Đà Nẵng lần đầu tiên thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc tự thân

Ngày 10/4, TS.BS Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng thông tin Bệnh viện Đà Nẵng lần đầu tiên thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc tự thân bệnh nhân đa u tủy xương phức tạp.

Trước đó, Bệnh viện Đà Nẵng tiếp nhận bệnh nhân Lê Thị C (57 tuổi, trú huyện Quế Sơn, Quảng Nam) trong tình trạng thiếu máu kéo dài, đau xương nhiều. Bệnh nhân được cắt bỏ khối u vùng lưng, qua xét nghiệm sinh thiết khối u có chẩn đoán đa u tủy xương giai đoạn 3 nên chuyển khoa Nội thần kinh - Cơ xương khớp - Huyết học lâm sàng, được chỉ định điều trị hóa chất và ghép tủy bằng phương pháp ghép tế bào gốc tự thân cho người bệnh.

Bệnh nhân Lê Thị C đã phục hồi hoàn toàn sau ca ghép tủy tự thân thành công.

Bệnh nhân Lê Thị C đã phục hồi hoàn toàn sau ca ghép tủy tự thân thành công.

Toàn bộ ê kíp thực hiện ca ghép tế bào gốc tự thân đầu tiên tại Bệnh viện Đà Nẵng.

Ngay sau đó, bệnh viện Đà Nẵng đã thực hiện hội chẩn liên chuyên khoa và hội chẩn ngoại viện với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương; đánh giá, lên kế hoạch ghép tủy bằng phương pháp ghép tế bào gốc tự thân cho người bệnh. Bệnh nhân được điều trị 4-5 đợt hóa chất, chuyển khu ghép tủy cách ly vô trùng tuyệt đối với phòng áp lực dương. Sau đó được gạn tách tế bào gốc và truyền lại vào lại cơ thể bằng đường truyền tĩnh mạch...

Theo TS.BS Trần Thị Thanh Hương, khoa Nội Thần kinh - Cơ xương khớp - Huyết học lâm sàng, người trực tiếp thực hiện ca ghép tủy, sau ca ghép tủy thực hiện thành công, hiện tại, tình trạng bệnh nhân đã ổn định, ăn uống đi lại bình thường.

Ghép tế bào gốc tạo máu tự thân là phương pháp lấy tế bào gốc của chính người bệnh ghép lại cho người bệnh. Các tế bào gốc hỗ trợ và giúp phục hồi nhanh chóng hệ thống sinh máu của người bệnh sau hóa trị liệu liều cao, nhằm phòng tránh những biến chứng đe dọa tính mạng.

Ghép tế bào gốc tạo máu tự thân được chỉ định điều trị cho các bệnh bạch cầu, hội chứng tăng sinh tủy, bệnh đa u tủy, bệnh bạch cầu, bệnh Hodgkin, ung thư tinh hoàn… Riêng đối với bệnh nhân C khó khăn được đặt ra là sự giảm miễn dịch, nhiễm siêu vi làm máu giảm liên tục không hồi phục, phải theo dõi điều trị sát sao một thời gian dài để máu phục hồi rồi mới thực hiện ghép.

Được biết, tại bệnh viện Đà Nẵng, mỗi năm có khoảng 30 bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị đa u tủy xương.

Hoài Thu

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/y-te/da-nang-lan-dau-tien-thuc-hien-thanh-cong-ca-ghep-te-bao-goc-tu-than-i689581/