Đà Nẵng: Ra tối hậu thư di dời dân để tránh bão số 9

Đà Nẵng ra tối hậu thư cho các địa phương phải tổ chức di dời dân trước 19 giờ ngày 27-10, những trường hợp không thực hiện sẽ tiến hành cưỡng chế.

Clip: Chạy đua với thời gian, đưa người dân đến nơi trú bão an toàn

Tối 27-10, UBND TP Đà Nẵng có công văn yêu cầu tất cả các lực lượng thực hiện rà soát kiểm tra và đánh giá lại tình hình chuẩn bị ứng phó với thiên tai đối với bão số 9. Theo đó, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu Chủ tịch UBND các quận huyện, thực hiện di dời dân ở những nơi có nguy cơ cao đến nơi tránh trú an toàn, hoàn thành trước 19 giờ ngày 27-10. Đối với các trường hợp không thực hiện thì địa phương có quyền tiến hành cưỡng chế.

Người dân dùng bao đựng nước để chằng mái nhà

Người dân dùng bao đựng nước để chằng mái nhà

Ngoài ra, lãnh đạo TP Đà Nẵng cũng yêu cầu các ngành, địa phương có biện pháp đảm bảo an toàn cho những nơi tránh trú và có phương án đảm bảo hậu cần tại chỗ trong trường hợp người dân phải ở lại dài ngày.

UBND TP Đà Nẵng giao giám đốc Sở xây dựng kiểm tra các công trình thi công bằng tháp và cẩu, yêu cầu các chủ đầu tư phải đảm bảo an toàn có biên bản cam kết, chịu hoàn toàn trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP trong trường hợp có sự cố xảy ra.

Người dân TP Đà Nẵng đưa thuyền thúng lên bờ và tiến hàng chằng chống trước bão số 9

Đến 17 giờ ngày 27-10, 100% lực lượng thuộc phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà, TP Đà Năng) vẫn đang tích cực đôn đốc người dân đến nơi an toàn. Trao đổi qua điện thoại, ông Cao Đình Hải – Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông cho biết công việc đang tiến triển tốt, hầu hết người dân đều chấp hành.

Tại một mũi công tác khác, ông Hồ Tấn Phước – Phó Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông đang vận động 2 hộ có nhà ở không kiên cố tại đường Nại Thịnh 2, về nơi trú bão tập trung tại trường THCS Phạm Ngọc Thạch (đường Dương Vân Nga).

Người dân phường Nại Hiên Đông được đến nơi tránh trú an toàn

"Từ chiều đến giờ, chúng tôi đã vận động hơn 20 hộ về nơi trú ẩn tập trung. Số khác đã ký cam kết di chuyển đến nhà người thân, hàng xóm kiên cố an toàn. Địa bàn còn khu dân cư tổ 4 có nhiều người đã vận động nhưng chưa di chuyển, chúng tôi sẽ thực hiện hình thức cưỡng chế ngay sau đây" – ông Phước cho biết.

Tại khu vực vịnh Mân Quang, lực lượng Công an phường Nại Hiên Đông phối hợp cùng các lực lượng liên quan đã đến vận động người dân nhanh chóng neo đậu các lồng, bè thủy sản rồi lên bờ.

Lực lượng chức năng hỗ trợ bảo vệ tài sản cho người đi di tản

Ghi nhận của phóng viên, đến khoảng 17 giờ, Đà Nẵng bắt đầu xuất hiện gió mạnh. Việc neo đậu thuyền bè của ngư dân lại càng thêm khó khăn vì sóng lớn. Ngư dân tại đây cho biết, mỗi lồng bè có trị giá từ 500 triệu đến hơn 1 tỉ đồng, dù neo đậu kĩ nhưng cũng khó thoát khỏi nguy cơ bị hư hại do bão lớn. "Lực lượng vận động thì mình neo đậu nhanh rồi lên bờ. Của còn thì người còn. Dù xót của, xót cá nhưng tính mạng vẫn là trên hết" – một ngư dân cho hay.

Cách đó không xa, nhà sinh hoạt cộng đồng và tránh trú bão Lộc Phước 1 (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) đã mở cửa đón người dân đến tránh trú bão. Ông Trần Ngọc Trung – Bí thư chi bộ KDC Lộc Phước 1 cho hay nhà chống bão đa năng có thể chưa đến gần 100 nhân khẩu. Tuy nhiên, khảo sát trên địa bàn cho thấy có đến hơn 200 người có nhu cầu về chỗ ở.

Trường THCS Phạm Ngọc Thạch – nơi trú bão số 9 cho người dân phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà)

"Ngoài địa chỉ này, phường Thọ Quang còn có 5 địa điểm khác để người dân tránh trú. Đây là những nơi kiên cố, được nối liên lạc đến lực lượng chức năng và có cán bộ phụ trách theo dõi nên người dân sẽ yên tâm khi trú bão tại đây" – ông Trung cho hay.

Bên trong nhà sinh hoạt cộng đồng và tránh trú bão Lộc Phước 1 – nơi trú bão của người dân phường Thọ Quang

Càng về tối, gió càng lớn. Các lực lượng chức năng vẫn đang túc trực, hướng dẫn người dân di tản đến các nơi trú bão an toàn.

B.Vân- Q. Luật

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/da-nang-ra-toi-hau-thu-di-doi-dan-de-tranh-bao-so-9-20201027185306248.htm