Đà Nẵng: Đập tạm ngăn mặn đề xuất 6 tháng, thi công không được quá 4 ngày

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng đã ký văn bản 5818/UBND-SXD đồng ý xây dựng đập tạm ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ bằng kinh phí của Dawaco, thời gian thi công không quá 4 ngày kể từ khi được lãnh đạo TP chính thức kích hoạt lệnh khởi công.

Đập tạm tại vị trí lân cận về phía thượng lưu cầu Nguyễn Tri Phương

Tại cuộc họp giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng tổ chức chiều 28/8, ông Lê Tùng Lâm, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cho hay, ngày 27/8, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng đã ký văn bản 5818/UBND-SXD gửi các Sở Xây dựng, TN-MT, NN-PTNT và Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) về việc triển khai công trình ngăn mặn tạm thời trên khu vực sông Cẩm Lệ.

Giao ban báo chí tháng 8 do Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng tổ chức chiều 28/8 (Ảnh: HC)

Theo đó, lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng đồng ý chủ trương triển khai xây dựng đập ngăn mặn tạm thời trên sông Cẩm Lệ theo đề xuất của Sở Xây dựng tại Công văn 6544/SXD-HTKT (ngày 26/8) về vị trí, quy mô và biện pháp thi công xây dựng nhằm ngăn chặn khi triều lên gây ra xâm nhập mặn cho sông Cầu Đỏ. Kinh phí thực hiện từ nguồn vốn của Dawaco.

Lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng yêu cầu Dawaco chuẩn bị đầy đủ phương án tập kết vật tư, thiết bị cần thiết để có thể triển khai thi công ngay sau khi có ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP. Đồng thời phối hợp kịp thời với các Sở Xây dựng, TN-MT, NN-PTNT, UBND quận Cẩm Lệ và các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, chuẩn bị phương án tháo dỡ ngay đập tạm khi có thông tin cảnh báo lũ trên sông. Có trách nhiệm tổ chức triển khai thi công và vận hành công trình đảm bảo an toàn công trình, an toàn giao thông đường thủy, an toàn thoát lũ trên sông.

“Trên cơ sở phương án đề xuất của Dawaco, qua xem xét, lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn đã thống nhất lựa chọn xây dựng đập tạm ngăn mặn tại vị trí lân cận về phía thượng lưu của cầu Nguyễn Tri Phương. Bề rộng dòng sông chỗ này khoảng 250m, tập trung dùng cừ Lassen lưu động đóng xuống lòng sông với bề rộng khoảng 150 – 170m.

Theo ý kiến các chuyên gia, khi triển khai đóng cừ Lassen thì không đóng khép kín ngay mà vẫn để cho nước từ thượng lưu chảy về. Với cách thi công từ hai bờ đi vào giữa lòng sông thì tốc độ dòng chảy và chênh áp giữa thượng lưu với hạ lưu sẽ ngăn triều lên gây mặn cho phía thượng lưu. Còn hai bên phía bờ lạch sát bờ sông vẫn để cho nước từ thượng lưu chảy về bình thường!” – Ông Lê Tùng Lâm cho hay.

Tiến độ thi công không quá 4 ngày kể từ khi kích hoạt

Trước đó, như Infonet đã đưa tin, từ ngày 28/02/2019, Dawaco từng có Công văn 177/CTCN-KHĐT gửi UBND TP Đà Nẵng “đề xuất giải pháp công trình tạm để hạn chế xâm nhập mặn trên sông Cầu Đỏ” nhằm chủ động phương án khẩn cấp đảm bảo nguồn nước cấp cho TP khi xảy ra nhiều tình huống cùng lúc như hạn hán gay gắt; nguồn nước thiếu hụt, không có mưa; các hồ thủy điện không thể tích nước và mức nước các hồ không đủ để thể xả về hạ du.

Không nhận được phản hồi trong khi tình trạng nhiễm mặn thường xuyên vượt mức 1.000mg/l, không đủ nguồn nước thô cho nhà máy nước Cầu Đỏ hoạt động, dẫn đến không đảm bảo cấp nước cho TP nên ngày 20/8, Dawaco lại tiếp tục có Công văn 736/CTCN-KHĐT đề nghị UBND TP Đà Nẵng xem xét ban hành phương án khẩn cấp “Xây dựng đập tạm ngăn mặn trên sông Cầu Đỏ”. Thời gian thi công dự kiến 20 ngày; thời gian tháo dỡ, hoàn trả mặt bằng 15 ngày; kinh phí thực hiện khoảng 7,5 tỉ đồng từ nguồn vốn của Dawaco.

Trong khoảng thời gian đó, như tin đã đưa, Đà Nẵng xảy ra nhiều đợt nhiễm mặn nặng gây thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn; đặc biệt đợt nhiễm mặn nghiêm trọng kể từ ngày 19/8 đã gây khủng hoảng cung cấp nước sạch cho nhu cầu của người dân TP, thực sự đặt ra vấn đề về an ninh nguồn nước mà hiện việc cấp nước vẫn chưa hoàn toàn trở lại bình thường. Vậy tại sao TP lại để kéo dài việc xem xét đề xuất xây đập tạm ngăn mặn của Dawaco suốt từ tháng 2 đến nay?

Trao đổi với PV Infonet tại cuộc họp giao ban báo chí chiều 28/8, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng Lê Tùng Lâm cho hay, việc xây dựng đập đã có kịch bản ngay từ đầu năm 2019. Tuy nhiên khi triển khai đập tạm hay đập kiên cố thì có 3 yếu tố phải cân nhắc là an toàn bản thân công trình; an toàn về giao thông đường thủy; và an toàn thoát lũ.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng Lê Tùng Lâm phát biểu tại cuộc giao ban báo chí chiều 28/8 (Ảnh: HC)

“Đây là 3 yếu tố then chốt, quan trọng phải xem xét trong các yếu tố để tham mưu cho lãnh đạo TP quyết định việc đầu tư, triển khai xây dựng. Hiện vị trí được chọn khác so với vị trí ban đầu do Dawaco đề xuất. Các chuyên gia chọn vị trí lân cận về phía thượng lưu của cầu Nguyễn Tri Phương vì khu vực này không sâu, ngay giữa dòng từ đáy sông lên tới mặt nước chỉ 4 – 5m nên rất thuận lợi cho việc thi công.

Câu chuyện còn lại chỉ là cân nhắc thời điểm kích hoạt khởi công khi nào, tiến độ thi công tối đa bao nhiêu ngày; còn phương án thì TP đã thống nhất, phương tiện cũng đã được Dawaco tập kết. Khi nào thủy điện không còn xả nước về, độ mặn tại cửa thu Cầu Đỏ vượt mức 1.000mg/l và mực nước tại An Trạch thấp hơn 1,6m thì sẽ kích hoạt ngay. Tiến độ thi công tối đa cho phép Dawaco không quá 4 ngày kể từ ngày khởi công!” – Ông Lê Tùng Lâm nói.

Hạn chế tối đa tác động tiêu cực

Đối với một số ý kiến lo ngại đập tạm ngăn mặn này có thể gây ảnh hưởng giao thông đường thủy, trong đó có du lịch đường sông từ trung tâm TP Đà Nẵng lên Túy Loan, Thái Lai…, ông Lê Tùng Lâm cho biết vấn đề này cũng đã được các ngành hữu quan cân nhắc kỹ để đảm bảo yêu cầu “an toàn về giao thông đường thủy”. Đây chỉ là đập tạm và không bịt kín ngay nên sẽ hạn chế tối đa ảnh hưởng đến giao thông đường thủy.

Theo ông Trần Đình Hồng, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng, vấn đề an ninh nguồn nước là mối quan tâm thường trực của các cấp các ngành và hơn 1 triệu dân TP này. Vì vậy các cơ quan quản lý nhà nước phải thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ chất lượng, khối lượng để đáp ứng nhu cầu và đời sống của người dân TP.

“Đối với đập tạm ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ, các cơ quan chức năng và các nhà chuyên môn cần hết sức quan tâm, vì khi triển khai một cái đập trên dòng sông sẽ tác động rất nhiều mặt. Giải quyết được vấn đề này nhưng nếu không tính toán kỹ sẽ ảnh hưởng tới những vấn đề khác. Điều đó đòi hỏi phải có sự phối hợp tốt giữa các sở, ngành, cơ quan hữu quan.

Hiện đã ở thời điểm trước mùa mưa, liệu có khi nào xây xong, mưa bão ập xuống lại phá bờ sông do thay đổi dòng chảy? Hoặc TP đang chủ trương phát triển du lịch đường sông, liệu cái đập này có làm ảnh hưởng tới hoạt động du lịch trên sông? Vì vậy trong quá trình thực hiện, các Sở chuyên ngành cần hết sức quan tâm những tác động này!” – Ông Trần Đình Hồng nêu rõ.

Về lâu dài, ông Lê Tùng Lâm cho hay, để đảm bảo an ninh nguồn nước, Đà Nẵng sẽ không chỉ lấy một nguồn duy nhất ở Cầu Đỏ mà còn xét đến nguồn nước thô ở phía Tây Bắc TP là nguồn nước sông Cu Đê. TP Đà Nẵng đã quyết định nghiên cứu đầu tư xây dựng NMN Hòa Liên, dự kiến cuối tháng 9/2019 sẽ khởi công giai đoạn 1 với công suất 120.000m3/ngày đêm.

Đồng thời, trong thời gian đến, Sở Xây dựng Đà Nẵng phối hợp với Sở TN-MT, Sở NN-PTNT và các ngành sẽ tham mưu cho lãnh đạo TP đưa vào kế hoạch cấp nước 5 năm (2020 – 2025) tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 thêm 120.000m3/ngày đêm; nâng tổng công suất NMN Hòa Liên lên 240.000m3/ngày, đảm bảo hữu hiệu an ninh nguồn nước về lâu dài cho Đà Nẵng.

HẢI CHÂU

Từ khóa: Đà Nẵng Dawaco Cầu Đỏ nhiễm mặn Đặng Việt Dũng Ban Tuyên giáo Sở Xây dựng

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/da-nang-dap-tam-ngan-man-de-xuat-6-thang-thi-cong-khong-duoc-qua-4-ngay-post311224.info