Đà Nẵng sẽ lấy lại sân Chi Lăng bằng cách nào?

Chính quyền và ngành chức năng TP Đà Nẵng đang đặt quyết tâm để tìm các biện pháp thương lượng, lấy lại sân Chi Lăng.

Luật sư Đỗ Pháp cho rằng, TP Đà Nẵng có lợi thế để lấy lại sân vận động Chi Lăng.

Tại kỳ họp thứ 7 HĐND TP khóa IX, ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, TP sẽ kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, Tòa án và các cơ quan liên quan để xin thương lượng lấy lại sân vận động này để phục vụ nhu cầu văn hóa thể thao, kinh tế- xã hội của TP. Tại cuộc họp báo quý II-2018 được tổ chức vào ngày 19-7, Phó Chủ tịch UBND TP Đặng Việt Dũng cũng nhấn mạnh: "Mặc dù đang thi hành án nhưng vừa qua thành phố có họp và thống nhất chủ trương giao cho các ngành, các đơn vị nghiên cứu đề xuất giải pháp lấy lại sân Chi Lăng cho thành phố.".

Luật sư Đỗ Pháp cho biết, trong vụ việc này, TP Đà Nẵng là chủ thể đặc biệt bởi thành phố đang là một đối tác nhưng cũng là người chủ quản. Trong mối quan hệ pháp lý, UBND TP Đà Nẵng đang là chủ thể đặc biệt tham gia quyền và nghĩa vụ phát sinh giữa các bên (bên bán sân vận động Chi Lăng). TP Đà Nẵng bán sân vận động Chi Lăng cho Tập đoàn Thiên Thanh xây dựng khu phức hợp thương mại dịch vụ liên hoàn. Việc bán đất giá thấp hay chấp thuận chia ra 14 sổ của chính quyền giai đoạn trước là tạo điều kiện cho tập đoàn vay vốn tập trung xây dựng dự án, còn nguyên tắc không được xé lẻ sân vận động Chi Lăng. Nếu làm trái thì thành phố được quyền áp dụng Luật đất đai 2013 để thu hồi. "Đáng ra thành phố phải thu hồi ngay khi phát hiện chủ đầu tư thực hiện không đúng mục đích. Nhưng thời gian để điều chỉnh mối quan hệ pháp luật đó đã trôi qua. Bây giờ sân vận động Chi Lăng đã trở thành tang vật của vụ án Phạm Công Danh", luật sư Đỗ Pháp trao đổi.

Người dân rất mong muốn TP Đà Nẵng sẽ lấy lại được sân vận động Chi Lăng phục vụ cho văn hóa, thể thao.

Về phương án tiến hành các thủ tục cần thiết trong việc lấy lại sân vận động Chi Lăng, ông Đỗ Pháp cho rằng, UBND TP Đà Nẵng cần thành lập một tổ công tác đặc biệt để xác định rõ tài sản sân Chi Lăng thi hành bản án của ông Phạm Công Danh, nhưng sở hữu hợp pháp có còn là ông này hay đã chuyển cho đối tác khác. TP cũng cần liên hệ với thi hành án để nếu phát mãi bán đấu giá tài sản thì sẽ là bên được ưu tiên mua lại. Ngoài ra, với trách nhiệm quản lý toàn bộ tài sản trên địa bàn, chính quyền Đà Nẵng hoàn toàn có thể dùng quyền quản lý Nhà nước để đàm phán với bất kỳ đối tác nào nhằm lấy lại sân vận động Chi Lăng. "UBND thành phố vừa là đối tác, vừa là chủ thể đặc biệt tham gia quan hệ pháp luật này, vừa là người quản lý thì có đầy đủ quyền và nghĩa vụ hơn tất cả đối tác khác. Cái này luật cho phép, chúng ta không lợi dụng quyền hạn", ông Pháp nói thêm, đồng thời cho rằng thành phố phải nắm bản án và quyết định thi hành án, từ đó mới biết được ai có quyền và nghĩa vụ liên quan. Trên cơ sở luật pháp, thành phố nên vận dụng những cái lợi của mình, không xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của người khác nhưng có quyền quản lý, quyền điều chỉnh quan hệ pháp luật trên phạm vi địa bàn.

Ngoài các thủ tục pháp lý, luật sư Đỗ Pháp cũng cho hay, Đà Nẵng phải vận dụng đúng chủ trương chính sách và tranh thủ được sự đồng thuận của ngân hàng Trung ương và chỉ đạo của Chính phủ. Những thủ tục pháp lý không khó để giải quyết vì mục đích lấy lại là phục vụ công cộng, phục vụ phát triển của thành phố. Thành phố cần có tổ công tác đặc biệt để nghiên cứu kỹ vấn đề này và thực hiện càng sớm càng tốt.

Công Khanh

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_192709_da-nang-se-lay-lai-san-chi-lang-bang-cach-nao-.aspx