Đà Nẵng: Triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với 'bão chồng lũ'

Áp thấp nhiệt đới đang tiến gần vào đất liền, trong khi mưa lớn tại TP. Đà Nẵng đang tiếp diễn với lượng mưa lớn hàng trăm mm. Dự báo từ ngày 11/10 mưa lớn tại Đà Nẵng vẫn sẽ diễn biến phức tạp và có khả năng kéo dài. UBND TP. Đà Nẵng đang triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với 'bão chồng lũ'.

Hồ nuôi thủy sản (tôm, cá) tại xã Hòa Liên (Hòa Vang, Đà Nẵng) nước tràn bờ cuốn theo toàn bộ lượng cá, tôm nuôi trong hồ

Hồ nuôi thủy sản (tôm, cá) tại xã Hòa Liên (Hòa Vang, Đà Nẵng) nước tràn bờ cuốn theo toàn bộ lượng cá, tôm nuôi trong hồ

Nhanh chóng sơ tán người dân khỏi nơi không kiên cố đến nơi an toàn

Trưa 10/10, UBND TP. Đà Nẵng đã tiến hành họp khẩn để ứng phó với áp thấp nhiệt đới đang tiến gần vào đất liền, trong bối cảnh TP. Đà Nẵng mưa lớn vẫn diễn biến phức tạp. Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung đang đứng trước nguy cơ “bão chồng lũ”.

Trước diễn biến phức tạp của mưa bão, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã có công điện yêu cầu các quận, huyện triển khai ngay phương án phòng chống áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất; khẩn trương sơ tán nhân dân, sinh viên, công nhân sống trong các nơi không kiên cố đến nơi an toàn. Tổ chức chằng chống nhà cửa, nhất là nhà tạm chờ tái định cư. Tổ chức neo, đậu lồng bè, nuôi trồng thủy sản; nghiêm cấm, không cho người ở lại trên lồng bè, có biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản cho tại các khu nuôi trồng thủy sản. Nghiêm cấm nhân dân, phương tiện và ghe thuyền không có nhiệm vụ đi lại trong vùng trũng thấp, ngập sâu, cầu tràn qua suối; chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, nước uống… sẵn sàng triển khai lực lượng phương tiện, trang thiết bị, cứu hộ, cứu nạn, chủ động hỏi thăm các gia đình có người gặp nạn do thiên tai gây ra.

Các đơn vị Sở, ban, ngành tùy theo chức năng, nhiệm vụ trong phòng chống bão lũ để chủ động triển khai các phương án ứng phó. Đặc biệt, khẩn trương di dời các tàu chở dầu ra khỏi Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang đến neo đậu tại các khu vực phù hợp, đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ.

Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP. Đà Nẵng lúc 10 giờ sáng 10/10, trong 24 giờ (từ 01 giờ ngày 9/10 đến 01 giờ ngày 10/10) trên địa bàn TP. Đà Nẵng có mưa to, rất to, có nơi lượng mưa lên tới 377.6mm. Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Trung Bộ nối với áp thấp nhiệt đới đang hoạt động trên Biển Đông và trường gió Đông trên cao hoạt động mạnh nên tại TP. Đà Nẵng 24h đến tiếp tục có mưa to, mưa rất to và dông. Dự báo tổng lượng mưa trong 24 giờ (từ 01 giờ ngày 10/10 đến 01 giờ ngày 11/10) tiếp tục từ 120 – 300mm tùy khu vực (riêng huyện đảo Hoàng Sa phổ biến 40 – 60mm). Nhiều hồ vừa và nhỏ tại Đà Nẵng đã đầy. Tính đến 5 giờ sáng 10/10, mực nước các hồ thủy điện (tại Quảng Nam, thượng nguồn các sông của Đà Nẵng) như sau: A Vương 369,90/370 (m); Đakmi 4: 250,44/251,5 (m); Sông Bung 4: 217,98/216 (m). Các hồ thủy điện bắt đầu xả tràn để vận hành đưa mức nước về dưới mực nước đón lũ.

Làng rau sạch La Hường (Cẩm Lệ, Đà Nẵng) ngập trong biển nước

Làng rau sạch La Hường (Cẩm Lệ, Đà Nẵng) ngập trong biển nước

Mưa lũ đã gây những thiệt hại ban đầu cho người và tài sản tại TP. Đà Nẵng. Hiện có 04 tàu bị nạn. Trong đó, 3 tàu bị chìm gồm có các tàu ĐNa 91066-TS, ĐNa 30873-TS, ĐNa 07070-TS. Các thuyền viên trên tàu đều đã vào bờ an toàn (2 người đang điều trị tại bệnh viện Đà Nẵng, sức khỏe ổn định). Riêng ĐNa 90988-TS hiện đang mất tích, trên tàu có 2 lao động.

Các quận huyện đã sơ tán, di dời 733 người. Riêng huyện Hòa Vang, có 9/11 xã có số thôn ngập lũ, chủ yếu ở vùng trũng thấp, dọc các tuyến sông, 1118 hộ/3.963 nhân khẩu bị ngập. Tại các quận, một số tuyến đường ngập cục bộ.

Hiện có 3 người dân đang bị mất tích (2 người của tàu ĐNa 90988-TS và người người tại Hòa Khương), 3 nhà dân bị tốc mái.

61,4 ha rau, 26.000 chậu hoa màu các loại, 3 ha hoa tại Hòa Nhơn, 0,5 ha cây Atiso bị hư hại dập nát; 9,13 ha thủy sản bị nước tràn bờ cuốn trôi tôm, cá nuôi trong hồ, 2 lồng bè tại khu vực Mân Quang bị đứt neo, trôi mất; 04 trại nấm rơm, 1.200 bịch nấm sò bị hư hại.

Nông dân tại làng rau La Hường đội mưa chạy thu hoạch rau

Nông dân tại làng rau La Hường đội mưa chạy thu hoạch rau

Hơn 62 tỷ đồng dự trữ hàng hóa thiết yếu, trực 24/24 khắc phục sự cố về điện

Ông Lê Đức Viên – Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Đà Nẵng cho biết, ngay từ ngày 6/10, trước tình hình mưa lớn dự báo kéo dài, Sở đã làm việc với các đơn vị, nhà cung cấp để chủ động nguồn hàng hóa thiết yếu dự trữ phục vụ người dân. Trong đó, về lương thực, thực phẩm thiết yếu gồm 165 tấn gạo, 1 triệu gói mì ăn liền, 300 nghìn chai nước uống đóng chai (loại 1,5 lít), tổng trị giá hàng dự trữ là 8,04 tỷ đồng. Ngoài ra, trên địa bàn TP. Đà Nẵng còn nhiều đơn vị sản xuất, cung cấp lương thực, thực phẩm tại chỗ như công ty Thực phẩm Á Châu Đà Nẵng và Công ty CP ACECOOK có khả năng sản xuất 1,75 triệu gói mì ăn liền một ngày; công ty TNHH Toàn Gia Phú có khả năng cung cấp 1.000 thùng lương khô, 165 tấn nếp các loại, công ty Cp Bình Vinh có khả năng cung ứng 48.000 lít nước đóng chai mỗi ngày; các đơn vị khác cung ứng các mặt hàng thực phẩm đóng hộp khác lên đến 175 tấn.

Đối với mặt hàng thiết yếu là xăng dầu và chất đốt, các đơn vị cung ứng mặt hàng này đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu phục vụ người dân. Hiện tại các kho lưu trữ xăng dầu và chất đốt trên toàn TP. Đà Nẵng đang dự trữ hơn 1 triệu lít xăng, hơn 2 triệu lít dầu Diezen, và 20.500 lít dầu hỏa. Tổng giá trị hàng hóa dự trữ là 54,12 tỷ đồng.

Đà Nẵng đã dự trữ hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm thiết yếu như gạo, mì tôm, nước uống đóng chai để sẵn sàng ứng phó với mưa bão

Đà Nẵng đã dự trữ hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm thiết yếu như gạo, mì tôm, nước uống đóng chai để sẵn sàng ứng phó với mưa bão

Sở Công Thương TP. Đà Nẵng cũng đã chủ động làm việc với Công ty Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng) để tổ chức trực tăng cường vận hành hệ thống điện ứng phó với mưa lớn. Trong đó, yêu cầu PC Đà Nẵng khẩn trương rà soát, kiểm tra các trụ điện, đường dây điện trên không có nguy cơ không đảm bảo an toàn, có nguy cơ ngã đổ, gãy trụ, các đường dây điện ngầm và trên không có nguy cơ chạm chập, các tủ điện, trạm biến áp, móng trụ điện có nguy cơ bị sói lở, ngập lụt gây sự cố về điện để có biện pháp, giải pháp sửa chữa, khắc phục kịp thời. Bên cạnh đó, đề nghị các đơn vị điện lực thành viên (quận, huyện, đội quản lý vận hành lưới điện cao thế) bố trí nhân viên trực tăng cường phục vụ vận hành, xử lý sự cố trên hệ thống điện; đội quản lý vận hành lưới điện cao thế bố trí nhân lực để sẵn sàng tái lập ca trực tại các TBA 110kV khi có yêu cầu; theo dõi chặt chẽ diễn biến lũ để có biện pháp xử lý an toàn về điện, kịp thời cắt điện vùng/khu vực xảy ra ngập sâu; tiến hành rà soát, thông báo và phối hợp cắt tỉa cây xanh có khả năng gã, đổ va quệt vào đường dây điện khi có gió bão, mưa lớn, sạt lở đất; thông báo đến các chủ đầu tư, đơn vị điều hành dự án công trình thi công dưới tuyến đường dây hoặc trong hành lang an toàn lưới điện cao áp phải tạm dừng thi công hoặc có biện pháp đảm bảo an toàn điện khi thi công trong điều kiện mưa bão.

Nhân viên điện lực Hòa Vang (thuộc PC Đà Nẵng) xử lý sự cố cây xanh đồ gãy vào đường dây điện tại thôn Hương Lam (xã Hòa Khương, Hòa Vang, Đà Nẵng)

Nhân viên điện lực Hòa Vang (thuộc PC Đà Nẵng) xử lý sự cố cây xanh đồ gãy vào đường dây điện tại thôn Hương Lam (xã Hòa Khương, Hòa Vang, Đà Nẵng)

Theo đại diện PC Đà Nẵng, do mưa lớn, kèm theo gió khiến nhiều cây xanh đổ vào đường dây, gây sạt lở đất, mất an toàn các công trình điện trên địa bàn. Một số nơi xảy ra sự cố mất điện cục bộ, chủ yếu tập trung trên địa bàn huyện Hòa Vang. Để đảm bảo an toàn lưới điện, an toàn cho người dân, điện lực Hòa Vang đã phân công 4 nhóm công nhân xử lý lưới điện trung thế, 3 nhóm công nhân xử lý lưới điện hạ thế, trực xử lý sự cố điện 24/24. Ông Trần Thế Thọ - Giám đốc PC Hòa Vang cho biết một số khu vực trên địa bàn huyện chính quyền đã rào chắn đường, cô lập lưu thông do nước lớn nguy hiểm, nhân viên điện lực phải đi đường vòng để ra khỏi khu vực ngập lụt. Có một số trường hợp người dân báo gãy trụ, khi đến xác minh thì đó là trụ viễn thông, cáp thông tin chứ không phải trụ điện. Đối với một số khu vực ngập sâu như Hòa Bắc, trạm bơm An Trạch, phía Nam Quốc lộ 14B, PC Hòa Vang vẫn đang theo dõi chặt chẽ để xử lý sự cố, đảm bảo an toàn điện.

Vũ Lê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/da-nang-trien-khai-cac-bien-phap-cap-bach-ung-pho-voi-bao-chong-lu-145238.html