Đà Nẵng: Làm việc với Đoàn công tác Nhật Bản về phân loại chất thải rắn tại nguồn

Trong khuôn khổ Dự án 'Quản lý chất thải rắn nhằm thúc đẩy phân loại và tái chế trên địa bàn thành phố Đà Nẵng', ngày 17/5, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng đã có buổi làm việc với đoàn công tác của TP. Yokohama (Nhật Bản).

Quang cảnh buổi làm việc

Quang cảnh buổi làm việc

Chuyến công tác của đoàn nhằm khảo sát tình hình triển khai Dự án tại 2 quận Hải Châu và Thanh Khê (TP. Đà Nẵng); thảo luận với các đơn vị liên quan về kế hoạch triển khai và tổng kết Dự án trong năm 2019 và cơ hội triển khai giai đoạn tiếp theo để nhân rộng các hoạt động 3R.

Kết quả thực hiện Dự án ở 2 quận Hải Châu và Thanh Khê

Dự án “Quản lý chất thải rắn nhằm thúc đẩy phân loại và tái chế trên địa bàn TP. Đà Nẵng” do JICA tài trợ được phê duyệt theo Quyết định số 389/QĐ-UBND ngày 16/01/2017 của UBND thành phố Đà Nẵng do JICA tài trợ với tổng kinh phí 56 triệu yên Nhật. Dự án được thực hiện tại quận Hải Châu (02 phường Thạch Thang và Thuận Phước) và quận Thanh Khê (02 phường Hòa Khê và Thanh Khê Tây). Dự án nhằm thiết lập hệ thống cơ sở triển khai phân loại rác thải tại nguộ̀n và tái chế trên địa bàn 02 quận Hải Châu và Thanh Khê để đạt mục tiêu đề ra theo Quy hoạch xử lý chất thải rắn TP. Đà Nẵng (đến năm 2020 triển khai phân loại rác tại nguồn tại 02 quận Hải Châu và Thanh Khê).

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, sau khi dự án được triển khai, Sở đã thành lập nhóm chuyên trách dự án tại TP. Đà Nẵng gồm đại diện các sở, ngành, địa phương liên quan. Các thành viên được nâng cao năng lực về quản lý và kỹ thuật thông qua 2 khóa tập huấn, khảo sát tại thành phố Yokohama để học tập kinh nghiệm, xây dựng kế hoạch hành động thúc đẩy 3R phù hợp cho từng phường thí điểm.

Các địa phương đã thành lập các nhóm nòng cốt với sự tham gia của toàn hệ thống chính trị tại khu dân cư (gồm bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận, chi hội phụ nữ, đoàn thanh niên, tổ trưởng tổ dân phố…) để triển khai các hoạt động phân loại; thu gom rác tài nguyên. Số tiền thu được từ bán rác tài nguyên được các nhóm nòng cốt ban điều hành khu dân cư sử dụng cho hoạt động an sinh xã hội tại địa bàn.

Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn trực tiếp cho các hộ gia đình tại các phường thí điểm về công tác phân loại rác thải thông qua các buổi sinh hoạt tổ dân phố, các lễ phát động, ngày hội tái chế cấp phường.

Công cụ phục vụ công tác phân loại rác tại nguồn đã được phân phối: tờ dán hướng dẫn phân loại rác dành cho hộ gia đình; sổ tay tuyên truyền cho cán bộ nòng cốt của khu dân cư; xe thu gom phân loại rác cho các khu dân cư; túi thùng phân loại rác tài nguyên cho hộ gia đình.

Tại quận Hải Châu, sau 01 năm triển khai (2017 - 2018), hầu hết các chỉ tiêu về nhận thức và sự tham gia của người dân đối với hoạt động 3R tại 02 phường tăng. Qua thống kê, tổng số tiền thu được từ việc phân loại và bán rác tài nguyên sau 01 năm triển khai (từ tháng 12/2017 - 11/2018) tại phường Thuận Phước là 191.365.000 đồng; phường Thạch Thang là 88.357.000 đồng.

Các hộ dân thu gom rác tài nguyên

Rút kinh nghiệm từ việc triển khai thí điểm tại 02 phường Thạch Thang và Thuận Phước, năm 2018 quận Hải Châu đã tổ chức nhân rộng mô hình phân loại rác tài nguyên tại 13 phường thuộc quận (đưa làm 01 trong 03 nhiệm vụ trọng tâm năm 2018 của mỗi phường).

Tại quận Thanh Khê, chỉ mới triển khai từ tháng 12/2018 nhưng cũng đã đạt được hiệu quả cao. Quận đã tổ chức tập huấn cho các gần 500 cán bộ phường và nhóm nòng cốt thực hiện Dự án; phường Thanh Khê Tây đặt làm 1.200 thùng sơn tái chế cho các hộ dân và vận động 2.500 hộ dân tự trang bị thùng rác tài nguyên; phường Hòa Khê cấp phát 6 triệu 500 túi đựng rác cho các hộ dân và 10 xe thu gom rác cho 10 nhóm nòng cốt. Đến nay quận Thanh Khê thu được 16.657. 000. đồng từ việc bán rác tài nguyên

Triển khai giai đoạn tiếp theo của Dự án

Tại buổi làm việc, các bên đã bàn về vấn đề mở trung tâm thu gom rác tài nguyên để tiến hành tái chế. Theo đó, hiện nay, tại Đà Nẵng chỉ mới có các cơ sở thu mua phế liệu chứ chưa có công ty tái chế rác thải, các đơn vị thu mua xong phải vận chuyển đến Sài Gòn hoặc Hà Nội nhập cho các công ty tái chế. Trong giai đoạn tiếp theo, việc mở một hoặc 2 trung tâm thu gom các dòng rác thải tái chế là điều cần thiết để rác thải được thu gom tập trung một cách triệt để.

Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị JICA nghiên cứu viện trợ Dự án hỗ trợ thiết bị và kỹ thuật để xây dựng mô hình kinh doanh thu gom, phân loại rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa: huy động sự tham gia từ các đơn vị tư nhân (cơ sở thu mua phế liệu, cơ sở tái chế hộ gia đình…) hợp tác với doanh nghiệp của Nhật Bản để thúc đẩy việc thu gom, phân loại và tái chế rác thải trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Đề nghị Thành phố Yokohama cùng Đà Nẵng nghiên cứu, xây dựng khung hợp tác/biên bản ghi nhớ để xúc tiến, hỗ trợ các dự án đầu tư, liên kết, hợp tác: trong lĩnh vực tái chế, xử lý chất thải rắn giữa các doanh nghiệp TP Yokohama và Đà Nẵng. Nhất là về quy trình thu gom xử lý chất thải nguy hại tái chế nhựa, tái chế chất thải hữu cơ, xử lý phân bùn bể phốt… (Có thể hoàn thành và ký tại Diễn đàn Phát triển Đô thị tháng 8/2019)…

Đề nghị Thành phố Yokohama hỗ trợ về truyền thông và giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa và hỗ trợ kỹ thuật, tham vấn các vấn đề môi trường khác cho thành phố (quản lý môi trường tổng hợp, quản lý nước thải, môi trường không khí…).

Được biết, trong 2 ngày tiếp theo (17 và 18/5) đoàn công tác của TP. Yokohama sẽ tham quan, khảo sát thực tế tại các phường ở 2 quận Hải Châu và Thanh Khê về kết quả triển khai các hoạt động của Dự án trong thời gian vừa qua.

Yến Nhi

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/moi-truong/da-nang-lam-viec-voi-doan-cong-tac-nhat-ban-ve-phan-loai-chat-thai-ran-tai-nguon-1269368.html