Đà Nẵng trước cơ hội đột phá với công nghiệp công nghệ cao

Với nền móng vững chắc là các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung đã được đầu tư xây dựng, cùng nguồn nhân lực dồi dào, Đà Nẵng đang đứng trước cơ hội đột phá, trở thành trung tâm phát triển công nghiệp công nghệ cao, nhất là công nghệ bán dẫn.

FPT Complex đang là nơi làm việc của gần 6.000 nhân sự trong lĩnh vực phần mềm.

Nền móng vững chắc

Thông tin từ Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng (DHPIZA) cho biết, 9 tháng của năm 2023, Khu công nghệ cao Đà Nẵng thu hút được 2 dự án trong nước, tổng vốn đăng ký 350 tỷ đồng và 1 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn đăng ký 135 triệu USD.

Lũy kế đến nay, Khu công nghệ cao Đà Nẵng đã thu hút được 29 dự án với tổng vốn đăng ký 1,038 triệu USD. Trong đó, có 17 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 8.198 tỷ đồng (tương đương 336 triệu USD) và 12 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 702,24 triệu USD. Dự án tiêu biểu tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng là Nhà máy Sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine của Tập đoàn UAC (Hoa Kỳ), có tổng vốn đầu tư 170 triệu USD .

Ông Vũ Quang Hùng, Trưởng ban DHPIZA cho hay, trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục phối hợp với Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng (IPA Đà Nẵng) đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, chú trọng các thị trường trọng điểm, ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao có sức lan tỏa, quy mô trên 100 triệu USD.

Các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực công nghệ nói riêng đánh giá rất cao môi trường đầu tư, kinh doanh và những cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Đà Nẵng.

Ông Jeon Chang Hyun, Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH ICT Vina đánh giá, các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng, như miễn giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng hạ tầng, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế nhập khẩu rất hấp dẫn.

Về nguồn nhân lực, theo chia sẻ của ông Trương Hoàng Nguyên, Giám đốc điều hành Công ty TNHH UAC Việt Nam, đối tác của UAC Việt Nam là Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng và Trường cao đẳng Nghề Đà Nẵng có tầm nhìn trong việc đào tào nguồn nhân lực chất lượng cao, giúp Công ty triển khai giai đoạn II, tìm được nhân viên phù hợp với ngành hàng không.

Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam đánh giá, Đà Nẵng hội tụ đầy đủ các yếu tố để có thể trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo về công nghệ của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Vừa qua, DHPIZA đã ban hành Danh mục Dự án kêu gọi đầu tư vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng năm 2023 tại 3 phân khu. Theo đó, đối với các dự án trong Khu sản xuất công nghệ cao, suất đầu tư dự kiến là 15 triệu USD/ha; đối với các dự án trong Khu nghiên cứu - phát triển, đào tạo và ươm tạo doanh nghiệp, Khu hậu cần, logistics và dịch vụ công nghệ cao, suất đầu tư dự kiến lần lượt là 5 triệu USD/ha và 10 triệu USD/ha.

Ngoài Khu công nghệ cao, Đà Nẵng còn có 3 khu công nghệ thông tin tập trung đang hoạt động, gồm Công viên Phần mềm Đà Nẵng; Khu Công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng (Đà Nẵng IT Park) và Khu phức hợp Văn phòng FPT (FPT Complex).

Trong đó, FPT Complex dù mới được Thủ tướng Chính phủ công nhận là khu công nghệ thông tin tập trung vào tháng 3/2023, nhưng đã có đóng góp quan trọng đối với TP. Đà Nẵng. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu phần mềm của FPT Complex đạt 91 triệu USD, chiếm 69% tổng kim ngạch xuất khẩu phần mềm của toàn Thành phố.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc FPT khẳng định, Đà Nẵng là “căn cứ địa” của Tập đoàn và tổ hợp ở Đà Nẵng là một trong những chiến lược quan trọng để thúc đẩy hoạt động liên quan đến công nghiệp, công nghệ thông tin tại Việt Nam.

“FPT sẽ tiên phong kêu gọi doanh nghiệp làm công nghệ thông tin trong và nước ngoài đến với Đà Nẵng; đưa Đà Nẵng trở thành địa phương cung ứng năng lực chuyển đổi số trên toàn cầu”, ông Khoa cam kết.

Còn tại phía Tây của Thành phố, Đà Nẵng IT Park đã hoàn thành giai đoạn I với 4 phân khu chức năng, gồm khu sản xuất (47,3 ha), khu dịch vụ (10,03 ha), khu đất hỗn hợp (8,7 ha), khu nghiên cứu và phát triển - R&D (10,63 ha).

Với 670,796 m2 diện tích đất cho thuê xưởng; 147.809 m2 nhà xưởng diện tích 3.000 - 8.000 m2; 64 căn biệt thự; 404 căn hộ cho thuê…, Đà Nẵng IT Park sẵn sàng đón nhà đầu tư để trở thành một trong những cộng đồng phát triển công nghệ thông tin tốt nhất châu Á tại Đà Nẵng, theo mô hình thung lũng Silicon của Hoa Kỳ.

Công ty cổ phần Phát triển Khu công nghệ thông tin Đà Nẵng (thuộc Tập đoàn Trung Nam), chủ đầu tư Đà Nẵng IT Park cho biết, Đà Nẵng IT Park thu hút sự quan tâm của rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, như IBM, Cisco, Intel, KDDI, Mitsui, NTT Data, Japanese firms, US and local Software & IT companies…

Được biết, trong giai đoạn đến năm 2025, tại Đà Nẵng IT Park, Trung Nam sẽ vận hành khai thác chuỗi 5 nhà máy sản xuất điện tử; xây dựng và đưa vào khai thác 1 trung tâm R&D, bao gồm khu đào tạo của giai đoạn I; đưa vào khai thác giai đoạn II (210 ha), xúc tiến kêu gọi đầu tư lấp đầy diện tích toàn Khu (341 ha)...

Đặc biệt, tại Đà Nẵng IT Park, trong tháng 9/2023, Trung Nam EMS là một trong 2 doanh nghiệp được Samsung Việt Nam chọn triển khai thực hiện Dự án Phát triển nhà máy thông minh ở khu vực miền Trung.

Về nguồn lực, tính đến tháng 10/2023, Đà Nẵng có 2.450 doanh nghiệp công nghệ số; trung bình 2,3 doanh nghiệp công nghệ/1.000 dân, đứng thứ 2 trên cả nước (sau TP.HCM) và gấp 3 lần mức trung bình toàn quốc. Bên cạnh đó, Thành phố có 46.000 nhân lực công nghệ số; mỗi năm có khoảng 750 sinh viên chuyên ngành liên quan điện tử, vi mạch tốt nghiệp.

Cơ hội mới, vận hội mới

Quy hoạch TP. Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định một trong 3 trụ cột tập trung phát triển kinh tế của Đà Nẵng là kinh tế tri thức với 2 mũi nhọn: công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp và công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số.

Mục tiêu đến năm 2030, kinh tế số chiếm khoảng 35 - 40% GRDP của Đà Nẵng, trong đó, cụm ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông chiếm khoảng 10 - 15%.

Với mục tiêu trở thành một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ của cả nước, Đà Nẵng xác định tiếp tục chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng giảm dần các ngành sản xuất thâm dụng đất đai, lao động, giá trị gia tăng thấp; hạn chế và tiến tới loại bỏ các ngành sản xuất gây ô nhiễm môi trường; tăng tỷ trọng các ngành, lĩnh vực sản xuất có hàm lượng cao về công nghệ, tri thức, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường.

Trong đó, công nghiệp công nghệ cao được xác định phát triển các lĩnh vực gồm: công nghệ vi điện tử, công nghệ chip và vi mạch bán dẫn, cơ khí chính xác, cơ - điện tử, quang - điện tử và tự động hóa, công nghệ môi trường, công nghệ năng lượng mới, công nghệ vật liệu mới, công nghệ nano. Đây là các lĩnh vực công nghiệp chủ đạo của TP. Đà Nẵng.

Về định hướng phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao, đối với ngành điện tử, công nghệ thông tin, TP. Đà Nẵng tập trung thu hút đầu tư dự án mới vào Khu công nghệ cao và các khu công nghệ thông tin tập trung về sản xuất, lắp ráp chi tiết, linh kiện điện tử chuyên dụng định hướng xuất khẩu; sản xuất linh kiện, phụ tùng và sản phẩm hỗ trợ cho các lĩnh vực tin học, viễn thông, điện tử y tế, điện tử công nghiệp, cơ điện tử, đo lường, tự động hóa. Đột phá của ngành trong giai đoạn này là trở thành trung tâm quốc gia về sản xuất thiết bị y tế.

Đối với ngành cơ khí chế tạo, các dự án sản xuất cơ khí sử dụng công nghệ cao, Đà Nẵng tập trung bố trí vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng với mục tiêu đầu tư chiều sâu, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ. Đột phá của ngành trong giai đoạn này là đi đầu trong chế tạo các thiết bị cho ngành năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, điện khí…

Theo quy hoạch, Trung tâm Công nghiệp công nghệ cao của TP. Đà Nẵng bao gồm Khu công nghệ cao Đà Nẵng, Đà Nẵng IT Park (giai đoạn I và II) trên địa bàn xã Hòa Liên và Hòa Ninh, huyện Hòa Vang.

Trong đó, Khu công nghệ cao đến năm 2030 có diện tích 1.130 ha (phân bổ theo Quyết định số 326/QĐ-TTg, ngày 9/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ); dự kiến mở rộng lên 1.710 ha (giai đoạn 2025 - 2030) khi TP. Đà Nẵng được bổ sung chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đảm bảo các điều kiện theo quy định trở thành khu đô thị sáng tạo - khoa học - công nghệ đạt đẳng cấp quốc tế.

Đối với các khu công nghệ thông tin tập trung, bên cạnh việc hoàn thiện Đà Nẵng IT Park, Đà Nẵng sẽ sớm hoàn thành thủ tục đầu tư và triển khai xây dựng, đưa vào hoạt động Khu Công viên phần mềm số 2, giai đoạn I (2,857 ha, tại quận Hải Châu); Dự án Không gian đổi mới sáng tạo (17,298 ha, tại phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ); Khu Công nghệ thông tin DanangBay (3,519 ha, tại quận Liên Chiểu); Tòa nhà Viettel Đà Nẵng (1,076 ha, tại quận Hải Châu)…

Ông Vũ Quang Hùng cho biết, từ khi quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ được nâng lên thành Đối tác chiến lược toàn diện, thì ngành công nghệ cao (đặc biệt là công nghệ bán dẫn, công nghệ vi mạch) và công nghiệp công nghệ thông tin (2 trong 5 lĩnh vực mũi nhọn của Đà Nẵng, theo Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị) đang đứng trước những vận hội mới.

Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, ông Lê Trung Chinh khẳng định, Đà Nẵng xác định ưu tiên phát triển công nghiệp thiết kế, sản xuất vi mạch; mục tiêu đến năm 2030, trên địa bàn Thành phố có ít nhất 8.950 doanh nghiệp công nghệ số và 7 khu công nghệ thông tin, công viên phần mềm.

Theo Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, từ chủ trương của Đảng và Nhà nước, kết quả quan hệ và hợp tác quốc tế đã mở ra cho Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng cơ hội tham gia chuỗi cung ứng bán dẫn, vi mạch toàn cầu; góp phần phát triển bền vững dựa vào khoa học công nghệ.

Phú Dương

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/da-nang-truoc-co-hoi-dot-pha-voi-cong-nghiep-cong-nghe-cao-d203512.html