Đà Nẵng sắp hầu tòa trong vụ doanh nghiệp kiện đòi bồi thường 400 tỷ

Sau vụ thua kiện Công ty cổ phần Vipico, UBND Đà Nẵng lại sắp phải hầu tòa vì bị một doanh nghiệp sản xuất khởi kiện đòi bồi thường hơn 400 tỷ đồng.

Ông Huỳnh Văn Tân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thép Dana - Ý cho biết đơn khởi kiện của công ty đã được TAND TP Đà Nẵng chấp thuận.

Dự kiến 2 tháng tới, lãnh đạo UBND Đà Nẵng tiếp tục hầu tòa trong vụ Công ty cổ phần thép Dana - Ý khởi kiện UBND TP Đà Nẵng đòi bồi thường thiệt hại gần 400 tỷ đồng.

Số phận 2 nhà máy thép "treo" lơ lửng

Trong đơn khởi kiện, Công ty Dana - Ý cho rằng các quyết định của chính quyền Đà Nẵng như buộc công ty ngừng hoạt động sản xuất đã xâm phạm quyền tự do kinh doanh, gây thiệt hại nghiêm trọng đến hoạt động doanh nghiệp và mất việc làm của người lao động.

"Trong lúc chờ phán quyết của tòa án thì doanh nghiệp đang “chết” dần, xét cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng", ông Tân cho biết nhiều tháng qua doanh nghiệp phải đóng cửa, không sản xuất được.

Hiện nhà xưởng của công ty không có công nhân. Máy móc, xe chở vật liệu nằm im bên những đống sắt phế liệu ngổn ngang.

Toàn cảnh nhà máy thép Dana - Ý. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Toàn cảnh nhà máy thép Dana - Ý. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Tổng giám đốc công ty cho biết nhiều tháng qua, mỗi ngày doanh nghiệp thiệt hại khoảng 1 tỷ đồng. Nhà máy không hoạt động khiến hơn 1.000 công nhân thất nghiệp.

Cách đó khoảng 100 m, nhà máy thép Dana - Úc (thuộc Công ty Dana - Úc) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Từ đầu năm đến nay, nhà máy đóng cửa nên hơn 500 công nhân không có việc để làm.

"Mỗi ngày, chúng tôi thiệt hai từ 400 - 500 triệu đồng. Nếu Đà Nẵng không có biện pháp tháo gỡ thì doanh nghiệp sẽ chết", ông Nguyễn Văn An, Phó tổng giám đốc Công ty Dana - Úc lo lắng.

Sự hiểu nhầm từ 2 văn bản của chính quyền Đà Nẵng

Lãnh đạo 2 công ty lý giải, nguyên nhân 2 nhà máy thép không hoạt động là do sự hiểu nhầm tai hại từ Thông báo số 30/TB-UBND của UBND TP Đà Nẵng.

Công ty không hoạt động nên vật liệu đang chất đống tại nhà máy. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Theo đó, ngày 2/3, UBND TP Đà Nẵng có Công văn số 1446, yêu cầu 2 nhà máy thép ngừng hoạt động ngay lập tức (tức từ ngày 2/3/2018). Đến ngày 23/3, UBND TP Đà Nẵng lại ra Thông báo số 30, với nội dung cho phép 2 nhà máy hoạt động tạm thời nhưng trong thời hạn 6 tháng, 2 công ty không giao kết hợp đồng mua nguyên vật liệu là phế liệu để sản xuất thép.

Tại văn bản này, lãnh đạo Đà Nẵng cũng giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở liên quan tham mưu UBND thành phố lên phương án dừng hoạt động sản xuất thép của 2 công ty, báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy và trình HĐND thành phố thông qua.

Ông Tân cho biết văn bản số 30 dẫn đến việc người dân hiểu nhầm là sau thời hạn 6 tháng (để Sở Tư pháp và các sở liên quan tham mưu phương án), 2 công ty phải dừng hoạt động.

Sai lầm trong quy hoạch

Theo hồ sơ, 2 công ty thép nói trên được thành lập từ 15 năm trước. Khi đó, Cụm công nghiệp Thanh Vinh đang còn hoang sơ, vùng đất này chỉ khoảng 150 hộ dân sinh sống.

"Lúc đó, chúng tôi thuộc diện được lãnh đạo Đà Nẵng mời về đầu tư, sản xuất ngành thép để phục vụ phát triển kinh tế địa phương", ông An kể.

Tuy nhiên, kết luận của Thanh tra TP Đà Nẵng (công bố tháng 10/2018 - PV), hiện xung quanh Cụm công nghiệp Thanh Vinh đã có khoảng 1.500 hộ dân định cư, trong đó nhiều hộ đã được chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Dân tụ tập phản đối 2 nhà máy thép gây ô nhiễm. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Thanh tra TP Đà Nẵng kết luận khoảng cách tối thiểu 500 m từ vị trí xây nhà máy thép Dana - Ý và Dana - Úc đến khu dân cư chưa đảm bảo.

Các cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu với Công ty cổ phần thép Dana - Ý không phù hợp với quy định ngành nghề tại cụm công nghiệp Thanh Vinh mở rộng theo đánh giá TĐTM được phê duyệt.

Tại cuộc họp UBND TP thường kỳ mới đây, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, thừa nhận địa phương đang "rất bí" trong việc giải quyết số phận 2 nhà máy thép.

Cái sai của Đà Nẵng là đặt nhà máy cạnh khu dân cư. Chính quyền địa phương buông lỏng quản lý, để cho hàng nghìn hộ dân định cư ở gần 2 nhà máy thép.

"Cơ quan chức năng có thể xử phạt nhà máy và yêu cầu tạm dừng hoạt động chứ chưa đủ cơ sở để buộc đóng cửa. Bây giờ, di dời dân thì không có tiền bồi thường. Còn di dời 2 nhà máy thép đi nơi khác thì không có quỹ đất và lấy vốn đâu để hỗ trợ doanh nghiệp", ông Thơ thẳng thắn.

Đoàn Nguyên

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/da-nang-sap-hau-toa-trong-vu-doanh-nghiep-kien-doi-boi-thuong-400-ty-post894499.html