Đà Nẵng đưa Hoàng Sa vào SGK như thế nào?

Những ngày qua, khi lãnh đạo Bộ GD-ĐT thông tin sẽ đưa nội dung các cuộc chiến tranh biên giới, hải đảo vào sách giáo khoa (SGK) lịch sử mới đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận cả nước. Trong khi đó, tại Đà Nẵng, chủ quyền về quần đảo Hoàng Sa đã được đưa vào chương trình giáo dục chính khóa cho gần 100 ngàn học sinh của TP. Xung quanh chủ đề này, P.V Báo Công an TP Đà Nẵng có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Hùng - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, Chủ biên bộ sách Lịch sử Đà Nẵng có nội dung đề cập đầy đặn, khoa học về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa.

Ông Nguyễn Minh Hùng và cuốn sách "Lịch sử Đà Nẵng".

P.V: Ông đánh giá thế nào khi nhiều ý kiến cho rằng Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc chỉ đưa vỏn vẹn 11 dòng trong SGK lịch sử lớp 12 là quá ngắn?

Ông Nguyễn Minh Hùng: Đưa ngắn hay dài không quan trọng mà quan trọng đưa gì vào đó. Tại sao thời Quang Trung huy hoàng là thế, đánh đuổi 29 vạn quân Thanh chỉ đưa một đoạn trong SGK lịch sử nhưng vẫn khơi dậy được niềm tự hào dân tộc, truyền lửa cho biết bao thế hệ? Lịch sử có biết bao nhiêu sự kiện, nếu đòi hỏi phải viết đủ đầy thì SGK lịch sử phải dày cỡ nào?

P.V: Vậy điều gì đưa vào SGK lịch sử theo ông là quan trọng?

Ông Nguyễn Minh Hùng: Người ta yêu lịch sử vì yêu dân tộc, tự hào về dân tộc họ. Nên trước hết phải biết khơi dậy niềm đam mê lịch sử, từ đó mới yêu dân tộc, yêu quê hương rồi mới yêu nghệ thuật, văn hóa. Và để có tình yêu lịch sử nếu chỉ từ chương trình SGK thôi chưa đủ, mà nó còn là cách truyền lửa, khơi dậy ngọn lửa đam mê trong học sinh. Quá trình tiếp nhận lịch sử cả đời chứ không chỉ một giai đoạn trong trường học. Vì vậy, trang bị cho học sinh phương pháp, nhen lên trong học sinh ngọn lửa đam mê lịch sử rất cần thiết. Để từ đó các em tự học, vì tự học là điều quan trọng nhất. Những sách viết về lịch sử rất nhiều, học sinh nếu đam mê có thể tự tìm đọc chứ không chỉ có SGK.

P.V: Sắp tới Bộ GD-ĐT sẽ đưa các cuộc chiến tranh biên giới, biển đảo vào SGK lịch sử, quan điểm của ông thế nào?

Ông Nguyễn Minh Hùng: Những gì thuộc về sự thật lịch sử thì phải được giáo dục cho học sinh biết. Đó cũng là cách giáo dục ý thức tôn trọng lịch sử, tôn trọng sự thật. Chương trình SKG cũng đã hơn 10 năm, việc cần cập nhật, bổ sung là phù hợp.

P.V: Trong khi chờ đợi các sự kiện bảo vệ chủ quyền hải đảo như Hoàng Sa, Trường Sa được đưa vào SGK lịch sử, thì tại Đà Nẵng gần 100 ngàn học sinh đã được học trong chương trình chính khóa về chủ quyền Hoàng Sa. Ông có thể chia sẻ quá trình này?

Ông Nguyễn Minh Hùng: Trong chương trình khung của Bộ cho 11 tiết (7 tiết ở THCS, 4 tiết ở THPT) dạy về lịch sử Đà Nẵng từ khởi thủy đến nay. Chúng tôi đã biên soạn bộ sách 2 cuốn về lịch sử Đà Nẵng do NXB Giáo dục Việt Nam thẩm định, in ấn, phát hành. Trong năm học 2015-2016, bộ sách này được dạy đại trà cho gần 100 ngàn học sinh của Đà Nẵng. Lịch sử Đà Nẵng gần 700 năm qua có nhiều nội dung trong đó có vấn đề chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa, có cuộc chiến đấu oanh liệt của quân dân Việt Nam với các thế lực xâm lược với quần đảo Hoàng Sa.

* "Tháng 1-1974, Trung Quốc đã dùng lực lượng quân sự đánh chiếm các đảo phía Tây, xâm chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa ra tuyên cáo kêu gọi các dân tộc yêu chuộng công lý và hòa bình lên án hành động xâm lược thô bạo của Trung Quốc, buộc Trung Quốc chấm dứt ngay hành động nguy hiểm đó và chính thức yêu cầu Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc xem xét hành động xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa" - trích trang 51 SGK Lịch sử Đà Nẵng.

P.V: Là người chủ biên bộ sách, xin ông cho biết rõ hơn nội dung phần đề cập đến Hoàng Sa?

Ông Nguyễn Minh Hùng: Cuốn Lịch sử Đà Nẵng viết theo chiều dài lịch sử, cấu trúc 4 bài học theo từng giai đoạn, cả 4 bài đều đề cập đến Hoàng Sa với các cứ liệu lịch sử một cách hệ thống, khoa học nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ về chủ quyền biển đảo. Cụ thể, bài 1 - Đà Nẵng từ khởi thủy tới năm 1958, Hoàng sa được thể hiện là vùng đất thiêng liêng của Đại Việt (trích cứ liệu lịch sử); bài 2 - quần đảo Hoàng Sa dưới triều Nguyễn (các chủ trương, quyết sách thực thi chủ quyền); bài 3 - Đà Nẵng trong cuộc vận động giải phóng dân tộc và kháng chiến chống Pháp, Hoàng Sa trong giai đoạn đó được quản lý thế nào?; bài 4 - Hoàng Sa từ 1954 đến nay trong đó có mô tả đầy đủ về Hải chiến Hoàng Sa năm 1974.

P.V: Phản ánh từ khi chủ quyền Hoàng Sa được đưa vào chương trình học chính khóa thế nào thưa ông?

Ông Nguyễn Minh Hùng: Nhìn chung phản ánh tích cực, học sinh cũng như giáo viên dạy lịch sử khi dạy và học về chủ quyền Hoàng Sa khá hào hứng. Ngoài Đà Nẵng thì một số tỉnh, thành phố khác cũng liên hệ với Sở GD-ĐT Đà Nẵng để tham khảo về bộ sách.

P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Hải Quỳnh
(thực hiện)

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/137_144974_da-na-ng-dua-hoa-ng-sa-va-o-sgk-nhu-the-na-o-.aspx