Đà Nẵng vay 45 triệu USD để cải thiện hạ tầng giao thông thành phố

Để giảm tai nạn giao thông, giảm ô nhiễm môi trường, hoàn chỉnh kết nối mạng lưới giao thông, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1A và cải thiện điều kiện đi lại của người dân đồng thời hạn chế ùn tắc giao thông ở trung tâm, TP Đà Nẵng vừa vay của tổ chức nước ngoài 45 triệu USD để thực hiện Hạ tầng giao thông thành phố.

Theo đó, ngày 28/8, Hiệp định vay cho dự án Cải thiện hạ tầng giao thông TP Đà Nẵng giữa Chính phủ Việt Nam và Quỹ phát triển quốc tế của các tổ chức xuất khẩu dầu mỏ (Quỹ OFID) vừa được ký kết. Đây là khoản vay giúp TP Đà Nẵng cải thiện hạ tầng giao thông đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2017 và được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt dự án đầu tư năm 2018 và năm 2019.

Dự án Cải thiện hạ tầng giao thông TP Đà Nẵng với mục tiêu phát triển giao thông một cách hiệu quả và bền vững, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân, giảm tai nạn giao thông, giảm ô nhiễm môi trường và cải thiện điều kiện đi lại của người dân TP Đà Nẵng, đồng thời hạn chế ùn tắc giao thông ở trung tâm thành phố hoàn chỉnh kết nối mạng lưới giao thông thành phố, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1A.

 Ký kết hiệp định vay Dự án cải thiện hạ tầng giao thông TP Đà Nẵng

Ký kết hiệp định vay Dự án cải thiện hạ tầng giao thông TP Đà Nẵng

Dự án có tổng mức đầu tư 61,37 triệu USD (tương đương 1.370,39 tỷ đồng) vốn vay Quỹ OFID 45 triệu USD, và vốn đối ứng của TP Đà Nẵng 16,37 triệu USD. Quy mô dự án gồm các công trình: công trình Đường Vành đai phía Tây 2 với tổng chiều dài tuyến 14,3 km (tuyến chạy dọc theo hành lang đường sắt mới, có điểm đầu giao với Quốc lộ 14B tại km14+346, điểm cuối giao với tuyến tránh Nam Hải Vân - Túy Loan tại km65+935); công trình Đường và cầu qua sông Cổ Cò, với tổng chiều dài toàn tuyến 1.213,11m (điểm đầu tại nút giao đường Trần Đại Nghĩa - Võ Chí Công, điểm cuối tại nút giao đường Võ Quý Huân với đường ven sông Cổ Cò, thuộc Khu tái định cư Tân Trà).

Dự án dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022, góp phần giúp thành phố Đà Nẵng hoàn thiện, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông khu vực phía Tây.

Trong một diễn biến khác, nhằm cải thiện giao thông, UBND TP Đà Nẵng vừa phê duyệt dự án cải tạo cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý với mức đầu tư hơn 723 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố.

Dự án nhằm cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông và môi trường tại khu vực cụm nút, giảm tải các tuyến đường chính qua khu vực bờ Đông như nút giao đường Trần Phú, Nguyễn Văn Linh, Xô Viết Nghệ Tĩnh, đặc biệt giảm thiểu ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm; tạo nên một trục giao thông hoàn chỉnh kết nối với sân bay quốc tế Đà Nẵng và biển phía Đông, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao công suất phục vụ của sân bay quốc tế Đà Nẵng và tổ chức giao thông mạng lưới đường đô thị cho khu vực trung tâm thành phố.

Nút giao thông này thuộc dự án nhóm B, công trình giao thông cấp II, được thiết kế, xây dựng theo hình thức cầu vượt và hầm chui dạng 3 tầng gồm tầng trên cùng bố trí cầu vượt bằng hộp thép, tầng mặt đất bố trí đảo xuyến hình tròn và tầng dưới cùng bố trí hầm chui.

Trong khi đó, tại nút giao thông phía Tây cầu Rồng, UBND TP Đà Nẵng cũng vừa đồng ý chi 6 tỷ đồng để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại đây. Theo đó, cụm 2 nút giao thông phía Tây cầu Rồng được điều khiển bằng hệ thống tín hiệu đèn 3 pha và bổ sung các giải pháp tổ chức giao thông.

Đồ họa nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý

Cụ thể, trên tuyến Nguyễn Văn Linh (đoạn từ đường Lê Đình Dương đến đường Bạch Đằng), thực hiện mở rộng mặt đường, thu hẹp và kéo dài dải phân cách giữa nhằm tăng khả năng thông hành, giảm chiều dài dòng xe chờ trước nút; đồng thời, bố trí làn rẽ phải liên tục từ đường Nguyễn Văn Linh đi đường Trưng Nữ Vương, không cho phép các phương tiện dừng đỗ xe trên đường Nguyễn Văn Linh khu vực này gây cản trở dòng xe.

Đối với tuyến đường Trần Phú, thực hiện thu hẹp vỉa hè, mở rộng mặt đường đoạn từ đường Hoàng Văn Thụ đến Lê Đình Dương từ 3 làn xe lên thành 4 làn xe nhằm tăng diện tích cho các phương tiện dừng chờ đèn trước khi vào nút. Bên cạnh đó, tại sát nút (trước vạch stop) tuyến Trần Phú và 2 Tháng 9, bố trí diện tích dành cho các phương tiện xe mô tô và xe thô sơ dùng để chờ đèn và ưu tiên thoát nút khi có tín hiệu xanh.

Đồng thời, tổ chức giao thông 1 chiều đường Trưng Nữ Vương hướng ra khỏi nút đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến đường nối phía sau Cổ Viện Chàm (chiều dài khoảng 130 m), và mở rộng tuyến đường ngang sau lưng Cổ Viện Chàm theo quy hoạch. Dự kiến, kinh phí thực hiện trên 6 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp giao thông năm 2019.

Xuân Nha

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kinh-te/giao-thong-bot/da-nang-vay-45-trieu-usd-de-cai-thien-ha-tang-giao-thong-thanh-pho-74908.html