Đà Nẵng ở đâu trong 'Sáng kiến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương' của Nhật Bản?

TS Hoàng Oanh (Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao): 'Đà Nẵng hiện đang là một trọng điểm trong sáng kiến kết nối khu vực của Nhật Bản, cần phải tận dụng được cơ hội lớn này!'

Ngày 31/8, UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức hội thảo khoa học “Đà Nẵng chống liên quân Pháp – Tây Ban Nha (1858 – 1860): Quá khứ và hiện tại” nhân kỷ niệm 160 năm ngày Đà Nẵng kháng Pháp (1858 – 2018). Hội thảo đã thu hút rất nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu nổi tiếng trong và ngoài nước tham dự,

Hội thảokhoa học “Đà Nẵng chống liên quân Pháp – Tây Ban Nha (1858 – 1860): Quá khứ và hiện tại” do UBND TP Đà Nẵng tổ chức ngày 31/8 (Ảnh: HC)

Hội thảokhoa học “Đà Nẵng chống liên quân Pháp – Tây Ban Nha (1858 – 1860): Quá khứ và hiện tại” do UBND TP Đà Nẵng tổ chức ngày 31/8 (Ảnh: HC)

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng, cuộc hội thảo nhằm góp phần làm rõ hơn các nguyên nhân dẫn tới cuộc tấn công xâm lược Việt Nam của liên quân Pháp – Tây Ban Nha; về những diễn biến của cuộc chiến tranh Mậu Ngọ 1858; về vị trí, vai trò của Đà Nẵng trong công tác phòng thủ và bảo vệ đất nước; về những anh hùng nghĩa sĩ đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ Quốc. Qua đó rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu từ lịch sử để vận dụng vào tình hình mới của đất nước và của TP Đà Nẵng.

“Đà Nẵng luôn mang trong mình lợi thế đặc biệt quan trọng về vị trí địa chính trị, địa kinh tế. Không những nằm ở vị trí trung tâm của cả nước, Đà Nẵng còn được xem là trạm trung chuyển trên con đường thương mại từ Ấn Độ Dương qua Thái Bình Dương, là cửa ngõ để tiến vào khu vực Đông Nam Á lục địa và là vị trí then chốt cuối cùng của Hành lang Kinh tế Đông – Tây. Nói như vậy để mỗi chúng ta có thể hiểu được những giá trị đáng trân quý của lịch sử và tầm quan trọng của vị trí chiến lược của Đà Nẵng trong xu thế phát triển chung của đất nước và thời đại!” – ông Đặng Việt Dũng nhấn mạnh.

Với tầm nhìn chiến lược của một nhà ngoại giao, TS Hoàng Oanh (Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao) cũng xuất phát từ vị trí địa chiến lược của Đà Nẵng trong cuộc chiến tranh Mậu Ngọ 1858 để đưa ra nhiều định hướng trong quan hệ quốc tế hiện nay đối với TP bên sông Hàn qua tham luận “Đà Nẵng trong quan hệ quốc tế: Thực trạng và kiến nghị”.

Trong đó, đáng chú ý TS Hoàng Oanh nhấn mạnh, Đà Nẵng là một trong những nơi đầu tiên của Việt Nam có tiếp xúc với phương Tây, từng là thương cảng sầm uất, là đầu mối giao thông quan trọng về đường bộ lẫn đường biển. Tầm quan trọng về địa chiến lược của Đà Nẵng khiến cho nơi này luôn là nơi các nước phương Tây coi là bàn đạp để tiến hành các cuộc viễn chinh. Và hiện nay, vị trí quan trọng về địa chiến lược lẫn địa kinh tế của Đà Nẵng ngày càng được khẳng định mạnh mẽ ở tầm quốc gia lẫn quốc tế.

Theo TS Hoàng Oanh, hiện nay trong khu vực xuất hiện nhiều sáng kiến kết nối quan trọng, nhất là về cơ sở hạ tầng, như “Sáng kiến Vành đai Con đường (BRI) của Trung Quốc”, “Sáng kiến Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Tự do Rộng mở” của Nhật Bản, Mỹ… Và ông đưa ra định hướng: “Đà Nẵng hiện đang là một trọng điểm trong sáng kiến kết nối khu vực của Nhật Bản, cần phải tận dụng được cơ hội lớn này”.

Bản đồ sáng kiến kết nối khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Nhật Bản

TS Hoàng Oanh nhấn mạnh: “Mặc dù Đà Nẵng không được ưu tiên cao trong sáng kiến Vành đai Con đường do nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan, nhưng đây chưa hẳn là một điểm bất lợi. Một mặt, BRI là một sáng kiến khá tham vọng và hiện việc thực thi vẫn còn đang gặp nhiều trở ngại.

Mặt khác, nhiều nước trong khu vực cũng đang còn nghi ngại và duy trì thái độ chần chừ vì sợ rằng việc hợp tác trong các dự án của Trung Quốc có thể dẫn đến một số tác động xấu (chất lượng công trình, vấn đề lao động người Trung Quốc, các vấn nạn tham nhũng do tính minh bạch thấp của các dự án của Trung Quốc, và sự phụ thuộc về kinh tế vào Trung Quốc).

Trong khi đó, hiện Nhật Bản đang thúc đẩy sáng kiến kết nối khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, trong đó vai trò của Đà Nẵng được đặc biệt coi trọng. Theo thông tin của Bộ Ngoại giao Nhật Bản thì kế hoạch kết nối của Nhật Bản trong khuôn khổ Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sẽ tập trung vào kết nối theo hướng Đông – Tây; trong đó Việt Nam sẽ nằm trong khu vực trọng điểm, nếu thành công thì sẽ trở thành mô hình áp dụng tại các khu vực khác.

Trước mắt, Nhật Bản hướng đến hai kết nối ưu tiên là Hành lang Đông – Tây và Hành lang phía Nam, lấy Đà Nẵng và Cái Mép – Thị Vải làm các cảng cửa ngõ quan trọng. Đà Nẵng hiện đang là một trọng điểm trong sáng kiến kết nối khu vực của Nhật Bản, cần phải tận dụng được cơ hội lớn này. Đà Nẵng cũng cần theo dõi sát sao tình hình quan hệ giữa các nước trong khu vực, nhất là Trung Quốc – Nhật Bản, Trung Quốc – Hàn Quốc”.

HẢI CHÂU

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/da-nang-o-dau-trong-sang-kien-an-do-duong-thai-binh-duong-cua-nhat-ban-post273301.info