Đà Nẵng: Tái hiện truyền thuyết hình thành Danh thắng Ngũ Hành Sơn

BQL Khu Danh thắng Ngũ Hành Sơn sẽ tái hiện lại Truyền thuyết hình thành Ngũ Hành Sơn, để phục vụ du khách trong mùa Lễ hội Quán Thế Âm 2018.

Ngày 31/3, ông Nguyễn Văn Hiền - Trưởng Ban Quản lý (BQL) Khu Du lịch Thắng cảnh Ngũ Hành Sơn cho biết, để chuẩn bị cho Lễ hội Quán Thế Âm năm 2018 tại chùa Quán Thế Âm (ngọn Kim Sơn), BQL sẽ tái hiện lại Truyền thuyết hình thành Danh thắng Ngũ Hành Sơn - với tiêu đề “Huyền Thoại Ngũ Hành Sơn” - qua mô hình thu nhỏ để phục vụ du khách thưởng lãm trong những ngày diễn ra Lễ hội.

Ngũ Hành Sơn - Non Nước không chỉ là một địa danh du lịch được đông đảo du khách tìm đến, mà đây còn là nơi đã đi vào thơ ca, nhạc, họa từ bao đời và được lưu giữ. Nơi đây cũng có nhiều truyền thuyết mang đậm bản sắc văn hóa của một dân tộc luôn vượt lên những hoàn cảnh khắc nghiệt để tự tồn tại và phát triển.

Mô hình truyền thuyết hình thành Danh thắng Ngũ Hành Sơn - với tiêu đề “Huyền Thoại Ngũ Hành Sơn”.

Tính chất biểu tượng về văn hóa đất Quảng của Ngũ Hành Sơn được khẳng định rõ nhất qua truyện kể dân gian bản địa là Truyền thuyết Ngũ Hành Sơn - còn có tên Sự tích núi Ngũ Hành.

Đối với sự hình thành của núi Ngũ Hành Sơn đã gắn liền với truyền thuyết về thần Kim Quy và trứng Rồng của Long Quân.

Nói về Truyền thuyết Ngũ Hành Sơn, người dân đất Quảng đã biết dựa vào cha ông để sáng tạo cho riêng mình một truyện kể dân gian rất quen mà rất lạ, giữa khung cảnh ông lão chứng kiến con rồng đẻ ra quả trứng lớn trên bãi biển phía Đông (Đà Nẵng ngày nay).

"Cụ già chưa kịp hoàn hồn thì bổng thấy một con rùa vàng lớn cũng từ ngoài khơi đi vào và đến bên túp lều, Rùa Vàng đào một lỗ trên cát rồi vùi quả trứng xuống. Sau đó Rùa Vàng quay lại bảo cụ già: “Ta là thần Kim Quy, ta muốn ngươi phải gắng sức bảo vệ giọt máu này của Long Quân”.,

Chưa hết bàng hoàng, cụ già lúng túng trả lời: “Nhưng tôi tuổi già, sức yếu làm sao đủ sức đảm đương công việc hệ trọng này”. Thần Kim Quy liền trao cho cụ già một chiếc móng và nói: “Ngươi đừng lo, hãy cấm lấy chiếc móng này và hễ có chuyện chẳng lành thì cứ đặt móng bên ta, ta sẽ chỉ cách cho...", truyền thuyết của người xưa ghi lại như thế.

Lễ hội Quán Thế Âm 19/2 - Ngũ Hành Sơn diễn ra tại chùa Quán Thế Âm, thuộc ngọn Kim Sơn của Khu Danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Những câu chuyện bàng bạc mang sắc ấy chính là đóng góp đáng quý của người Quảng vào "trứng rồng" lớn mãi, lớn mãi thành 5 ngọn núi Kim, Mộc, Thủy, Hỏa và Thổ - làm nên “hòn Non bộ” khổng lồ giữa lòng thành phố, là biểu tượng của TP Đà Nẵng.

Qua những truyền thuyết về sự tích hình thành Ngũ Hành Sơn - Non Nước sẽ thấy được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của những người đi lập nghiệp thời bấy giờ. Đó là tình cảm đối với quê hương đất nước, ý thức hướng về cội nguồn của tất cả mọi người Việt Nam sống ở bất cứ nơi đâu và bất cứ thời đại nào.

Lễ hội Quán Thế Âm 19/2 - Ngũ Hành Sơn diễn ra từ ngày 2 đến 4/4 năm 2018 (nhằm các ngày 17, 18 và 19/2 Âm lịch năm Mậu Tuất) tại Khuôn viên Chùa Quán Thế Âm, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn. Đêm khai mạc Lễ hội, Ban tổ chức công bố 2 kỷ lục Việt Nam về Cờ phật giáo (Đại kỳ) lớn nhất và Bảo tàng Văn hóa Phật giáo đầu tiên Việt Nam.

Được biết, Ngũ Hành Sơn là năm ngon núi cẩm thạch sừng sững bên bờ biển Đông là một thắng tích nổi tiếng của cả nước, là điểm đến du lịch hấp dẫn của TP Đà Nẵng. Ngoài các yếu tố do thiên nhiên ban tặng, trong lòng nó còn chứa ẩn những giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh cùng với làng nghề điêu khắc đá hình thành và phát triển gần 400 năm.

Nơi đây đã trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, là điểm đến không thể thiếu của du khách trong hành trình đến với Đà Nẵng và các di sản văn hóa miền Trung.

Quần thể di tích Ngũ Hành Sơn là chuỗi di sản văn hóa của Việt Nam, là biểu tượng văn hóa của TP Đà Nẵng. Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn được tôn vinh nhiều danh hiệu cao quý. Năm 2000, Tổng cục Du lịch Việt Nam công nhận lễ hội Quán Thế Âm là một trong 15 lễ hội Quốc gia.

Dòng người chen chúc vào động Âm phủ thuộc tại Khu Danh thắng Ngũ Hành Sơn, trong mùa Lễ hội Vu Lan báo hiếu - Ngũ Hành Sơn 2017.

Năm 2011, Tổ chức kỷ lục Việt Nam từ đề cử, giới thiệu của Hiệp hội du lịch đã chọn Ngũ Hành Sơn là Top 10 - điểm du lịch tâm linh thu hút nhất.

Năm 2014, làng đá mỹ nghệ Non Nước được công nhận là di sản phi vật thể Quốc gia. Gần đây nhất trang website TripAdvisor đã bình chọn Đà Nẵng của Việt Nam đứng đầu danh sách “điểm du lịch đáng đến nhất thế giới năm 2015”.

Năm 2017, Khu Danh thắng Ngũ Hành Sơn đã đón gần 1,5 triệu lượt khách đến tham quan, du lịch lượng khách tăng 20% so với cùng kỳ.

Nguyễn Tuấn - Ngọc Nhất

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/da-nang-tai-hien-truyen-thuyet-hinh-thanh-danh-thang-ngu-hanh-son-d66770.html