Đà Nẵng: Giáo viên nghỉ việc nhiều, học sinh không được học đủ 2 buổi/ngày

Từ tháng 1/2021 đến tháng 6/2022, Đà Nẵng có 232 cán bộ, giáo viên nghỉ việc, thôi việc cùng với thiếu trường lớp khiến học sinh tiểu học không được học 2 buổi/ngày.

Tại Kỳ họp thứ 10, Khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 HĐND TP Đà Nẵng đang diễn ra, lĩnh vực giáo dục được các đại biểu đặc biệt quan tâm bởi thực tế đang bộc lộ nhiều bất cập, khó khăn khi số lượng giáo viên xin nghỉ việc nhiều, thiếu phòng ốc.

2 năm, 232 cán bộ, giáo viên nghỉ việc

Đại biểu Nguyễn Đình Khánh Vân (Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Đà Nẵng) cho biết, việc triển khai thực hiện đề án “Xây dựng, nâng cấp, mở rộng trường học giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn Đà Nẵng” gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, quỹ đất. Triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 gặp nhiều khó khăn, nhất là sỹ số học sinh/lớp vượt quy định, thiếu phòng học để tổ chức dạy 2 buổi/ngày cho học sinh tiểu học.

Đặc biệt, đại biểu Vân nêu công tác tuyển dụng giáo viên của Đà Nẵng không đủ số lượng theo yêu cầu, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học. Đáng báo động, hiện nay thành phố xuất hiện tình trạng cán bộ, giáo viên nghỉ việc, thôi việc nhiều, gây khó khăn cho hoạt động dạy và học.

Đại biểu HĐND Đà Nẵng nêu thực tế thiếu giáo viên bậc tiểu học tại Đà Nẵng.

Đại biểu HĐND Đà Nẵng nêu thực tế thiếu giáo viên bậc tiểu học tại Đà Nẵng.

Theo báo cáo của UBND thành phố, từ tháng 1/2021 đến tháng 6/2022 có 232 cán bộ, giáo viên nghỉ việc, thôi việc. Số lượng này nhiều tương đương lượng y, bác sỹ xin nghỉ việc”, ông Vân nêu.

Đại biểu Vân đề nghị cần tuyển dụng, bố trí đủ giáo viên nhằm đảm bảo nhu cầu dạy học, nhất là ở bậc mầm non và tiểu học, đồng thời cần thực hiện thí điểm mô hình “trường học tự chủ” tại các cấp học và hoàn thành việc hỗ trợ giáo viên theo Quyết định số 24 của Thủ tướng Chính phủ.

Đại biểu Lê Văn Nghĩa cho hay, nhiều năm qua, lãnh đạo Đà Nẵng và ngành giáo dục thành phố đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế về trường lớp.

Học sinh lớp 5 ngồi cùng loại bàn lớp 1

Nêu ý kiến chất vấn, đại biểu Nguyễn Thành Tiến (tổ đại biểu Hải Châu), Trưởng ban Đô thị HĐND Đà Nẵng cho rằng, qua tiếp xúc cử tri và trực tiếp giám sát cho thấy, hiện hệ thống bàn ghế học sinh ở nhiều trường học trên địa bàn quá cũ. Có bàn ghế tuổi đời gấp 2-3 lần tuổi học sinh, được thiết kế và đầu tư từ thời bao cấp đến nay chưa được thay đổi, không còn phụ hợp với thể chất học sinh.

Học sinh lớp 5 ngồi cùng loại bàn với học sinh lớp 1, học sinh lớp 9 ngồi cùng loại bàn với học sinh lớp 6. Chênh nhau về thể chất mà ngồi cùng loại bàn thì không đảm bảo”, ông Tiến nói.

Đại biểu Tiến nêu thêm hệ thống nhà vệ sinh các trường học cũng xuống cấp nghiêm trọng. “Con tôi đi học không dám đi vệ sinh. Giám đốc Sở GD-ĐT đã trực tiếp đi kiểm tra vấn đề này chưa? Thời gian tới nghiên cứu giải pháp bố trí nguồn lực bổ sung để đầu tư cơ sở vật chất ra sao?”, đại biểu Tiến chất vấn.

Trả lời ý kiến của đại biểu, bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng cho rằng, thành phố xây dựng, nâng cấp mở rộng trường học giai đoạn 2021-2025 với tổng mức đầu tư ban đầu là 4.399 tỷ đồng.

Về việc bố trí bàn ghế học sinh cũng như nhà vệ sinh, bà Thuận cho rằng đây là vấn đề rất nhiều người quan tâm. Thời gian qua, ngành giáo GD-ĐT và UBND các quận, huyện đã rất quan tâm. Tuy nhiên, trong lĩnh vực đầu tư thì cần có giai đoạn, có tiến độ để phân bổ vốn cho phù hợp.

Tôi tiếp thu ý kiến của đại biểu, trong thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với quận, huyện rà soát tất cả các trường học trên địa bàn thành phố, cụ thể là về bàn ghế học sinh tiểu học, THCS để báo cáo lãnh đạo thành phố, từ đó đầu tư nâng cao chất lượng học tập cho học sinh. Còn vấn đề nhà vệ sinh, cuối mỗi năm học, Sở GD-ĐT cùng UBND các quận huyện bố trí các đoàn kiểm tra rà soát cơ sở vật chất để chuẩn bị năm học mới. Trong quá trình sử dụng còn nhiều vấn đề phải làm, do đó tôi xin tiếp thu ý kiến để thời gian tới phối hợp làm tốt hơn”, bà Thuận trả lời.

Về tuyển dụng giáo viên, đại diện ngành GD-ĐT TP Đà Nẵng cho hay, đến thời điểm hiện tại, biên chế tại các đơn vị trường học trên địa bàn thành phố là đảm bảo. Sở GD-ĐT phối hợp với Sở Nội vụ, UBND quận, huyện rà soát, cân bằng lượng giáo viên để đảm bảo các trường dạy đúng quy định.

Thời gian tới, ngành GD-ĐT phối hợp với Sở Nội vụ rà soát, tham mưu lãnh đạo thành phố và các cơ quan liên quan trong việc thuyên chuyển giáo viên ngoại tỉnh, đảm bảo thu hút nguồn nhân lực giáo viên ngoại tỉnh về Đà Nẵng công tác.

Thiếu giáo viên, học sinh tiểu học tại nhiều trường ở Đà Nẵng không được học đủ 2 buổi/ngày.

Kết luận phiên chất vấn, ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cho rằng, nguồn lực của thành phố hiện cũng chưa thực sự “dồi dào”, nhưng nhu cầu của các địa phương lại rất lớn. Tuy nhiên phải xác định quan điểm rõ rằng, phải ưu tiên đầu tư cho giáo dục, trước hết là đầu tư cơ sở vật chất trường lớp.

Đề án từ năm 2020-2025 dự kiến là 8.000 tỷ đồng, nhưng hiện chỉ mới bố trí khoảng gần 2.000 tỷ đồng. Các dự án triển khai trong đề án này cần phải nghiên cứu mức độ đầu tư để ưu tiên giải quyết những điểm trường xuống cấp, ưu tiên đầu tư hệ thống cơ sở trường lớp để giải quyết vấn đề dư luận quan tâm”, ông Triết yêu cầu.

XUÂN TIẾN

Nguồn VTC: https://vtc.vn/da-nang-giao-vien-nghi-viec-nhieu-hoc-sinh-khong-duoc-hoc-du-2-buoi-ngay-ar720708.html