Đà Nẵng, mọi hy vọng vẫn còn đó

Gần đây, Đà Nẵng như một hiện tượng nổi bật khu vực và cả nước về hình mẫu một đô thị hiện đại, có tốc độ phát triển kinh tế, xã hội cao. Đà Nẵng còn có môi trường tư hấp dẫn, là TP đáng sống. Trong một thời gian ngắn, đô thị này đã hoàn toàn 'thay áo mới'. Chỉ hơn 10 năm - từ 2000 - 2013, Đà Nẵng đã xây mới 10 cây cầu qua sông Hàn. Từ một TP cấp 3 chật hẹp, đã mở rộng đến 21.300ha, tăng gần gấp 4 lần so với năm 1997. Từ chỗ chỉ có 360 đường phố cũ, nhỏ, thì nay Đà Nẵng đã có hơn 2.000 con đường hiện đại. Thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 30 lần so với thời điểm 1997... Thế nhưng, hệ lụy của sự phát triển nóng, đô thị hóa đột ngột đã bắt đầu bộc lộ, đang thành trở lực xấu.

Một góc Đà Nẵng. Ảnh: Hải Sơn

Chậm hơn và dừng lại

Tạm dừng các dự án để thanh tra. Đình chỉ xây dựng để rà soát, điều chỉnh quy hoạch. Thu hồi đất để trả lại không gian công cộng... Đó là những khẩu lệnh liên tục được đưa ra từ Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và tân Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa đối với các dự án phát triển đô thị, bất động sản du lịch tại Đà Nẵng từ 2 năm nay. Thanh tra chồng lấn điều tra. Sai phạm nối tiếp lộ diện từ các dự án đất vàng nội đô, nhà công sản cho đến các đại dự án ven biển, trên núi Sơn Trà. Hàng chục công trình xây dựng trái phép hoặc vi phạm bị phát hiện, đình chỉ. Hàng chục cán bộ lãnh đạo cấp cao của TP này bị kỷ luật, bị cách chức. Tất cả những động thái đó đã khiến một Đà Nẵng năng động trở thành ngưng trệ, chậm và gần như dừng lại sự phát triển lẫn danh giá của mình.

Trong khi đó, người dân rầm rộ phản ứng cả trên mạng xã hội lẫn thực địa. Tụ tập đông người để đòi các nhà đầu tư “trả lại đường xuống biển”; ngăn chặn “không cho băm nát Sơn Trà làm du lịch”; phản đối đòi “di dời các nhà máy thép gây ô nhiễm”... và đang nóng nhất là hành động “tấn công”, lật đổ các bờ rào khu dự án Lancaster Nam O Resort do Cty CP Trung Thủy đầu tư của người dân làng chài cổ Nam Ô, quận Liên Chiểu. Những biểu hiện mất trị an, đi ngược lại xu thế phát triển nhưng lại được lãnh đạo chính quyền đương nhiệm ủng hộ, bởi những đòi hỏi của dân rất chính đáng.

Đà Nẵng đang rối bởi lãnh đạo các sở ngành, địa phương, cán bộ chủ chốt các đơn vị liên tục phải bận rộn sao lục hồ sơ, giải trình, khai báo với cơ quan thanh tra Chính phủ, cơ quan điều tra của Bộ Công an. Phần khác phải giải quyết tạm các điểm nóng môi trường, phản ứng tại dự án đô thị, bất động sản để an dân. Đồng thời phải đối mặt với những vướng mắc về cơ sở pháp lý khi thu hồi dự án, đình chỉ xây dựng, điều chỉnh quy hoạch hoặc đóng cửa nhà máy. Bởi phần lớn các dự án đều đã được giao đất, bán đứt đất cho nhà đầu tư hoặc chấp thuận quy hoạch, kiến trúc cho các dự án từ hơn 10 năm trước. Một bức tranh màu tối đang bao trùm Đà Nẵng, những sai lầm trong quy hoạch, trong chính sách “xé rào”, đổi đất lấy hạ tầng, phát triển nóng đã dần bộc lộ rõ. Song, nghịch lý là vẫn chưa làm rõ được trách nhiệm người đứng đầu của những chủ trương sai lầm, gây hệ lụy xã hội nặng nề này.

Chiếc bánh đô thị

Một trong những nét thú vị của tính cách con người là xu thế hướng đến những gì mình không có. Ở xứ lạnh thì thích miền nhiệt đới. Dân xứ nóng thì ước muốn được trải nghiệm trong tuyết rơi. Các cô da trắng tự nhiên thì lại lặn lội đến biển nhiệt đới để được cháy nám, trong khi chị em da vàng thì trùm kín như ninja để có được làn da trắng... Nhưng nếu chỉ là thị hiếu, là sở thích cá nhân thì không có việc gì bàn cãi. Đáng nói là “xu thế hướng đến những gì mình không có” lại trở thành một trào lưu, mục tiêu mà cả địa phương bất chấp tìm đến thì di hại khôn lường.

Với các tỉnh thành miền Trung, trong đó có Đà Nẵng, đã có một thời “chạy đua” kêu gọi đầu tư, xin dự án trung ương để tất cả đều có cảng biển nước sâu, có nhà máy xi măng lò đứng, sân bay... để rồi cạnh tranh manh mún, chết yểu. Những năm gần đây là đồng loạt kêu gọi đầu tư các dự án resort, khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng ven biển, mở rộng phát triển đô thị mới. Để rồi, ào ạt di dời dân, giao đất cho doanh nghiệp, phá nát sinh cảnh sống, biến đổi nghề nghiệp, tập quán sinh hoạt, thậm chí hủy họa cả các công trình văn hóa, làng nghề truyền thống, di tích lịch sử. Bây giờ, những hệ lụy của phát triển nóng bắt đầu đổ vỡ như thất nghiệp, tệ nạn, ô nhiễm, tắc nghẽn giao thông và quá tải các dịch vụ xã hội. Vì thiếu khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp ven biển mà nhiều địa danh lịch sử, công trình văn hóa, làng nghề truyền thống của người dân bị giải tỏa để nhường đất cho dự án. Những tưởng du khách sẽ tăng cao nhờ xây dựng được nhiều cơ sở lưu trú. Nhưng thực tế, du lịch để trải nghiệm, để khám phá, tìm hiểu văn hóa mới là xu hướng của cả du khách quốc tế lẫn người dân trong nước. Quan trọng hơn, giữ được sinh cảnh truyền thống, bản sắc văn hóa và đảm bảo ổn định đời sống, thu nhập của người dân mới chính là cách phát triển bền vững.

Phải thừa nhận rằng, những dự án bất động sản, du lịch đã làm thay đổi nhanh chóng bộ mặt đô thị, tạo ra đột phá kinh tế, nhưng tại Đà Nẵng, có quá nhiều dự án đụng chạm đến các công trình văn hóa, di tích và xâm hại nghiêm trọng đến môi trường.

KTS Vũ Quang Hùng, GĐ Sở Xây dựng Đà Nẵng đưa ra một so sánh rất trực quan, nếu diện tích đô thị là một cái đĩa, mật độ dân số và nhu cầu hạ tầng là một kilogam bột, thì diện mạo “chiếc bánh đô thị” như thế nào đều phụ thuộc vào quy hoạch. Nếu làm 1 cái bánh chưng, thì diện tích chiếc đĩa bị chiếm gần hết. Còn làm đòn bánh tét, thì người dân phải chấp nhận ở trong các tòa tháp cao tầng. Cao ốc tiết kiệm được diện tích, điều đó các nước Singapore, Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc... đã chứng minh. Nhưng nghịch lý là khi Đà Nẵng càng nhiều nhà cao tầng thì TP càng chật, tắc nghẽn. Bởi vậy, vấn đề là diện tích trống còn lại trên chiếc đĩa đô thị đó là để trồng cây xanh, xây trường học, làm giao thông, mở các dịch vụ công cộng, hay giao cho nhà đầu tư bao chiếm, kinh doanh.

Cùng quan điểm này, ông Hồ Duy Diệm, một chuyên gia về quy hoạch, xây dựng cũng cho biết cần phải đảm bảo bán kính phục vụ cho nhân dân. Tức ngoài việc đủ diện tích bình quân đầu người về cây xanh, giao thông, tiện ích công cộng theo tiêu chuẩn, thì quy hoạch đô thị cần phải bố trí đủ các dịch vụ về y tế, giáo dục, thương mại... trong bán kính hẹp thì mới giải quyết được vấn nạn quá tải đô thị. Nhưng hầu hết các khu đô thị mới của Đà Nẵng đều năm lần bảy lượt bị điều chỉnh theo hướng có lợi cho nhà đầu tư. Bóp nhỏ hoặc bỏ hẳn diện tích công cộng, dịch vụ công nên mới ngột ngạt. Lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo, hoặc tiêu cực mà các nhà đầu tư đã “làm bánh vẽ” tại các dự án để sang nhượng kiếm lời, hoặc phân lô bán vụn đến từng mét đất.

Không được làm tổn thương TP

Dù xảy ra nhiều biến động như kể trên, nhưng năm 2017, Đà Nẵng vẫn vượt kế hoạch về chỉ tiêu kinh tế - xã hội cao nhất trong 5 năm qua. Đặc biệt TP còn góp phần tổ chức thành công sự kiện Tuần lễ cấp cao APEC. Điều đó cho thấy đô thị này vẫn còn nhiều tiềm năng, dư địa để phát triển.

Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng ông Huỳnh Đức Thơ cho biết, năm 2018, Đà Nẵng lựa chọn chủ đề đẩy mạnh thu hút đầu tư. Ngay từ những ngày đầu năm, TP đã tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, tìm kiếm các dự án tiềm năng. Đặc biệt ưu tiên nguồn lực, cơ chế cho doanh nghiệp. Tiếp tục kết nối với các tập đoàn, doanh nghiệp đã cam kết đầu tư trong các hoạt động tại Tuần lễ cấp cao APEC và Diễn đàn Đầu tư 2017. Tạo xung lực mới cho kinh tế xã hội TP trong thời gian tới. Đà Nẵng cũng xác định rõ việc thay đổi cách tiếp cận nhà đầu tư, chuyển sang thu hút đầu tư có chọn lọc để phục vụ định hướng phát triển ngành du lịch - dịch vụ, công nghệ cao - vốn là ngành công nghiệp “không khói” nhằm phát triển bền vững và đảm bảo môi trường sống cho TP. Đà Nẵng. Ngoài mục tiêu tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, có tính cạnh tranh cao, năm 2018, TP. Đà Nẵng tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng rút ngắn khoảng 25% các thủ tục liên quan đến quy trình đấu thầu có sử dụng đất hay các thủ tục hành chính đối với từng lĩnh vực cho nhà đầu tư.

Ông Thơ thừa nhận, việc đầu tư quá nhanh, tăng trưởng du lịch cao đang tạo ra áp lực rất lớn cho hạ tầng đô thị. Thiếu nước sinh hoạt, tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường, xây dựng khi chưa đầy đủ hồ sơ thủ tục pháp lý, thậm chí trái phép phát sinh nhiều... Nhìn thấy sai thì phải sửa. Góp ý để cùng nhau đưa Đà Nẵng giữ vững ngôi vị hàng đầu của khu vực, phát triển thành đô thị môi trường, thân thiện và đáng sống. Nhất định không ai được làm tổn thương thành phố này - ông Thơ khẳng định. Hiện Đà Nẵng triển khai đồng loạt nhiều kế hoạch trong đó đặc biệt là lập quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2025, tầm nhìn 2030 gắn với quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông....

Đây là giai đoạn thật sự khó khăn và đầy thách thức của Đà Nẵng, những du khách, nhà đầu tư vẫn ồ ạt đổ về. Giá bất động sản tăng từng ngày. Nên mọi hy vọng vẫn còn đó!

thanh hải

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/da-nang-moi-hy-vong-van-con-do-598461.ldo