Đà Nẵng: Gần 2 km kênh đổi màu bất thường, kèm hiện tượng cá chết

Chỉ trong một ngày, cả tuyến kênh dài gần 2 km bất ngờ xuất hiện tình trạng cá chết, mặt nước đổi màu bất thường khiến người dân lo lắng.

Clip Dòng kênh đổi màu bất thường vào ngày 18-4

Chiều 18-4, Công ty Thoát nước và xử lý nước thải TP Đà Nẵng cho biết đơn vị đang vào cuộc kiểm tra sau khi tiếp nhận phản ánh từ người dân về việc nguồn nước kênh kéo dài gần 2 km (thuộc khu vực tổ 31, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) bất ngờ đổi màu bất thường, kèm hiện tượng cá chết rải rác.

Cá chết nổi lên kênh

Cá chết nổi lên kênh

Trước đó, vào sáng cùng ngày, nhiều hộ dân sống dọc tuyến kênh thoát nước mưa chạy song song với đường Nguyễn Văn Xuân, Đặng Đức Siêu (tổ 31, phường Hòa Xuân) phát hoảng khi nhìn thấy dòng nước dưới kênh bất ngờ đổi màu xanh, xung quanh có rất nhiều cá rô phi chết và nổi lềnh bềnh gây ô nhiễm. Thấy cá chết, một số người dân đã dùng bao xuống vớt và mang đi đổ để tránh gây ô nhiễm.

Gần 2 km đổi màu bất thường

Ông Phan Văn Thu (ngụ phường Hòa Xuân), bức xúc cho biết khu vực này là kênh có chức năng thoát nước mưa ra 2 hồ điều tiết nằm tại đường Phạm Hùng và Văn Tiến Dũng nhưng hiện đang bị ô nhiễm do nước đổi màu bất thường. Từ sáng đến giờ, cá chết rải rác tiếp tục nổi lênh mặt nước càng khiến người dân lo lắng. Trong khi đó, người dân hiện vẫn chưa thấy một cán bộ môi trường nào xuống kiểm tra, xử lý ô nhiễm.

Theo người dân, khu vực này đang có hàng chục hệ thống đường ống dẫn nước thải từ khu dân cư với hàng ngàn hộ dân đang sinh sống ra khu vực kênh. Nếu tình trạng này không được xử lý sớm, tình trạng cá chết kéo dài sẽ gây ô nhiễm môi trường nặng hơn.

Rác thải bủa vây cả khu vực kênh có màu nước đổi màu bất thường

Ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng cho rằng nguồn nước tại kênh đang đổi màu bất thường có thể là do bị một lượng lớn nước thải chưa qua xử lý được xả lén ra kênh.

Theo ông Mã, đây là kênh thoát nước và nằm ở vùng trũng nên khi nước thải bị xả lén không thoát hết ra hồ điều tiết, gây ô nhiễm. "Biện pháp tạm thời để xử lý ô nhiễm là khơi thông dòng kênh và rải khoáng hóa xuống kênh trong vài ngày đến. Còn về nguồn nước thải gây ô nhiễm từ đâu thì đơn vị chưa thể biết do chưa kiểm tra" – ông Mã thông tin.

V. Quyên

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/da-nang-gan-2-km-kenh-doi-mau-bat-thuong-kem-hien-tuong-ca-chet-20190418191350037.htm