Đà Nẵng: Tiếp 'sóng' cho du lịch đường thủy nội địa

Du lịch đường thủy nội địa tại TP. Đà Nẵng vẫn chưa phát huy xứng đáng với tiềm năng, chính quyền và doanh nghiệp cần tận dụng thế mạnh để bứt phá.

Ưu tiên phát triển du lịch đường thủy nội địa

Hiện TP. Đà Nẵng có tổng cộng 49,2km đường thủy nội địa, trong đó địa phương quản lý 29,3km, dù hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển du lịch song du lịch đường sông vẫn chưa nổi bật và thiếu sức hút đối với doanh nghiệp.

Các tour du lịch đường thủy tại Đà Nẵng chủ yếu là du lịch trên sông Hàn

Theo đó, vào tháng 5/2022, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh đã ký phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí xây dựng Đề án Phát triển du lịch đường thủy nội địa TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với tổng kinh phí trên 600 triệu đồng.

Việc xây dựng đề án nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch đường thủy, tạo sản phẩm du lịch chính hấp dẫn, đặc sắc. Cùng với đó, địa phương sẽ hoàn thiện hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất, đội tàu, dịch vụ, điểm đến phục vụ phát triển du lịch đường thủy đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, an toàn, chuyên nghiệp. Tiếp đến, sẽ phát triển mạng lưới đường thủy từ bờ ra đảo liên kết với các địa phương và khai thác hoạt động du lịch bến du thuyền.

TP. Đà Nẵng định hướng sẽ xây dựng hệ thống bến thủy nội địa được xếp hạng tương đồng với hệ thống tiêu chuẩn xếp hạng khách sạn và các dịch vụ du lịch khác. Phát triển đa dạng với các loại hình mới của đội tàu du lịch, đầu tư hoàn thiện các điểm đến du lịch, các khu vực biểu diễn nghệ thuật, dịch vụ bán lẻ, chuỗi nhà hàng đặc sản, khách sạn gần các bến thủy nội địa để du khách có thể tiếp cận dễ dàng từ du thuyền cá nhân.

Trong thời gian tới, Đà Nẵng sẽ khai thác toàn diện 9 tuyến du lịch đường thủy nội địa và đường thủy từ bờ ra đảo đã được phê duyệt quy hoạch. Đồng thời, bổ sung quy hoạch một số tuyến đường thủy từ bờ ra đảo đến một số địa phương khu vực miền Trung, Tây Nguyên, kết nối tuyến đường thủy từ sông Hàn – TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Doanh nghiệp chung tay cùng địa phương phát triển

Trên địa bàn TP. Đà Nẵng hiện có 10 doanh nghiệp hoạt động du lịch đường thủy với tổng số 28 tàu, sức chứa hơn 2.000 chỗ. Thành phố đã quy hoạch 39 vị trí đầu tư xây dựng cảng, bến thủy nội địa. Đến nay, có 1 bến hoàn thành và công bố bến (bến CT15), 4 bến hoàn thành xây dựng nhưng chưa công bố bến, 10 bến đang thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư để triển khai xây dựng, 24 bến đang tạm dừng và chưa triển khai đầu tư xây dựng.

Du lịch đường thủy nội địa có thể trở thành sản phẩm chủ lực của Đà Nẵng

Ông Lê Thiên Tư, Giám đốc Công ty TNHH V.E.I Travel & Event đề xuất, dọc tuyến sông Đà Nẵng kéo dài lên phía Tây thành phố (huyện Hòa Vang) có thể hình thành những điểm bến thuyền có hệ thống sản phẩm riêng biệt để du khách được trải nghiệm thường xuyên, không gây nhàm chán thông qua việc xây dựng điểm đến là các khu vực du lịch cộng đồng, tham qua địa điểm văn hóa…

"Xu hướng mới của du lịch là trải nghiệm, có trách nhiệm nên hệ thống sản phẩm trên sông cũng cần hướng tới việc gia tăng hoạt động nhiều hơn. Như vậy, Đà Nẵng cũng sẽ mở rộng được không gian du lịch, giảm áp lực cho khu vực thành thị và đưa du lịch đường sông trở thành thế mạnh của địa phương", ông Tư đề xuất.

Ông Đinh Văn Lộc, Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Đà cho rằng, các tour dạo sông Hàn, lặn san hô, đánh bắt cá, du ngoạn vịnh Đà Nẵng,... đang nhận được nhiều sự quan tâm của du khách.

“Hiện Đà Nẵng đang thiếu tour cho phép đi ban ngày, chỉ bán vé vào ban đêm nhưng du khách vẫn chưa quan tâm đến. Theo đó, cần khuyến khích cho các doanh nghiệp đóng thuyền buồm để phục vụ du khách, đặc biệt là các loại du thuyền cỡ nhỏ…”, ông Lộc gợi mở.

Hiện Sở Du lịch TP. Đà Nẵng cũng đã kêu gọi các doanh nghiệp đóng tàu mới phù hợp để đưa khách tham quan, lưu trú tại khu vực vịnh Đà Nẵng. Cùng với đó, ưu tiên phát triển tuyến sông Hàn - cầu Trần Thị Lý và tuyến quanh khu vực bán đảo Sơn Trà để hoàn thiện cho khách được trải nghiệm. Đồng thời tiếp tục kêu gọi đầu tư nâng cấp cảng sông Hàn, cảng sông Thu thành cảng, bến thủy nội địa phục vụ du lịch. Với các bến đã triển khai đầu tư và cơ bản hoàn thành hạng mục cầu tàu (Túy Loan, Thái Lai) tiếp tục đầu tư các hạng mục bổ sung như nhà chờ, bãi đậu xe, nhà vệ sinh, quầy lưu niệm.

Ngày 9/11/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định 21/2022/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa.

Theo đó, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển giao thông đường thủy nội địa được tiếp cận nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa nhằm kết nối thuận lợi, hiệu quả đến các phương thức vận tải khác, đặc biệt là với hệ thống cảng biển; ưu tiên bố trí vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa để cải tạo, nâng cấp luồng đường thủy nội địa trên các tuyến vận tải chính theo Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quyết định 21/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa và định hướng của chính quyền Đà Nẵng sẽ là cơ hội để du lịch đường thủy thành phố khởi sắc.

Đức Thảo

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/da-nang-tiep-song-cho-du-lich-duong-thuy-noi-dia-227587.html