Đà Nẵng tiếp nhận điều trị nhiều ca mắc bệnh bạch hầu

Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng đã tiếp nhận và điều trị 13 trường hợp nghi mắc bệnh bạch hầu, chủ yếu ở các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng. Trong đó 13 trường hợp có 2 trường hợp đã tử vong.

Tại Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Phụ sản – Nhi đã tiếp nhận và điều trị 13 trường hợp nghi mắc bệnh bạch hầu. Trong đó có 5 ca ở Quãng Ngãi, 5 ca ở Quảng Nam và 2 ca ở TP Đà Nẵng. Sau khi gửi mẫu đi xét nghiệm, có 8 trường hợp dương tính, 3 trường hợp âm tính và 2 trường hợp đang điều trị chưa có kết quả.

Bác sĩ Nguyễn Văn Ngữ - quyền Trưởng khoa Y học nhiệt đới (Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng) cho biết, trong 13 trường hợp, có 2 trường hợp đã tử vong 2 trường hợp đang được điều trị, hiện đã tạm ổn và đang theo dõi thêm.

Đối với 2 trường hợp tử vong, bác sĩ Nguyễn Văn Ngữ cho hay, bệnh bạch hầu thường có biểu hiện sốt nhẹ, đau họng dễ nhầm lẫn với các bệnh lý cảm cúm thông thường. 2 trường hợp này vào viện sau khi điều trị ở nhà 7 – 8 ngày không đỡ, nhập viện trong tình trạng bệnh nặng, biến chứng viêm cơ tim và thời điểm đó bệnh viện không có kháng độc tố huyết thanh (SAD) để điều trị nên đã tử vong.

Những trường hợp còn lại, bệnh viện kịp thời liên hệ mua thuốc, sau nhiều tuần điều trị tích cực, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã dần ổn định.

Từ đầu năm 2019, khoa Y học nhiệt đới của Bệnh viện Phụ sản – Nhi đã tiếp nhận và điều trị 13 trường hợp nghi mắc bệnh bạch hầu.

”Bị bạch hầu mà không có kháng độc tố thì tỷ lệ biến chứng cao. Tuy nhiên hiện nay, các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt đã được công bố hết dịch nên việc sản xuất thuốc điều trị các bệnh này cũng vừa chừng. khi có dịch trở lại khiến cho việc điều trị gặp khó khăn. Mỗi lần có một ca mắc bệnh vào điều trị, bệnh viện phải liên hệ để mua thuốc rất cực khổ”, - bác sĩ Nguyễn Văn Ngữ chia sẻ.

Được biết, từ đầu năm đến nay, bệnh bạch hầu đã liên tiếp xuất hiện tại nhiều địa phương trên cả nước.

Tại Kon Tum, 9 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn huyện Đắc Hà đã xuất hiện 5 trường hợp mắc bệnh bạch hầu. May mắn chưa có ca bệnh tử vong tuy nhiên đây là vùng đang có bệnh bạch hầu lưu hành, nguy cơ lây lan bệnh là rất cao

Đắk Lắk có 4 ca dương tính với bạch hầu, hàng chục ca bệnh phải cách ly, điều trị. Trong khi đó tại Gia Lai một ổ bệnh đã xuất hiện với nhiều ca bệnh tử vong nhưng chưa ghi nhận những báo cáo chi tiết của ngành y tế địa phương.

Bác sĩ Ngữ cũng thông tin thêm, mấy năm trước, mỗi năm chỉ có 1-2 ca. Năm nay bệnh bạch hầu tăng đột biến. Những ca mắc bệnh bạch hầu chủ yếu là trẻ em dân tộc, vùng sâu, vùng xa, nơi đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, dịch vụ y tế còn hạn chế.

Bác sĩ cảnh báo phòng ngừa bệnh bạch hầu

Bệnh bạch hầu lây truyền qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi. Đặc biệt, trong khu vực dân cư đông đúc, nơi công cộng tập trung đông người hoặc những khu dân cư điều kiện vệ sinh không đảm bảo thì nguy cơ lây lan bạch hầu càng tăng cao. Bệnh bạch hầu nguy hiểm, tốc độ lây lan nhanh, khó kiểm soát, do đó người dân cần phải tiêm chủng đầy đủ, đặc biệt là trẻ nhỏ. Đối với những trường hợp ở vùng đang có dịch lưu hành, nếu đau họng, sốt nhẹ ngày đầu tiên nên đến cơ sở y tế để được các bác sĩ khám và tư vấn, điều trị. Không nên chủ quan mua thuốc về nhà tự uống. Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần rà soát để nắm được người đã tiêm chủng bạch hầu, những người chưa để có biện pháp phòng ngừa, kiểm sát tình trạng dịch bệnh.

Lê Tâm

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/y-te/da-nang-tiep-nhan-dieu-tri-nhieu-ca-mac-benh-bach-hau-78233.html