Đà Nẵng vận động nam giới phòng chống bạo lực gia đình

Với tư duy phòng chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) không phải là việc của riêng nữ giới, nhiều năm qua Đà Nẵng đã cho ra đời nhiều mô hình mà ở đó, chính các 'anh chồng' trở thành người đi vận động, tuyên truyền, thậm chí là hòa giải các vụ việc bạo lực gia đình (BLGĐ).

Đà Nẵng bước đầu thành công với mô hình CLB "Nam giới tiên phong" trong công tác phòng chống BLGĐ. Ảnh: UN

“Nam giới tiên phong”

Giữa tháng 10 vừa qua, UBND TP. Đà Nẵng đã tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thi hành luật phòng chống BLGĐ (2008 – 2018). Tại đây, mô hình câu lạc bộ (CLB) “Nam giới tiên phong” là cái tên không mới nhưng gây được tiếng vang trong công tác PCBLGĐ nhiều năm qua ở Đà Nẵng.

Được thành lập tại phường Hòa Cường Bắc (quận Hải Châu) và xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang) từ năm 2015 – 2016 với sự tham dự của các “anh chồng”, đến nay, các CLB sinh hoạt thường kỳ 1 lần hoặc 2 lần/tháng với chủ đề xoay quanh việc xây dựng các mối quan hệ tôn trọng và bình đẳng với phụ nữ như: Thay đổi chuẩn mực giới, giao tiếp khi nóng giận, cam kết thay đổi bản thân, tạo thay đổi và vận động cho phòng ngừa bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái...

Theo đánh giá độc lập của Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phát triển thực hiện, mô hình này mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc giúp thay đổi kiến thức, hành vi thái độ của các thành viên CLB, gia đình cũng như cộng đồng nhỏ.

Bà Nguyễn Thị Nga – Phó trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình – Sở Văn hóa Thể thao Đà Nẵng chia sẻ: “Mỗi người trong cuộc sống hiện nay đều có nhiều áp lực, lo lắng khác nhau và nếu không được giải quyết sẽ rất dễ gây ra những mâu thuẫn lớn, xung đột lớn. Đó chính là phần chìm của tảng băng mà chúng ta chưa thấy được của nạn BLGĐ. Bên cạnh đó, việc phát hiện ra các vụ việc có nguy cơ dẫn đến BLGĐ, làm sao cho nạn nhân hợp tác để lên tiếng là điều không hề dễ dàng. Vậy nên, công tác phòng chống BLGĐ tại Đà Nẵng lấy tiêu chí phòng ngừa đưa lên hàng đầu. Phòng BLGĐ bằng cách đưa những nội dung này vào trong cuộc sống của mỗi người dân, mà mỗi gia đình, mỗi thành viên đều có trách nhiệm chứ không chỉ riêng chị em phụ nữ. Mô hình CLB “Nam giới tiên phong” chính là điểm không mới nhưng hiệu quả rất lớn tại Đà Nẵng hiện nay”.

Nếu trước đây, bất cập trong công tác phòng chống BLGĐ là đối tượng cần được tác động nhiều là nam giới nhưng thực tế khi tuyên truyền, chủ yếu vẫn là phụ nữ tiếp nhận. Thì nay, nhờ vào mô hình CLB “Nam giới tiên phong”, bà Nga cho biết việc tuyên truyền vận động về BLGĐ đã tạo nên những điểm tích cực và thành phố đang có chủ trương nhân rộng ra thêm nhiều CLB nữa.

Giảm 50% các vụ bạo lực gia đình

Tổng kết 10 năm thi hành luật phòng chống BLGĐ (2008 – 2018), không chỉ dựa vào các văn bản luật, Đà Nẵng đã có nhiều cách làm mới, làm hay giúp việc PCBLGĐ trên địa bàn thành phố giảm mạnh. Cụ thể, từ 334 vụ BLGĐ xảy ra năm 2009 thì đến 2017, Đà Nẵng chỉ còn 172 vụ, tức giảm khoảng 50% các vụ việc.

Một trong số những hoạt động điển hình mà thành phố triển những năm qua có thể kể đến như năm 2009, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã tổ chức gặp mặt 130 “ông chồng” có hành vi bạo lực gia đình để trò chuyện, trao đổi nhằm thay đổi nhận thức không chỉ cho các đối tượng đã gây ra các vụ BLGĐ. Hiện nay, 56/56 phường, xã của Đà Nẵng đã thành lập mô hình PCBLGĐ với 168 số điện thoại được lấy làm đường dây nóng, 569 địa chỉ tin cập tiếp nhận thông tin về BLGĐ. Đặc biệt, Đà Nẵng là địa phương có nguồn kinh phí riêng dành cho các hoạt động PCBLGĐ suốt nhiều năm qua với khoảng 12 tỉ đồng.

Tuy nhiên, nhìn nhận tất cả chỉ là một phần của thực trạng BLGĐ, phát biểu tại hội nghị tổng kết, ông Nguyễn Ngọc Tuấn – Phó Chủ tịch UBND Đà Nẵng cho rằng, với con số 1.766 vụ bạo lực gia đình được phát hiện và giải quyết, Đà Nẵng còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa.

“Trong thời gian tới, UBND thành phố yêu cầu các cơ quan, ban ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền đặc biệt là cho nam giới, đây là đối tượng chính gây ra bạo lực gia đình, vì vậy phải huy động, thu hút nam giới tham gia vào các hoạt động truyền thông để đem lại kết quả tích cực hơn. Bên cạnh đó, chúng ta cần chú trọng tăng cường hoạt động của đường dây nóng và địa chỉ tin cậy tại cộng đồng dân cư đảm bảo việc hỗ trợ, bảo vệ và tư vấn cho nạn nhân, giúp nạn nhân vượt qua khó khăn và biết tự bảo vệ mình không để dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Đặc biệt, cần thực hiện khởi tố và xét xử điểm lưu động một số vụ bạo lực gia đình có tính chất nghiêm trọng để đảm bảo tính răn đe, giáo dục và thực thi của chính sách, pháp luật của nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình. Riêng về những bất cập trong luật PCBLGĐ, ông Tuấn giao cho Sở Văn hóa Thể thao có văn bản đề xuất với UBND kiến nghị Trung ương bổ sung, điều chỉnh” – ông Tuấn chỉ đạo.

thùy trang - xuân hậu

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/da-nang-van-dong-nam-gioi-phong-chong-bao-luc-gia-dinh-638030.ldo