Đà Nẵng: Công ty du lịch thiếu nhân công, người lao động chưa có việc

Hàng nghìn nhân viên về quê lánh dịch, chưa thể ra Đà Nẵng làm việc, khiến các doanh nghiệp bị thiếu hụt lao động nghiêm trọng khi hoạt động trở lại.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, cho biết nếu tình hình dịch được kiểm soát thì cuối năm nay địa phương sẽ mở cửa đón khách nội địa đến thành phố tham quan, nghỉ dưỡng.

Đón nhận thông tin trên, lãnh đạo các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, lữ hành trút được gánh nặng bấy lâu. Tuy nhiên, họ lại đối mặt với khó khăn mới là thiếu hụt lao động trong thời gian tới.

Dịch bệnh kéo dài nhiều tháng nên nhiều lao động nghỉ làm về quê. Hiện, các địa phương chưa thống nhất phương án tháo gỡ về thủ tục hành chính nên người dân ở Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi... chưa thể đến Đà Nẵng làm việc.

Thiếu hụt lao động trầm trọng

Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Đức Quỳnh, Tổng giám đốc Furama Resort Đà Nẵng, thừa nhận từ năm ngoái, đơn vị đã phải cho 80% cán bộ, nhân viên nghỉ việc tạm thời. Bước sang năm 2021, dịch bệnh bùng phát và kéo dài nhiều tháng nên đa số người lao động đã về quê hoặc tìm cơ hội nghề nghiệp khác.

Những ngày này, Furama Resort đã bắt đầu mở cửa để đón khách đến lưu trú nhưng thiếu người làm. Vị lãnh đạo này nói hàng loạt doanh nghiệp ở Đà Nẵng rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Nhiều lao động ở Quảng Nam chưa thể ra Đà Nẵng làm việc do thiếu các giấy tờ theo quy định. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Vitours, cho biết khoảng 300 lao động trong khối khách sạn và 100 lao động khối lữ hành của công ty đã phải nghỉ việc không lương từ tháng 3/2020 tới nay.

Thống kê sơ bộ của Hiệp Hội Du lịch Đà Nẵng cho thấy ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến 295/310 doanh nghiệp lữ hành, 16 khu điểm du lịch, hơn 930/1.231 cơ sở lưu trú, khách sạn, 330/350 đơn vị xe vận chuyển, 19 đơn vị vận chuyển du lịch đường thủy... tạm ngừng hoạt động.

Lao động tạm hoãn hợp đồng là hơn 12.000 người, chấm dứt hợp đồng gần 27.000 trường hợp. Theo đơn vị này, thiếu hụt về lao động sẽ là vấn đề lớn đối với hầu hết doanh nghiệp.

"Nếu thực hiện phương án 3 tại chỗ thì chi phí ăn uống, nghỉ ngơi cho hàng nghìn nhân viên lên đến cả trăm triệu đồng mỗi tháng. Trong khi doanh thu từ hoạt động du lịch chưa có nên doanh nghiệp không thể duy trì được".

Ông Nguyễn Văn Nhân

Theo ghi nhận của Zing, các doanh nghiệp đang thiếu hụt lao động nhưng người dân lại chưa có việc làm, nhất là những trường hợp ở các địa phương lân cận như Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi...

Tại các chốt kiểm soát, nhiều người muốn ra Đà Nẵng làm việc nhưng thiếu giấy chứng nhận âm tính với Covid-19 nên không được đi qua chốt.

Chị Hương, quê Điện Bàn (Quảng Nam), làm nhân viên phục vụ khách sạn ở Đà Nẵng. Để được ra Đà Nẵng làm việc, chị phải làm xét nghiệm để có giấy chứng nhận kết quả âm tính với chi phí hơn 200.000 đồng. Giấy chứng nhận kết quả này chỉ có giá trị 72 giờ.

Ba ngày sau, chị Hương lại phải tốn thêm số tiền trên để xét nghiệm lại. Khoản tiền là gánh nặng đối với nhiều lao động nên họ chọn cách ở nhà chờ chính quyền bãi bỏ quy định "phải có giấy xét nghiệm" rồi mới trở lại làm việc.

Ngành y tế Đà Nẵng đang đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine để người lao động yên tâm trở lại làm việc. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Lãnh đạo các doanh nghiệp cho biết những trường hợp tương tự chị Hương rất nhiều. Thời gian qua, một số doanh nghiệp khắc phục bằng phương châm "3 tại chỗ". Tuy nhiên, theo lãnh đạo các đơn vị thì không phải công ty nào cũng đủ nguồn lực, tiền bạc để duy trì phương án này.

"Nếu thực hiện phương án 3 tại chỗ thì chi phí ăn uống, nghỉ ngơi cho hàng nghìn nhân viên lên đến cả trăm triệu mỗi tháng. Trong khi doanh thu từ hoạt động du lịch chưa có nên doanh nghiệp không thể duy trì được", ông Nguyễn Văn Nhân, giám đốc một khách sạn ở quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) cho biết.

Cần tháo gỡ nút thắt lưu thông

Để giải quyết bài toán trên, ông Quỳnh và nhiều lãnh đạo doanh nghiệp khác có chung kiến nghị là chính quyền sớm tháo gỡ nút thắt, bãi bỏ các thủ tục hành chính như giấy đi đường, phiếu chứng nhận kết quả xét nghiệm để tạo điều kiện cho người lao động, du khách lưu thông.

Tổng giám đốc Furama Resort hiến kế chính quyền các địa phương nên đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine cho toàn dân.

"Khi các địa phương đảm bảo độ phủ vaccine trên 80% thì tính đến phương án thích ứng linh hoạt với dịch bệnh. Lúc này, người dân chỉ cần tiêm đủ vaccine thì có thể tự do đi lại để đến nơi làm việc", ông Quỳnh nói.

Khi vấn đề lưu thông chưa được giải quyết, Furama Resort cũng như nhiều doanh nghiệp khác đang lên lộ trình tuyển dụng, đào tạo lao động rồi chờ ngành chức năng cho mở cửa hoạt động trở lại.

Các doanh nghiệp du lịch đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Đồng tình với những trăn trở của cộng đồng doanh nghiệp, bà Hạnh mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành chỉ đạo đơn vị liên quan thống nhất phương án "thích ứng linh hoạt" với dịch bệnh.

Theo bà, điều quan trọng nhất là các địa phương phải thống nhất việc nới lỏng lưu thông chứ không nên "chỗ mở, nơi thắt" như hiện nay. Ngành hàng không, đường sắt cũng nên có phương án hoạt động trở lại theo tần suất và tuân thủ quy định về phòng dịch.

Theo ghi nhận của Zing, 0h ngày 8/10, hàng trăm người từ các tỉnh phía nam về quê được cảnh sát dẫn đoàn qua hầm Hải Vân. Sau khi qua hầm, họ được bàn giao cho lực lượng chức năng Thừa Thiên - Huế.

Đoàn Nguyên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/da-nang-cong-ty-du-lich-thieu-nhan-cong-nguoi-lao-dong-chua-co-viec-post1269244.html