Đà Nẵng: Nguy cơ ùn tắc giao thông nghiêm trọng

Ngày 11/7, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 7, HĐND TP Đà Nẵng khóa IX, các đại biểu tiếp tục với phiên thảo luận liên quan đến quản lý đô thị, trật tự giao thông.

Toàn cảnh Kỳ họp thứ 7, HĐND TP Đà Nẵng khóa IX.

Tại cuộc họp, ông Tô Văn Hùng - Trưởng ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng cho rằng, bất cập của Đà Nẵng hiện nay là không ưu tiên đất cho hạ tầng, sử dụng mô hình đô thị phân tán, dàn trải, sử dụng đất đai kém hiệu quả… Không chỉ vậy, sơ đồ giao thông TP theo hình bàn cờ, hầu hết là phố không có đường; đất đai kiểu hỗn hợp, lộn xộn đang đẩy đô thị Đà Nẵng vào những nguy cơ khó khắc phục.

Cũng theo ông Tô Văn Hùng, giao thông của Đà Nẵng chủ yếu là giao thông đường bộ với sở hữu 918km đường bộ, nhưng có đến 2.700 nút giao thông và chủ yếu là nút đồng mức. Theo thống kê, tốc độ di chuyển giờ cao điểm dưới 17km/giờ; xe buýt có 14 tuyến, chỉ đáp ứng 2% nhu cầu đi lại; bãi đỗ xe chỉ đáp ứng 2,6% yêu cầu... Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng ô tô trung bình trên 11%, xe máy trên 7%.

Mỗi tháng Đà Nẵng tăng hơn 1.200 ô tô, mức sở hữu bình quân 1,2 xe/người dân và dự báo sẽ tăng trong thời gian tới điều này khiến Đà Nẵng đang đối mặt với nguy cơ ùn tắc giao thông nghiêm trọng.
“Toàn TP có hơn 945.00 phương tiện giao thông cơ giới các loại, Trong đó, ô tô gần 74.000 chiếc, mô tô hơn 865.000 xe, xe máy điện hơn 6.600 xe, trong khi đó dân số TP hiện có 1,04 triệu dân. Theo tính toán, mỗi ngày có trên 50 xe ô tô đăng ký mới, mỗi tháng Đà Nẵng có hơn 1.200 xe ô tô. Đến năm 2020, Đà Nẵng sẽ có 120.000 xe ô tô, 1,2 triệu phương tiện giao thông cá nhân. Và với tốc độ đó, Đà Nẵng sẽ thiếu 450ha đất giao thông. Nếu chúng ta tiếp tục đầu tư bãi giữ xe như hiện nay thì cần đến 35.000 tỷ đồng. Không thể tiếp tục tư duy lạc hậu để giải quyết giao thông đô thị trong vòng lẩn quẩn nhiều xe - tắc đường - thêm đường - thêm xe - tắc đường”, đại biểu Tô Văn Hùng nhấn mạnh.

Trưởng ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng Tô Văn Hùng

Cũng theo ông Tô Văn Hùng, để giải quyết tốt vấn đề giao thông cần đưa hệ thống giao thông công cộng trở thành lựa chọn của người dân; quản lý được nhu cầu đi lại của người dân trong đi lại và sở hữu phương tiện… TP cần hạn chế phương tiện giao thông cá nhân theo nguyên tắc “Không cấm sở hữu phương tiện nhưng hạn chế sử dụng. “Theo đó, cần khoanh vùng cấm và lộ trình cấm xe máy; sở hữu ô tô có điều kiện; thu phí chống ùn tắc; chấm dứt tình trạng đậu, đỗ xe dưới lòng đường. TP cần giới hạn số lượng ô tô đăng ký lưu hành, chính sách cấp quota mua xe ô tô”, đại biểu Tô Văn Hùng kiến nghị.

Ghi nhận ý kiến của đại biểu, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Nguyễn Nho Trung bày tỏ: “Hiện Đà Nẵng có 1 triệu dân thì cũng có đến cả 1 triệu xe máy. Có xây dựng hạ tầng bao nhiêu mà phương tiện tăng quá nhanh thì không có cách gì đáp ứng kịp. TP đã đầu tư rất nhiều cho xe buýt, nhưng hiệu quả sử dụng ra sao. Nên các đại biểu cần thảo luận kỹ vấn đề này để có quyết sách trong năm 2018”.

Cũng theo ông Nguyễn Nho Trung để giải quyết bài toán giao thông, Đà Nẵng cần xây dựng các tuyến buýt phù hợp và thuận tiện để người dân đi lại: “Lòng lề đường xe ô tô đậu hết, xe buýt vào rất khó khăn. Xe đậu 2 bên thì đường 7,5m không còn đường đi. Xe đậu lòng đường nhiều nhưng bãi đỗ xe chưa đồng bộ, người dân và cử tri cũng chưa quen. Thói quen đi xe buýt chưa có. Nên đề nghị ngành GTVT tham khảo ý kiến người dân sao các tuyến phù hợp, thuận lợi; chấn chỉnh sử dụng lòng lề đường. Tôi đề nghị làm nhanh và nghiêm túc. Bãi đỗ xe phải quy hoạch lại và đầu tư”, ông Nguyễn Nho Trung nói.

Mai Hồ

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/da-nang-nguy-co-un-tac-giao-thong-nghiem-trong-320611.html