Đà Nẵng sẵn sàng ứng phó với cúm A/H1N1

Trước tình hình dịch cúm A/H1N1 đang diễn biến phức tạp tại một số tỉnh, thành phía Nam và có nguy cơ xâm nhập vào Đà Nẵng, Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố tăng cường công tác phòng chống.

Trước tình hình dịch cúm A/H1N1 đang diễn biến phức tạp tại một số tỉnh, thành phía Nam và có nguy cơ xâm nhập vào Đà Nẵng, Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố tăng cường công tác phòng chống.

Hiện Đà Nẵng đã sẵn sàng ứng phó với cúm A/H1N1.

Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cúm A/H1N1 đang lây lan ở nhiều tỉnh, thành miền Nam, nơi có khí hậu nắng nóng và đã có trường hợp tử vong. Virus cúm lây truyền từ người sang người theo đường hô hấp, qua các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi, hoặc lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa virus rồi qua tay đưa lên mắt, mũi, miệng. Do đó, nếu một người mang mầm bệnh từ vùng có dịch thì bệnh sẽ lây lan rất nhanh. Ngoài ra, cũng không loại trừ việc đi lại, giao lưu đi lại giữa các vùng miền cũng thuận tiện hơn nên nếu người chưa có miễn dịch hoặc cơ thể dễ cảm nhiễm thì dễ dàng mắc bệnh...

Đà Nẵng đã và đang diễn ra các sự kiện mùa hè, mỗi ngày có hàng ngàn du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ ngơi, mua sắm. Điều đó đã tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh xâm nhập. Để ngăn chặn kịp thời dịch cúm A/H1N1 có thể xuất hiện tại Đà Nẵng và bùng phát tại cộng đồng, Sở Y tế TP đã tổ chức tập huấn cho tất cả cán bộ về công tác giám sát, chẩn đoán, thu dung điều trị bệnh nhân. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị y tế rà soát cơ số thuốc, hóa chất, các phương tiện phục vụ cho công tác phòng chống dịch; sẵn sàng tổ chức thu dụng, cách ly, điều trị bệnh nhân...

Bs Nguyễn Tiên Hồng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết: Sở Y tế đã có văn bản gửi các cơ sở y tế trên địa bàn tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, trong đó có cúm A/H1N1. Lãnh đạo Sở Y tế yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn tăng cường giám sát ổ dịch, kịp thời phát hiện, xử lý hiệu quả; đồng thời củng cố các đội cấp cứu lưu động, các đội phòng chống dịch; chuẩn bị cơ số thuốc, hóa chất, vật tư, phương tiện; tổ chức trực cấp cứu, trực phòng chống dịch, sẵn sàng đáp ứng các tình huống xảy ra dịch, xử lý kịp thời, hiệu quả các bệnh nhân đến khám và điều trị tại cơ sở y tế…

Ngoài ra, Sở Y tế tập trung chỉ đạo Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố và 7 trung tâm y tế quận, huyện giám sát chặt chẽ tình hình mắc bệnh đến tận tổ dân phố, thôn, xã, phường, hộ gia đình. Khi phát hiện có ca nhiễm cúm A/H1N1 thì tiến hành điều tra dịch tễ, lấy mẫu bệnh phẩm và gửi mẫu xét nghiệm về Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương. Đồng thời, tiến hành lập danh sách những người đến từ vùng dịch, những người có tiếp xúc gần, tổ chức giám sát chặt chẽ, nếu phát hiện có triệu chứng nghi ngờ cần đưa ngay đến bệnh viện để cách ly và điều trị kịp thời. Tùy theo diễn biến của dịch, Sở Y tế sẽ huy động toàn bộ nhân lực, vật lực, trang thiết bị trong và ngoài ngành Y tế. Người dân cần chủ động phòng tránh song không nên quá hoang mang…

Cúm A/H1N1 nếu kịp thời phát hiện và điều trị người bệnh có thể phục hồi nhanh chóng. Tuy nhiên, bệnh cũng có những biến chứng gây nguy hiểm cho người bệnh. Những người nhiễm cúm A/H1N1 có thể bội nhiễm, viêm phổi nặng, suy đa tạng, một số trường hợp tử vong. Cúm A/H1N1 dễ lây lan và có thể gây tử vong ở những bệnh nhân sức đề kháng yếu, có bệnh mãn tính, người già, phụ nữ mang thai…

Bs Nguyễn Tiên Hồng khuyến cáo: Tăng cường vệ sinh là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để phòng cúm. Cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước, nhất là sau khi tiếp xúc với người khác ở nơi công cộng. Hạn chế chùi tay lên mắt, mũi, miệng, đưa tay vào miệng cắn móng tay; vệ sinh và mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc; lau chùi bề mặt, vật dụng bằng hóa chất sát khuẩn thông thường; hạn chế tiếp xúc tối đa với các nguồn nghi nhiễm cúm. Đồng thời, ăn uống đầy đủ, sạch sẽ và lành mạnh. Thực hiện ăn chín uống sôi với các thực phẩm lành mạnh phòng ngừa cúm như thịt gà, cá mòi, sữa chua, rau xanh và trái cây họ cam, quýt. Nếu cơ thể có các triệu chứng nghi ngờ mắc cúm như ho, đau ngực, sốt, nhức đầu… người dân không nên chủ quan hoặc tự ý sử dụng các loại thuốc điều trị, hãy liên lạc ngay với bác sĩ để tham khảo ý kiến hoặc đến BV để được xét nghiệm, cách ly và điều trị đúng cách trong vòng 48 giờ.

L. HÙNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/119_191258_da-nang-san-sang-ung-pho-voi-cum-a-h1n1.aspx