Rồng, họ phải đi vòng vèo mới xuống được đường Bạch Đằng thì sẽ rất bất hợp lý.

Với các phương án đưa ra cho nút phía Tây cầu Trần Thị Lý, tôi hoàn toàn không đồng ý do kinh phí quá cao, lên tới 520 tỉ đồng, nhưng lại phá vỡ cảnh quan kiến trúc đô thị ở đó. Lẽ ra khi làm cầu Trần Thị Lý phải quy hoạch đồng bộ luôn nút giao thông phía Tây, nhưng chúng ta đã sai khi tách ra thành hai dự án và chỉ biết cầu chứ không biết nút giao thông. Bây giờ quý vị làm theo phương án đưa ra, không khéo lại sai chồng sai. Cái trước sai rồi, bây giờ làm thêm cái nữa lại sai nữa. Nên tôi đề nghị phải hết sức cẩn thận.

Thực ra ở chỗ này chỉ mới ùn tắc cục bộ giờ cao điểm thôi nên tôi nghĩ vẫn có thể xử lý được, trước mắt là làm tuyến đường Bạch Đằng nối dài phía sau lưng khu nhà hàng tiệc cưới đường 2/9, vừa nhanh, vừa ít kinh phí. Sau này TP giàu có lên, lấy lại các quỹ đất để làm thì sẽ có nút giao thông rất đẹp, bề thế, hiện đại để xứng với tầm của cầu Trần Thị Lý, chứ giải quyết thế này thì chỉ thời gian ngắn sau sẽ lạc hậu. Khi đó không ai dám nhìn nhận mình là tác giả cả!

KTS Âu Ngọc Sơn...

KTS Tô Văn Hùng (Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng):

Chúng ta đã có bài học về nút giao thông phía Tây cầu Sông Hàn, rõ ràng là đơn giản hơn nút phía Tây cầu Rồng rất nhiều, nhưng sau khi xây hầm chui, chúng ta vẫn hết sức lúng túng trong công tác tổ chức giao thông, hết ùn tắc chỗ này lại làm nảy sinh ùn tắc ở chỗ khác, huống gì nút phía Tây cầu Rồng cực kỳ phức tạp, lại nằm ở vị trí cực kỳ quan trọng, nhạy cảm của TP.

Ngay từ thời Pháp, họ đã tiếp cận đường Bạch Đằng như là “phòng khách” của Đà Nẵng, sang trọng lắm. Nên phải hết sức thận trọng khi can thiệp vào tuyến đường này. Hiện Đà Nẵng đang điều chỉnh quy hoạch chung TP, dự kiến năm 2019 sẽ phê duyệt. Cùng với quy hoạch chung thì cũng sẽ có quy hoạch ngành giao thông. Khi đó đưa ra phương án cho nút phía Tây cầu Rồng sẽ yên tâm hơn, chứ theo phương án hiện nay tôi thấy chưa yên tâm lắm.

Kỹ sư đô thị Nguyễn Văn Chung (Liên hiệp các Hội KHKT Đà Nẵng):

Theo tôi, ùn tắc tại hai nút giao thông phía Tây cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý chưa phải trầm trọng và thủ phạm chính là phương tiện cá nhân. Cần đánh giá hiệu quả các giải pháp đang áp dụng, như đèn tín hiệu, phân luồng, giao thông công cộng… và những bất hợp lý phải được khắc phục, bổ sung để giảm ùn tắc trước khi nghĩ đến giải pháp công trình.

Nếu phương tiện cá nhân có chuyển biến theo hướng giảm bớt thì chắc chắn tình trạng ùn tắc sẽ giảm, thậm chí không còn. Trong khi tuổi thọ của hầm chui, cầu vượt có thể lên đến trăm năm. Không thể giải pháp về chiến lược phát triển giao thông công cộng phải chờ tới trăm năm mới chuyển biến mà phải chuyển biến ngay từ bây giờ. Còn nếu chúng ta không có biện pháp kiểm soát phương tiện cá nhân thì dù có làm bao nhiêu giải pháp về công trình cũng không thể giải quyết được ùn tắc mà chỉ có càng lúc càng trầm trọng hơn.

Nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Hoàng Long...

Với các phương án thiết kế tổ chức giao thông nút phía Tây cầu Rồng và phía Tây cầu Trần Thị Lý được đưa ra thì đều có tình trạng hầm chui cắt ngang tuyến cống thoát nước chính từ trung tâm TP ra sông Hàn, vậy giải quyết thế nào hay là kéo đi vòng vèo? Ngập lụt thì còn tai hại hơn là ùn tắc giao thông, nên không thể coi nhẹ thoát nước được. Thế thì có chui được hay không?

Nên tôi đề nghị chưa nên làm hai nút giao thông này ngay mà cần nghiên cứu giải pháp tổng thể trên toàn mạng lưới giao thông TP. Đến năm 2019, khi điều chỉnh quy hoạch chung TP, trong đó có quy hoạch GTVT, được duyệt thì triển khai các giải pháp cho hai nút này sẽ phù hợp hơn. Giờ chưa chín muồi mà vẫn cứ làm cục bộ thế này, không khéo 5 – 10 năm nữa lại không biết dùng mấy cái hầm đó để làm gì? Lúc đó ta sẽ phải ân hận vì những việc mình làm hôm nay.

KTS Hoàng Quang Huy (Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch xây dựng Việt Nam):

Tôi không đồng tình với cách làm rất “chắp vá” chứ không có tính tổng thể của Sở GTVT trong việc đề xuất các phương án thiết kế tổ chức giao thông cho hai nút phía Tây cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý. Lẽ ra trước khi làm cái này, Sở nên rà soát toàn bộ quy hoạch giao thông TP trước đây và hiện trạng giao thông hiện nay, rồi mới đề xuất các hệ thông giao thông mới.

Cứ làm chắp vá như thế này tôi cho là không ổn tí nào. Nếu cần, trước mắt TP nên tìm các giải pháp tạm thời, chứ làm như các phương án đề xuất thì đó sẽ là những công trình vĩnh cửu. Đến lúc xử lý nó lại sẽ rất khó, không bỏ được nữa. Cho nên hãy dừng các phương án được đề xuất lại mà bắt tay ngay vào việc quy hoạch tổng thể hệ thống giao thông của TP!

và Phó chủ tịch Hội Nhà báo TP Đà Nẵng Phan Hoàng Phương phát biểu ý kiến tại hội nghị phản biện (Ảnh: HC)

Ông Nguyễn Hoàng Long (nguyên Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng):

Thời gian qua trên địa bàn Đà Nẵng đã xây dựng một loạt công trình giao thông khác mức. Có cái phát huy được hiệu quả như cầu vượt Ngã ba Huế, nhưng cũng có cái nảy sinh vấn đề như hầm chui phía Tây cầu Sông Hàn, hầm chui đường Điện Biên Phủ… Tôi đề nghị Sở GTVT và đơn vị tư vấn nên tổng kết, đánh giá các ưu, nhược điểm và các vấn đề nảy sinh trong quá trình xây dựng, vận hành các công trình này để rút ra bài học cho các công trình sắp tới.

Các công trình giao thông dự định xây dựng ở hai nút phía Tây cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý là giải pháp tình thế nhưng đồng thời là những công trình lâu dài. Vì vậy, phải làm sao để sau này các thế hệ con cháu tự hào, trân trọng tầm văn hóa của người Đà Nẵng khi giải quyết các công trình này. Đừng để làm xong mới thấy công trình có những khiếm khuyết mà nếu để thêm một thời gian nữa nghiên cứu kỹ hơn thì có lẽ những khiếm khuyết đó không xảy ra.

Bà Phan Hoàng Phương (Phó chủ tịch Hội Nhà báo TP Đà Nẵng):

Khu vực phía Tây cầu Rồng cần phải được xác định là khu vực không gian cảnh quan, lễ hội và điểm đến du lịch đặc biệt của Đà Nẵng, nên cần phải được bảo vệ, giữ gìn. Giải pháp hầm chui dù có tối ưu trong việc giải quyết ùn tắc giao thông đi nữa thì cũng sẽ chia cắt không gian cảnh quan đô thị ở đây, tác động đến các điểm nhấn trong khu vực, đặc biệt là Bảo tàng Chàm.

Chắc chắn khi xây dựng hầm chui nút giao thông phía Tây cầu Sông Hàn, các vị cũng đã qua các cuộc hội thảo, phản biện như thế này nhiều lần. Nhưng ngay khi công trình vừa đưa vào sử dụng đã gây ra sự bế tắc, lúng túng, cứ xoay đằng này thì lại hở đằng kia và tới bây giờ thì cực kỳ quê mùa dù chỉ mới qua thời gian ngắn. Vậy thì lấy gì đảm bảo các hầm chui, cầu vượt dự định xây dựng ở hai nút phía Tây cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý sẽ không lặp lại tình trạng tương tự?

HẢI CHÂU

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/da-nang-chua-chin-muoi-thi-dung-lam-keo-sau-nay-phai-an-han-post268697.info