Đà Nẵng quyết tâm tạo đột phá cho khu vực kinh tế tập thể phát triển

Đà Nẵng tiếp tục củng cố, đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, để cùng với kinh tế Nhà nước và kinh tế tư nhân là nòng cốt phát triển kinh tế của thành phố.

Đó là khẳng định của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Trí tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng.

Ông Võ Công Trí - Phó Bí thư Trường trực Thành ủy Đà Nẵng tặng bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW.

Ông Võ Công Trí - Phó Bí thư Trường trực Thành ủy Đà Nẵng tặng bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW.

Điểm lại các nhóm kết quả cụ thể trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã của thành phố, phó bí thư Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Trí nhấn mạnh, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đã được củng cố và tăng cường; Liên minh Hợp tác xã thành phố từng bước phát huy tốt vai trò là đầu mối triển khai các hoạt động phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã..

Ông Trí nói: “Sự đóng góp của kinh tế tập thể, Hợp tác xã trong 15 năm qua là rất lớn, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn những khó khăn hạn chế, nên chúng ta vẫn sẽ tiếp tục quán triệt, triển khai Nghị quyết này cho thật tốt”.

Trong khi chờ đợi một nghị quyết mới để thay thế, Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng tin tưởng, sau hội nghị này và sau khi Trung ương tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TƯ về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”, những giải pháp thiết thực sẽ đi vào cuộc sống, thúc đẩy kinh tế tập thể, hợp tác xã đi lên, góp phần ngày càng lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội, tái cơ cấu phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố.

Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh: "Trong 15 năm qua, Đà Nẵng đã hỗ trợ gần 2 tỷ đồng cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn 1.255 lượt cán bộ quản lý HTX; 1 tỷ đồng đào tạo, cấp bằng thuyền trưởng, máy trưởng miễn phí cho gần 1.100 tổ viên tổ khai thác thủy sản xa bờ; đào tạo nghề cho gần 2.000 thành viên, người lao động trong các HTX".

Thành phố mỗi năm trích ngân sách hơn 3 tỷ đồng để miễn thu thủy lợi phí đối với sản xuất nông nghiệp; thực hiện tốt chủ trương hỗ trợ lãi suất của Chính phủ, các HTX đã vay hơn 50 tỷ đồng từ các ngân hàng thương mại để phát triển sản xuất; 18 HTX đã vay 4,45 tỷ đồng từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX.

Thành phố đã hỗ trợ 3,9 tỷ đồng cho 62 HTX và tổ hợp tác đầu tư cơ giới hóa nông nghiệp; hỗ trợ gần 2 tỷ đồng cho hơn 120 lượt HTX, 2 làng nghề xúc tiến thương mại, phát triển sản phẩm mới, khôi phục ngành nghề truyền thống... Tính đến nay, trên địa bàn thành phố có 217 tổ hợp tác, 119 HTX và 1 Liên hiệp HTX với tổng cộng gần 11.400 thành viên, tổng số vốn kinh doanh hơn 270 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 18.800 lao động; tổng doanh thu các HTX đạt hơn 330 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động tại HTX là 38,7 triệu đồng/năm.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Đà Nẵng, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18 tháng 3 năm 2002 Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, so với năm 2003, khu vực Hợp tác xã đã có sự chuyển biến tích cực về mặt số lượng và chất lượng: 119 Hợp tác xã, liên hiệp Hợp tác xã đang hoạt động (tăng 7,21 %) với tổng vốn điều lệ đạt 232,7 tỷ đồng (tăng 483,45%); tổng số vốn kinh doanh đạt 259,9 tỷ đồng (tăng 219,6%); tổng doanh thu đạt 332,9 tỷ đồng (tăng 1,07%); thu nhập bình quân của thành viên, tiền lương của người lao động đạt 38,69 triệu đồng/năm/người (tăng 62,56%). Tổng số thành viên Hợp tác xã tại các Hợp tác xã đang hoạt động khoảng 9.400 người và giải quyết việc làm cho 14.500 lao động.

Đặc biệt, từ năm 2003 đến nay, đã có 104 Hợp tác xã thành lập mới với nhiều mô hình mới: Hợp tác xã đầu tư quản lý, kinh doanh chợ, Hợp tác xã công nghệ thông tin, Hợp tác xã chăm sóc sức khỏe, Hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...

Thành phố Đà Nẵng cũng có đến 217 Tổ hợp tác, trong đó có 32 Tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực Công nghiệp - Xây dựng, 180 Tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực Nông nghiệp (có 112 tổ khai thác hải sản trên biển) và 5 Tổ hợp tác Thương mại – Dịch vụ TMDV(1). Các Tổ hợp tác hoạt động chủ yếu trên tinh thần hợp tác, đây là cội nguồn cho sự phát triển KTTT nói chung và Hợp tác xã nói riêng, thực tế trong những năm qua, các Hợp tác xã được thành lập từ Tổ hợp tác hoạt động rất ổn định, phát huy tối đa tinh thần hợp tác, cùng giúp nhau tạo việc làm, nâng cao thu nhập.

Tuấn Vỹ

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/da-nang-quyet-tam-tao-dot-pha-cho-khu-vuc-kinh-te-tap-the-phat-trien-155083.html