Đà Nẵng tìm hướng đi cho du lịch

Cùng với du lịch hội nghị, hội thảo kết hợp nghỉ dưỡng biển mang tầm quốc tế, du lịch trải nghiệm, khám phá di sản là mục tiêu mà TP Đà Nẵng hướng đến trong kế hoạch phát triển du lịch những năm tới.

Để hiện thực hóa việc nâng tầm các lễ hội với giá trị văn hóa vốn có thành những sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, thành phố đã và đang nghiên cứu, thực hiện nhiều giải pháp thiết thực nhằm tạo ra bước đột phá cho loại hình du lịch đặc biệt này.

Tuy không có nhiều lễ hội quy mô lớn nhưng TP Đà Nẵng cũng có những lễ hội dân gian độc đáo, mang đậm giá trị lịch sử, phản ánh sinh động đời sống văn hóa tinh thần của người dân nơi đây. Hầu hết lễ hội đều được tổ chức mỗi năm một lần, bảo lưu những tập tục, lễ nghi truyền thống lâu đời gắn với hoạt động sản xuất, sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân. Có thể kể đến một số lễ hội, như: Lễ hội Quán Thế Âm, lễ hội cầu ngư, lễ hội đình làng Túy Loan, lễ hội Tiền hiền làng An Hải, lễ hội đình các làng cổ Đà Nẵng… Mỗi lễ hội mang một nét đặc trưng, nhưng tựu trung đều phản ánh ước vọng của nhân dân cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, tôm cá đầy khoang, mùa màng tốt tươi, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

 Rộn ràng lễ hội đua thuyền truyền thống.

Rộn ràng lễ hội đua thuyền truyền thống.

Theo ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Đà Nẵng, văn hóa, lễ hội là cái gốc của du lịch. Tuy nhiên, hiện nay các lễ hội truyền thống của thành phố khá rời rạc, chưa được tổ chức bài bản, quy mô để có thể trở thành sản phẩm du lịch thực sự. Do đó, để khai thác được tiềm năng du lịch của các lễ hội truyền thống, cần có sự đầu tư bài bản, xây dựng kế hoạch cụ thể, kịch bản chi tiết cho các hoạt động trong lễ hội; đầu tư quy hoạch các tuyến, điểm du lịch; đồng thời chú trọng bảo tồn để phát huy giá trị vốn có của các lễ hội.

Để phục vụ tốt nhu cầu trải nghiệm, khám phá di sản của du khách, các sản phẩm du lịch phải thực sự độc đáo, mới lạ. Ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết: "Cùng với đầu tư có trọng điểm vào những lễ hội, thành phố cần quan tâm phát triển các dịch vụ bổ trợ phù hợp. Trên cơ sở những nét đẹp văn hóa độc đáo, đặc trưng của lễ hội, cần nghiên cứu để tạo ra các hoạt động trải nghiệm thực tế hấp dẫn, mới lạ để du khách được hòa mình vào ngày hội. Sẽ thú vị hơn nhiều nếu du khách đến tham dự Lễ hội đình làng Túy Loan (tổ chức vào mồng 9 và 10 tháng Giêng tại xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) vừa được khám phá những lễ nghi truyền thống được gìn giữ từ bao đời (lễ rước sắc phong, nhạc lễ dâng hương tế đình tưởng nhớ 5 vị tiền hiền đã tuân chiếu vua Lê Thánh Tôn đi mở hoang bờ cõi về phương Nam, lập ra làng Túy Loan), vừa thử sức với các trò chơi dân gian như kéo co, nhảy sạp, thi bắn lươn, thi gói bánh tét; rồi tự tay tráng bánh (làng nghề bánh tráng Túy Loan) và thưởng thức đặc sản mì quảng Túy Loan...

Trong đề án phát triển ngành du lịch TP Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 do Sở Du lịch xây dựng, đơn vị tư vấn cũng nhìn nhận, để phát triển du lịch trải nghiệm phải giảm tính mùa vụ. Bởi giống như nhiều địa phương, đa số các lễ hội truyền thống của thành phố đều được tổ chức vào mùa xuân. Do đó, Đà Nẵng đang từng bước tạo ra nhiều sản phẩm du lịch mới, trải dài theo các tháng trong năm. Trong đó có việc chú trọng phát triển du lịch hai bên bờ sông Hàn nhằm tạo cho du khách những “món ăn tinh thần” mới, đa dạng ở các thời điểm khác trong năm, như: Hô hát bài chòi (tối thứ bảy, chủ nhật hằng tuần), lễ hội đua thuyền truyền thống trên sông Hàn, hội sách Hải Châu, Sơn Trà; lễ hội ẩm thực đường phố, lễ hội khinh khí cầu… Đầu tháng 5 vừa qua, Đà Nẵng đã tổ chức thí điểm các hoạt động văn hóa truyền thống tại bờ đông cầu Rồng, như: Biểu diễn nhạc cụ dân tộc, dân ca ba miền; trình diễn nghi thức Đấu chiêng của đồng bào dân tộc Cor; quảng bá các sản phẩm Làng đá mỹ nghệ Non Nước, mặt nạ tuồng, nón lá…

Cùng với lễ hội truyền thống, các lễ hội mang tầm quốc tế được Đà Nẵng tổ chức những năm qua cũng góp phần thu hút đông đảo khách du lịch đến với thành phố. Trong đó, Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF) được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2008 với tên gọi Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFC) tạo ra bước ngoặt cho ngành du lịch thành phố và trở thành thương hiệu của “thành phố bên sông Hàn”. Từ đó đến nay, lễ hội luôn mang đến cho Đà Nẵng nguồn thu lớn từ du lịch với lượng du khách đến thành phố tăng cao. Dịp diễn ra DIFF năm 2018, thành phố đón khoảng 1,5 triệu lượt khách, tăng 24% so với năm 2017. Và năm 2019, tiếp tục hứa hẹn một mùa hè “bội thu” khi DIFF khai mạc vào đầu tháng 6-2019.

Định hướng đầu tư một cách cụ thể, chuyên nghiệp, bài bản; có kịch bản chi tiết các hoạt động xuyên suốt trong năm trên cơ sở bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các lễ hội, TP Đà Nẵng đang nỗ lực để hướng tới việc phát triển du lịch trải nghiệm, khám phá di sản một cách hiệu quả, bảo đảm tính độc đáo, khác biệt; vừa có tính quần chúng, vừa mang tầm quốc tế.

Bài và ảnh: THANH THÚY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/du-lich/da-nang-tim-huong-di-cho-du-lich-576858