Đà Nẵng lên tiếng về việc suối Lương khô cạn, trơ đáy

Lãnh đạo Sở TN&MT Đà Nẵng nói về bốn nguyên nhân chính khiến suối Lương khô cạn và các giải pháp khôi phục dòng suối.

Chiều 17-5, UBND TP Đà Nẵng tổ chức Hội nghị trực tuyến cung cấp thông tin báo chí tháng 5-2024.

Phó Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng Nguyễn Hồng An đã có những thông tin liên quan đến việc suối Lương khô cạn.

 Suối Lương khô cạn, trơ đáy. Ảnh: TẤN VIỆT

Suối Lương khô cạn, trơ đáy. Ảnh: TẤN VIỆT

Theo ông An, có bốn nguyên nhân chính khiến suối Lương khô cạn. Thứ nhất là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến lượng mưa từ đầu năm đến nay tại Đà Nẵng rất thấp.

Số liệu ghi nhận tại trạm quan trắc suối Lương cho thấy lượng mưa từ tháng 1 đến tháng 4-2024 thấp hơn cùng kỳ năm 2023 từ 1,43 đến 14 lần.

Nguyên nhân thứ hai là thượng lưu suối Lương có nhiều đoạn sạt lở, bồi lấp đất đá gây cản trở dòng chảy. Nguyên nhân thứ ba là ở hạ lưu, việc xây dựng ao hồ phục vụ du lịch cũng làm thu hẹp, cản trở dòng chảy.

Nguyên nhân thứ tư là do các hộ trồng rừng thu hoạch keo lá tràm với quy trình chưa phù hợp. Việc khai thác đồng loạt và chậm trồng rừng lại làm mất tác dụng duy trì mạch nước ngầm.

Ông An cho hay, trước mắt, cơ quan chức năng triển khai nạo vét đất đá tại suối Lương để khơi thông dòng chảy để tránh tình trạng suối Lương khô cạn. Đồng thời rà soát, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về công tác quản lý tài nguyên nước, cát sỏi lòng sông.

 Cơ quan chức năng đã tháo dỡ nhiều hạng mục xây dựng vi phạm tại suối Lương. Ảnh: TẤN VIỆT

Cơ quan chức năng đã tháo dỡ nhiều hạng mục xây dựng vi phạm tại suối Lương. Ảnh: TẤN VIỆT

Đà Nẵng đã ban hành Chỉ thị 05/2023 giao UBND các quận/huyện rà soát, tổ chức thực hiện các vấn đề liên quan.

Đến ngày 13-4 vừa qua, UBND TP Đà Nẵng có công văn đôn đốc thực hiện Chỉ thị 05 và yêu cầu tổ chức kiểm tra thực tế, chỉ đạo xử lý nghiêm, nhanh chóng đối với các hành vi vi phạm về tài nguyên nước, đặc biệt là các hành vi làm sạt lở bờ bãi sông.

Cơ quan chức năng buộc tháo dỡ các công trình, di dời các vật dụng trên phần diện tích lấn sông. Trường hợp vi phạm đã bị lập biên bản mà sau đó cá nhân, tổ chức vẫn tiếp tục vi phạm thì ra quyết định cưỡng chế.

Ngành nông nghiệp TP có giải pháp thay thế các cây keo lá tràm bằng loại cây khác phù hợp trong việc điều hòa khí hậu, giữ ẩm cho đất, tăng khả năng tái tạo mặt nước ngầm, giảm xói mòn đất, chống sạt lở.

Về lâu dài, UBND TP Đà Nẵng đã phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu sinh thái phía Tây khu vực phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu). Theo đó, dự án có tuyến thoát nước chính suối Lương nằm trong nhóm các hạng mục ưu tiên đầu tư. Việc triển khai phương án này sẽ cải thiện được vấn đề thất thoát nước tại suối Lương.

“Đồng thời tiến hành rà soát tổng thể, lập phương án đề xuất phê duyệt về quy mô dịch vụ du lịch sinh thái cộng đồng ở khu vực xung quanh suối Lương.

TP phải lập lại trật tự, có giải pháp đánh giá ổn định về mặt quy hoạch theo quy hoạch tổng thể của TP đã được phê duyệt”, ông An cho hay.

Tấn Việt

Nguồn PLO: https://plo.vn/da-nang-len-tieng-ve-viec-suoi-luong-kho-can-tro-day-post791122.html