Đà Nẵng: Nếu nhà máy nước vận hành sai phải xử lý nghiêm

Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng – ông Huỳnh Đức Thơ đối với các cơ quan chức năng trước tình hình thiếu nước sinh hoạt khiến người dân khổ sở nhiều ngày qua.

Chỉ là yêu sách?
Ngay giữa mùa mưa nhưng Đà Nẵng lại thiếu nước sinh hoạt thì đúng là nghịch lý. Giải thích về “nghịch lý” này, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu nước sạch như hiện nay là do nguồn nước thô tại sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn. Đây là nguồn nước chính cho Nhà máy nước Cầu Đỏ và Nhà máy nước Sân Bay.

Ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.

Theo số liệu của Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco), từ ngày 31/10/2018 đến ngày 7/11/2018, độ mặn dao động từ 372mg/l đến 4.374mg/l và là mức cao nhất tính từ đầu năm 2018, do vậy trạm bơm phòng mặn An Trạch phải vận hành 24/24 giờ.
Trả lời báo chí, ông Hồ Hương - Tổng giám đốc Dawaco, cho rằng do lượng nước bơm về từ An Trạch chỉ đủ sản xuất ra lượng nước khoảng 220.000m3/ngày, trong khi nhu cầu thực dùng của toàn thành phố là khoảng 270.000m3/ngày nên áp lực nước trong đường ống không đủ. Điều này dẫn đến nhiều khu vực trên đại bàn Đà Nẵng bị hụt nước.
Có điều, hồ sơ mà Dawaco trình lên Bộ Tài nguyên và môi trường để đề nghị cấp giấy phép khai thác sử dụng nước mặt (và đã được cấp phép ngày 5-7-2018) thì hoàn toàn khác. Theo đó, tại đập An Trạch có 6 máy bơm với tổng công suất hơn 300.000m3/ngày (trong đó 3 máy bơm có công suất 2.700m3/máy/giờ và 3 máy có công suất 1.650m3/máy/giờ). Tức là, tổng công suất nước mà các máy bơm về đã vượt xa khả năng tiêu thụ của dân toàn TP Đà Nẵng đến 30.000 m3/ngày. Đó là chưa cộng thêm công suất của một số nhà máy nước nhỏ khác trong thành phố.
Qua tìm hiểu, từ ngày xảy ra tình trạng nước nhiễm mặn tại Cầu Đỏ (cửa thu nước chính để vận hành các nhà máy nước ở Đà Nẵng), mực nước tại đập ngăn mặn An Trạch chưa bao giờ thấp hơn 1,4m, mức tối thiểu để vận hành máy bơm.
Vì thế, có ý kiến cho rằng Dawaco dùng người dân để đòi yêu sách với chính quyền thành phố, thậm chí cố tình vận hành sai qui trình, dẫn đến bơm thiếu nước gây bức xúc trong dư luận.
Dân thiếu nước, dự án thì “treo”
Điều đáng nói, trong khi nguồn nước sinh hoạt khan hiếm, gây đảo lộn cuộc sống người dân thì Nhà máy nước Hòa Liên với công suất 120.000m3/ngày đêm vẫn “treo” hết năm này qua năm khác.

Nhà máy nước Cầu Đỏ được cho là thiếu nước thô vì nước sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn.

Trước đây, TP Đà Nẵng giao Dawaco làm chủ đầu tư Dự án Nhà máy nước Hòa Liên. Sau nhiều năm chuẩn bị, Dawaco đã hoàn thành công tác đánh giá tác động môi trường dự án và đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt ngày 8/6/2018. UBND TP Đà Nẵng cũng đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tỷ lệ 1/500 Nhà máy nước Hòa Liên. Dawaco đã hoàn thành hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi và thiết kế cơ sở; hoàn thành thẩm tra các công trình phụ trợ thuộc dự án, bao gồm đập dâng, trạm bơm nước thô, tuyến ống nước thô; đang triển khai công tác lập quy hoạch chi tiết các công trình phụ trợ.
Tuy nhiên đến nay, qua nhiều cuộc họp, lãnh đạo TP Đà Nẵng vẫn chưa quyết định chính thức về hình thức đầu tư Nhà máy nước Hòa Liên là sử dụng vốn tự có và vốn vay của Dawaco hay triển khai hình thức BOT (theo phương án nhà đầu tư là liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng Thăng Long TJC - Tổng công ty Cổ phần Vinaconex - Công ty Cổ phần nước sạch Hà Nam đề xuất).
Theo lãnh đạo Dawaco, nếu tiếp tục triển khai theo hướng sử dụng vốn tự có và vốn vay của công ty thì dự kiến dự án bắt đầu triển khai thi công từ tháng 5/2019, bàn giao vận hành trong tháng 10/2020. Dự án có tổng thời gian thực hiện là 23 tháng, tổng mức đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng. Trong khi đó, nếu triển khai hình thức BOT thì thời gian tối thiểu cần thiết để triển khai dự án là hơn 30 tháng, tức là phải đến quý II - 2022 mới có thể hoàn thành. Phương án này chưa xác định sơ bộ tổng mức đầu tư.
Phải xử lý nghiêm, nếu sai!
Tại cuộc họp ngày 9/11, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - ông Huỳnh Đức Thơ yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm tra quy trình vận hành của nhà máy cấp nước và báo cáo đầy đủ việc thiếu nước sinh hoạt, nhiễm mặn khiến cuộc sống người dân bị ảnh hưởng nhiều ngày qua. Nếu nhà máy cấp nước vận hành không đúng dẫn đến lệch lạc, bơm không đủ nước phải xử lý nghiêm.
“Yêu cầu Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường và Sở Xây dựng báo cáo vấn đề này, xuống kiểm tra thực tế tình hình, kiểm tra quy trình vận hành, kiểm tra đầy đủ các thông số kỹ thuật và các biện pháp. Nếu nhà máy vận hành không đúng theo quy định, lệch lạc dẫn đến bơm không đủ nước là phải xử lý. Vì đây là vấn đề an ninh nguồn nước, cần hết sức nghiêm ngặt”, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ chỉ đạo.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu Sở Xây dựng khẩn trương triển khai đầu tư xây dựng nhà máy nước mới. Trong khi chưa xây dựng được nhà máy nước mới, cơ quan chuyên môn phải nghiên cứu những giải pháp phù hợp để bảo đảm sự vận hành, đầu tư mở rộng công suất nhà máy hiện tại nhằm cung cấp đủ nước sinh hoạt cho thành phố.

Khánh Quang

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/da-nang-neu-nha-may-nuoc-van-hanh-sai-phai-xu-ly-nghiem-329483.html