Đà Nẵng phạt 9 khách sạn vi phạm quy định về xử lý nước thải

Ngoài xử phạt 630 triệu đồng và buộc khắc phục hậu quả đối với 9 khách sạn ven biển do có hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Ngày 01/6, Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng cho biết vừa xử phạt 630 triệu đồng và buộc khắc phục hậu quả đối với 9 khách sạn ven biển do có hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Danh sách 9 khách sạn gồm: Balcona Đà Nẵng, TMS Luxury, Risemount Premier Đà Nẵng, Parosand Đà Nẵng, Paris Deli, Lê Hoàng, Hùng Anh, Parze Ocean và Gemma.

Phần lớn nước thải qua xử lý ra môi trường của các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch nói trên đều có thông số vượt quá quy định (Ảnh: Hạnh An)

Phần lớn nước thải qua xử lý ra môi trường của các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch nói trên đều có thông số vượt quá quy định (Ảnh: Hạnh An)

Nội dung xử phạt là do thực hiện không đúng nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và các yêu cầu trong quyết định phê duyệt ĐTM quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 9 Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Cụ thể, khách sạn Hùng Anh, Parze Ocean, Gemma có công nghệ xử lý nước thải khác so với ĐTM được duyệt; nước thải qua xử lý tại khách sạn Balcona, Risemount Premier Đà Nẵng, TMS Luxury đều có thông số vượt nhiều lần so với quy định tại Cột B, QCVN 14:2008/ BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sinh hoạt.

Thanh tra Sở cũng buộc các cơ sở dịch vụ du lịch này phải có biện pháp khắc phục hậu quả, cải tạo hệ thống xử lý nước thải với công nghệ, công suất xử lý đúng với ĐTM được phê duyệt. Thời hạn khắc phục trong 60 ngày, kể từ ngày nhận được Quyết định xử phạt và báo cáo kết quả khắc phục về Sở.

Trước đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố về Kết luận của Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng tại cuộc họp xử lý các vấn đề liên quan đến môi trường trên địa bàn, từ ngày 5- 27/3, Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng đã thành lập các đoàn kiểm tra việc đấu nối, thoát nước và xử lý nước thải của 61 đơn vị trên lưu vực Mỹ An, Mỹ Khê. Kết quả, 13 đơn vị vi phạm về môi trường thuộc thẩm quyền của Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý.

Hiện còn ba khách sạn đang xác minh hành vi vi phạm theo nội dung giải trình để xử lý gồm Sea Front, Misa và Sea Castle 2.

Trong 61 địa điểm kinh doanh du lịch nêu trên có nhiều đơn vị vi phạm về xây dựng đã từng bị Sở Tài nguyên và Môi trường có văn bản đề nghị UBND quận Sơn Trà xử lý như xây quá số phòng lưu trú, không đăng ký khai thác nước dưới đất, chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải…/.

Anh Tuấn

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/xa-hoi/da-nang-phat-9-khach-san-vi-pham-quy-dinh-ve-xu-ly-nuoc-thai-524231.html