Đà Nẵng khắc phục tình trạng thiếu cơ sở vật chất và giáo viên

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 10, HĐND thành phố Đà Nẵng khóa X diễn ra chiều nay (14/12), nhiều đại biểu HĐND thành phố Đà Nẵng cùng chất vấn về nội dung cơ sở vật chất, trường lớp xuống cấp, chậm sửa chữa. Ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng cũng đưa ra nhiều giải pháp khắc phục tình trạng này.

Đại biểu Lê Kim Anh chất vấn về tiến độ triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng, nâng cấp, mở rộng trường học giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”, đặc biệt là việc sửa chữa các cơ sở trường học xuống cấp chậm. Đại biểu Nguyễn Thanh Phúc nêu tình trạng quá tải sĩ số học sinh do thiếu phòng học ở cấp THCS và Tiểu học trên địa bàn phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu và đề nghị UBND thành phố có kế hoạch giải quyết sớm vấn đề này.

Đà Nẵng khắc phục tình trạng thiếu cơ sở vật chất và giáo viên.

Đại biểu Nguyễn Thành Tiến, Trưởng Ban Đô thị, HĐND thành phố Đà Nẵng quan tâm về tình trạng hệ thống nhà vệ sinh, bàn ghế học sinh nhiều trường học đã quá cũ.

"Vệ sinh trường học chưa được quản lý tốt, ảnh hưởng đến sinh hoạt của các cháu. Đồng chí Giám đốc Sở đã đi kiểm tra về vấn đề này chưa? Đồng chí đề xuất xử lý ra sao? Khi nào hoàn thành?", ông Tiến nói.

Bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng cho biết, năm 2020, UBND thành phố phê duyệt Đề án xây dựng nâng cấp, mở rộng trường học giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng với tổng mức đầu tư 4.400 tỷ đồng. Đến tháng 11/2022, UBND thành phố đã phê duyệt chủ trương đầu tư 86 công trình với tổng mức đầu tư khoảng 1.900 tỷ đồng;

Kỳ họp thứ 10, HĐND thành phố Đà Nẵng khóa X.

Đến nay có 17 công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, 15 công trình đang triển khai, 54 công trình đang thực hiện chuẩn bị đầu tư. Hiện đã qua 2/5 thời gian thực hiện đề án, nhưng hầu hết các công trình đang còn ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Khó khăn lớn nhất khiến đề án chậm triển khai là khả năng cân đối vốn trung hạn.

Các đại biểu HĐND thành phố Đà Nẵng chất vấn về đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Hiện nay, công tác tuyển dụng đội ngũ giáo viên triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với cấp tiểu học tại các quận huyện còn nhiều khó khăn.

Quang cảnh buổi chất vấn.

Theo đại biểu Huỳnh Bá Cử, thành phố chưa tuyển đủ số lượng giáo viên chủ nhiệm theo chỉ tiêu giao hoặc tuyển đủ nhưng khi phân bổ về trường nhận công tác thì không đến trường để nhận nhiệm vụ. Việc tiếp nhận giáo viên tại các tỉnh/thành khác chuyển công tác về Đà Nẵng đòi hỏi các điều kiện khắt khe nên rất ít trường hợp được chuyển về công tác tại thành phố.

Trả lời nội dung này, bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng khẳng định: “Trong thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu lãnh đạo thành phố thuyên chuyển một số giáo viên ngoại tỉnh để đảm bảo thu hút được nguồn nhân lực giáo viên ngoại tỉnh về tham gia công tác. Chúng tôi nhận thấy rằng trong công tác thuyên chuyển, dù là mở rộng chỉ tiêu, tiêu chí để tuyển thì những điều đó phải đảm bảo tính công khai, minh bạch và công bằng giữa các thí sinh. Đây là việc làm lâu dài”.

Bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Đà Nẵng.

Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng đề nghị rà soát tổng thể nhà vệ sinh trường học, thiết bị phòng cháy chữa cháy. Theo ông Triết, về tổng thể số lượng giáo viên không thiếu nhưng lại thiếu cục bộ. Vì vậy, ngành Giáo dục cần rà soát, bố trí giáo viên cho hợp lý.

Ông Lương Nguyễn Minh Triết cho rằng, cơ sở vật chất trường lớp ở Đà Nẵng thiếu là do thiếu quỹ đất, mà theo quy định thì lại không được xây quá 3 tầng nên khó cải tạo sửa chữa.

“Đà Nẵng mà nói nâng cao tỷ lệ trường đạt chuẩn thì không bao giờ đạt được vì thiếu trường, thiếu lớp nhưng không có đất để xây. Những vấn đề này không chỉ của ngành Giáo dục mà các ngành Nội vụ, Xây dựng, Tài chính phải cùng với ngành Giáo dục tháo gỡ. Còn việc quy hoạch chọn địa điểm để xây dựng trường lớp có thể khắc phục được trong quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết hay không cũng cần chú ý. Một vấn đề nữa là vấn đề tự chủ trường học", ông Triết khẳng định./.

Thanh Hà/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/da-nang-khac-phuc-tinh-trang-thieu-co-so-vat-chat-va-giao-vien-post990447.vov