Đà Nẵng: Quay cuồng vì thiếu nước sạch

Những ngày qua, người dân tại nhiều khu vực trên địa bàn TP. Đà Nẵng không có nước sạch để sinh hoạt. Tình trạng này xảy ra ngay đợt nắng nóng cao điểm, có ngày lên tới 40oC khiến người dân bức xúc, cuộc sống đảo lộn.

Người dân phải huy động hết các vật dụng trong nhà để chứa nước dự trữ

Người dân phải huy động hết các vật dụng trong nhà để chứa nước dự trữ

“Khát” nước sạch

5 ngày qua, hàng ngàn hộ dân của quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng rơi vào cảnh khốn đốn vì thiếu nước sạch sau đợt tạm ngưng cung cấp nước để phục vụ thi công dự án nâng cấp tại Nhà máy nước Cầu Đỏ. Để có nước sinh hoạt, các hộ dân phải mua hoặc xách xô qua địa bàn khác xin nước về trong thời tiết 39 - 40oC.

Anh Đặng Hoài Nam, tổ 100, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng bức xúc, hàng trăm hộ dân khu vực này phải sinh hoạt trong cảnh không có nước sạch trong 5 ngày qua. Đến tận chiều ngày 21/5, vì quá bức xúc anh đã gọi điện thoại phản ánh việc thiếu nước sạch với Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ và đại diện công ty cấp nước đã xuống xin lỗi. Sáng 22/5, nước mới chảy nhỏ giọt, rất yếu nên việc sinh hoạt của gia đình vẫn gặp khó khăn.

Tương tự, người dân tại nhiều khu vực khác trên địa bàn TP. Đà Nẵng như phường Hòa Quý, Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn); phường An Hải Bắc, Mân Thái, Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà); phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu) và một số xã của huyện Hòa Vang... phải lao đao vì thiếu nước sạch hoặc phải sử dụng nước nhiễm bẩn đục ngàu như nước sông.

Không có nước sạch để sinh hoạt, nhiều gia đình phải mua nước bình, nước đóng chai với giá cao về dùng. Bà Lê Thị Bé, quản lý một trường mầm non tại phường An Hòa, quận Sơn Trà cho biết, nhà trường phải mua nước đóng bình nấu nước uống, thức ăn cho các cháu.

Do người dân liên tục phản ánh, gọi điện qua đường dây nóng, vào ngày 21/5, Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (DAWACO) đã đặt 17 bồn chứa nước để khách hàng đến lấy sử dụng tạm thời cho sinh hoạt, chủ yếu tại hai quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn là những khu vực tập trung nhiều nhà hàng, khách sạn… Ngoài ra, các xe bồn còn chở nước cho người dân lấy trực tiếp. Mỗi khi xe chở bồn nước của thành phố tới, người dân phải huy động hết các vật dụng trong nhà để chứa nước với hi vọng trữ càng nhiều càng tốt vì không biết khi nào nước mới về.

Cần giải pháp lâu dài

Ông Hồ Minh Nam, Phó Tổng Giám đốc DAWACO thừa nhận, sau khi đơn vị tiến hành tạm ngưng cung cấp nước trên toàn địa bàn thành phố vào ngày 18/5 để đấu nối hệ thống điện vào mạng lưới đường ống cho dự án nâng cấp công suất (lên 60.000 m3) tại Nhà máy nước Cầu Đỏ (quận Cẩm Lệ) tại một số khu vực cuối nguồn như Sơn Trà, Thanh Khê đã không có nước. Nguyên nhân là do nhu cầu sử dụng trong những ngày cúp nước vừa qua lớn, khi có nước trở lại những khu vực tuyến ống ở phía đầu sử dụng nhiều nên dẫn đến phía cuối nước chậm hơn so với đoạn đầu. Đơn vị đang điều tiết van nước theo hướng chuyển nước từ khu vực áp lực mạnh sang khu vực áp lực yếu. Nhưng việc điều tiết này phải từ từ để tránh xáo trộn nhiều.

Về giải pháp trước mắt, lãnh đạo DAWACO cho biết, đơn vị vẫn đang cung ứng nước sạch bằng các bồn chứa di động và chở đến từng hộ dân đang bị thiếu nước. Đến trưa 22/5, Công ty cơ bản đã cung cấp nước sinh hoạt trở lại các hộ dân, nhưng ở một số khu vực hiện nước còn yếu, công ty cũng tiếp tục bổ sung xe bồn nước đến để cung cấp cho người dân dùng đến khi nước hoạt động ổn định trở lại. Đồng thời, tăng công suất cấp nước các nhà máy. Cụ thể, nhà máy nước Cầu Đỏ công suất thiết kế 170.000 m3/ngày nhưng thường xuyên phát khoảng 240.000 m3/ngày; nhà máy nước Sân Bay công suất thiết kế 30.000 m3/ngày, phát khoảng 47.000 m3/ngày. Về lâu dài, đơn vị sẽ xây dựng mới Nhà máy nước hồ Hòa Trung có công suất 10.000 m3/ngày đêm để đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của người dân. Ngoài ra, sau khi được tăng thêm 60.000 m3, công suất tại Nhà máy nước Cầu Đỏ sẽ đạt trên 250.000 m3/ngày đêm.

“Cuối tháng 5/2019, chúng tôi sẽ vận hành thử nghiệm hệ thống nâng cấp Nhà máy nước Cầu Đỏ thêm 60.000m3. Hy vọng hệ thống này sẽ cung cấp lượng nước ổn định hơn cho thành phố”, ông Nam nói.

Đây không phải là lần đầu tiên người dân Đà Nẵng rơi vào tình cảnh thiếu nước hay nước sinh hoạt bị bẩn. Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tài nguyên nước, nguyên nhân này xuất phát từ hệ quả của việc quy hoạch, xây dựng mạng lưới cấp nước và hệ thống dẫn nước không dự liệu được nhu cầu sử dụng của thành phố cho hơn 1 triệu dân và hàng chục ngàn khách du lịch thường xuyên có mặt. Lẽ ra thành phố phải tính toán thời điểm thiếu nước từ cách đây 5 - 10 năm trước, bởi trên thực tế hiện tượng thiếu nước sạch của thành phố diễn ra từ cách đây cả chục năm. Mùa hè nào người dân cũng phải sống chung với nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm mặn.

Mới đây, TP. Đà Nẵng thống nhất phương án đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy nước Hòa Liên 1.200 tỷ đồng theo hình thức đầu tư công và đưa vào vận hành trong năm 2020 nhằm đáp ứng nhu cầu nước sạch phục vụ sản xuất, sinh hoạt trên địa bàn thành phố. Trong khi chờ các dự án nhà máy nước được xây dựng, nâng cấp, tình trạng khan hiếm nước sinh hoạt vẫn là mối lo canh cánh của người dân thành phố “đáng sống” trong mùa hè này.

Lan Anh

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/tai-nguyen/da-nang-quay-cuong-vi-thieu-nuoc-sach-1269644.html