Đà Nẵng: Đề xuất cơ chế hỗ trợ lĩnh vực vi mạch bán dẫn

Để nhanh chóng vươn mình thành trung tâm thiết kế vi mạch của cả nước, TP Đà Nẵng đang cố gắng đón bắt cơ hội trong ngành công nghiệp này, trong đó tập trung phát triển nguồn nhân lực và đề xuất các cơ chế ưu đãi tốt nhất cho địa phương.

Ngày 26/1 vừa qua, UBND TP Đà Nẵng ký kết hợp tác đào tạo vi mạch bán dẫn giữa Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng với Đại học Duy Tân và Công ty Sun Edu, nhắm đến đào tạo mỗi khóa ngắn hạn khoảng 30 sinh viên chất lượng cao về vi mạch bán dẫn.

Dù có sự tham gia đào tạo của nhiều đơn vị nhưng ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó có thiết kế chip cần 10.000 kỹ sư mỗi năm, mới đáp ứng dưới 20%. Hiện nhân lực tại Đà Nẵng đứng thứ 3 cả nước, sau TP.HCM và Hà Nội. Nhưng trong khoảng 5.500 kỹ sư thiết kế chip, Đà Nẵng chỉ chiếm 7%. Rõ ràng, địa phương cần hỗ trợ từ nhiều nguồn về đào tạo nhân lực.

Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo đầu tiên ở Việt Nam vừa được thành lập tại Đà Nẵng. Trước mắt, trung tâm này sẽ phối hợp với tập đoàn Synopsys và Intell tập trung đào tạo giảng viên lĩnh vực thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo trong năm 2024.

Kiến nghị sửa đổi bổ sung Nghị quyết 119 của Quốc hội, Đà Nẵng đề xuất 6 chính sách mới, trong đó có cơ chế tuyển dụng, tiền lương, tiền công, miễn giảm thuế thu nhập trong lĩnh vực bán dẫn vi mạch và trị tuệ nhân tạo.

Hiện Đà Nẵng đã thành lập Tổ công tác và tư vấn liên ngành, xây dựng cơ chế thu hút nhân tài, tính phương án chia sẻ dùng chung giữa các đại học, doanh nghiệp khởi nghiệp về công cụ thiết kế, thiết bị đo kiểm, phòng thí nghiệm giúp tiết kiệm nguồn lực, tối ưu hóa năng lực.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chi tiết!

Nguyễn Hùng - Anh Khoa - Lê Quang

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/da-nang-de-xuat-co-che-ho-tro-linh-vuc-vi-mach-ban-dan-213555.htm